Thứ bảy 20/04/2024 20:03 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hải Dương: Cty CP Thép Hòa Phát từng bị xử phạt nhiều lần vì gây ô nhiễm môi trường

16:38 | 14/05/2018

(Xây dựng) – Như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin, ngày 7/5/2018 tại Khu liên hợp sản xuất gang thép – Cty CP Thép Hòa Phát (xã Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn, Hải Dương) đã xảy ra một vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm 3 công nhân tử vong và 1 công nhân bị thương nặng. Tiếp tục tìm hiểu được biết, cũng chính tại Khu liên hợp sản xuất gang thép này, Cty CP Thép Hòa Phát từng bị xử phạt nhiều lần vì gây ô nhiễm môi trường.


Dư luận hoài nghi về việc có dấu hiệu “chìm xuồng” sau vụ tai nạn làm 3 người tử vong tại Khu liên hợp sản xuất gang thép – Cty CP Thép Hòa Phát Hải Dương

Ngày 12/5/2018, Báo điện tử Xây dựng có bài viết “Tại nạn lao động làm 3 người tử vong tại Hải Dương: Vì sao chưa khởi tố vụ án?”, nội dung bài viết phản ánh về vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 09 giờ 30 phút ngày 07/5/2018 vị trí Lò thổi 2 thuộc Nhà máy luyện Thép của Cty CP Thép Hòa Phát.  Vụ tai nạn lao động làm 3 công nhân tử vong và 1 công nhân đang trong cơn nguy kịch. Tuy nhiên đến nay đã gần 2 tuần trôi qua, thông tin xử lý trách nhiệm của những cá nhân có liên quan, cũng như nguyên nhân chính thức dẫn đến vụ tai nạn chưa được công bố, vụ việc đang có dấu hiệu “chìm xuồng”.

Tiếp tục tìm hiểu về những “lình xình” của Khu liên hợp sản xuất gang thép này, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã ghi nhận về những phản ánh của người dân về tình hình ô nhiễm môi trường xung quanh vị trí Khu liên hợp sản xuất gang thép - Cty CP Thép Hòa Phát.

 
Thời gian gần đây Khu liên hợp sản xuất gang thép – Cty CP Thép Hòa Phát Hải Dương liên tục bị người dân phản ánh là gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường, tại buổi làm việc với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Trần Văn Pha - Chánh Văn phòng UBND huyện Kinh Môn đã cung cấp cho phóng viên một bản Báo cáo cung cấp thông tin cho báo chí liên quan đến nội dung các báo phản ánh Cty CP Thép Hòa Phát gây ô nhiễm môi trường.

Nội dung báo cáo của UBND huyện Kinh Môn nêu: Cty CP Thép Hòa Phát là Chủ đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại xã Hiệp Sơn (huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương). Cty bắt đầu hoạt động từ năm 2010 trong lĩnh vực sản xuất phôi thép thép xây dựng, theo Giấy chứng nhân đăng ký doanh nghiệp Cty cổ phần số 08000384651, thay đổi lần thứ 12 ngày 28/02/2017 do Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương cấp… Trong những năm đầu hoạt động, do vừa xây dựng vừa sản xuất, nên hoạt động của Cty chưa ổn định, có một số vi phạm về công tác bảo vệ môi trường như: Năm 2011, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường xử phạt 210.000.000 đồng do đưa công trình vào sử dụng chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận; không phân loại chất thải nguy hại, để lẫn chất thải nguy hại khác loại vơi nhau hoặc với chất thải khác; không bố trí nơi an toàn để lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại, không dán nhãn theo quy định.

Báo cáo của UBND huyện Kinh Môn cũng cho biết: Năm 2015, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xử phạt 270.000.000 đồng do hành vi xả thải vượt quy chuẩn ra môi trường và yêu cầu Cty có biện pháp khắc phục hậu quả.  Hàng năm, các cơ quan chức năng của huyện và tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của Cty, Cty đã có biện pháp để giảm thiểu phát sinh chất thải, tuy nhiên vẫn còn một số ý kiến, phản ánh của người dân. Vì vậy, năm 2017 UBND huyện đã rà soát và đưa Cty vào danh sách các cơ sở có phản ánh, kiến nghị của nhân dân, các cơ sở có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường, đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục Thanh tra, xử lý.

Cũng theo Báo cáo của UBND huyện Kinh Môn: Theo Kết luận Thanh tra số 136/KL-TCMT ngày 16/01/2018 của Tổng Cục môi trường về việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại Cty CP Thép Hòa Phát. Tại thời điểm Thanh tra, Cty CP Thép Hòa Phát còn một số tồn tại sau: Cty chưa có Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu được UBND tỉnh phê duyệt, chưa có hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục theo quy đinh, nước thải sau hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt có thông số Tổng chất rắn hòa tan cao. Tổng cục Môi trường đã yêu cầu Cty phải hoàn thành việc lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục trước ngày 30/8/2018. Trong quá trình hoạt động, yêu cầu Cty thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, thu gom và xử lý triệt để chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải.

Mặc dù trong báo cáo của UBND huyện cho rằng, đầu năm 2018, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tiếp tục kiểm tra, lấy mẫu chất thải tại Cty, kết quả giám sát các mâu phân tích đều đạt quy chuẩn cho phép. Tuy nhiên trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Pha - Chánh Văn phòng UBND huyện Kinh Môn cho biết: Đối với vấn đề môi trường, huyện chúng tôi chưa xử lý lần nào, bởi vì theo quản lý về mặt Nhà nước cái này thuộc cấp cơ quan của tỉnh, thế nên chúng tôi chưa phát hiện, chỉ có Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý nên chúng tôi không có tài liệu. Đối với huyện, thì không thể có các phương tiện để có thể quan trắc và đánh giá được, nên cái này là của tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường.

Cũng liên quan đến vụ tai nạn lao động làm 3 công nhân tử vong và 1 công nhân đang trong cơn nguy kịch xảy ra vào ngày 7/5/2018 tại Khu liên hợp sản xuất gang thép – Cty CP Thép Hòa Phát gây rúng động dư luận tuần qua. Đến nay đã gần 2 tuần trôi qua, thông tin xử lý trách nhiệm của những cá nhân có liên quan đến vụ tai nạn nghiêm trọng này chưa hề được công bố và vụ việc đang có dấu hiệu “chìm xuồng”.

Theo chúng tôi việc vi phạm về môi trường là việc thường xuyên diễn ra ở Cty này, tuy nhiên các cơ quan có thẩm quyền mới chỉ dừng ở mức độ xử phạt tiền mà chưa có biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật, vì vậy họ đã “nhờn” pháp luật.

Theo TS.Phạm Gia Yên, Nguyên Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng: Tai nạn lao động vừa qua đã gây hậu quả nghiêm trọng và đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Thứ nhất theo theo khoản 3 Điều 295 Bộ Luật hình sự năm 2015 quy định về Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người như sau: “3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm: a) Làm chết 03 người trở lên;  b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên…

Thứ 2 theo báo cáo của Sở Lao động thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương, nếu như Cty này trong khi đang tiến hành sửa chữa, doanh nghiệp có sử dụng khoảng 60 bao bột An cơ FC01 (bột chịu lửa để đầm các khe hở đáy lò) và dùng 02 máy đầm rung bằng khí nén để đầm đáy lò mà để xảy ra tai nạn chết người thì còn có thể áp dụng khoản 3 Điều 298 Bộ Luật hình sự năm 2015 Tội vi phạm về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng quy định: “3. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 20 năm:  a) Làm chết 03 người trở lên;  b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;  c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;  d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên”.

Thiết nghĩ các cơ quan pháp luật cần xử lý nghiêm hành vi vi phạm nêu trên để đảm bảo kỷ cương và pháp luật.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin./.

Ngọc Hân – Hải Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load