(Xây dựng) - Sáng 20/2, Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh phối hợp với Khoa Sư phạm Ngữ văn – Đại học Vinh tổ chức Hội thảo khoa học Xuân Diệu - tác gia và di sản văn học nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Xuân Diệu (02/02/1916 – 02/02/2016).
Toàn cảnh Hội thảo.
Phát biểu chúc mừng hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh đã nhắc lại những thành tựu và đóng góp to lớn của thi sỹ Xuân Diệu đối với nền văn chương Việt Nam. Ông Khánh đánh giá cao nội dung của hội thảo và tin tưởng, qua hội thảo này sẽ có thêm những đánh giá mới, toàn diện hơn và sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của Xuân Diệu, góp phần tạo nên sức lan toả, ảnh hưởng của di sản văn hoá mà thi nhân để lại.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh phát biểu tại hội thảo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, đây là dịp để chúng ta bày tỏ lòng tự hào, ngưỡng mộ, tình cảm yêu quý với những cống hiến to lớn của nhà thơ Xuân Diệu đối với nền văn học nước nhà, từ đó đề cao vai trò của VHNT trong việc nuôi dưỡng, bồi đắp tình cảm, tâm hồn con người trong thời kỳ phát triển mới của quê hương, đất nước. Trong những năm qua, cấp uỷ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân ở Hà Tĩnh đã nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hoá và VHNT trong sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước. Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hoá, nhà văn, nhà thơ nhằm giúp tỉnh bảo tồn và phát huy có hiệu quả những giá trị di sản văn hoá truyền thống của quê hương, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh nhà.
Tại hội thảo, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã kể một số kỷ niệm của mình với nhà thơ Xuân Diệu, qua đó làm bật lên tài năng và nhân cách của Xuân Diệu. Nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định, nếu không có Hà Tĩnh thì sẽ không có một Xuân Diệu tài năng và mẫn cảm như thế.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Nếu không có Hà Tĩnh thì không có một Xuân Diệu tài năng và mẫn cảm như thế.
Sau thời kỳ thơ mới, ngòi bút Xuân Diệu ngày càng vạm vỡ, thơ ông ngày càng mở rộng biên độ, có rất nhiều giọng điệu thơ trong cùng một Xuân Diệu. Không chỉ có thế, Xuân Diệu còn viết văn xuôi và là một cây bút phê bình văn hoá kiệt xuất.
Tham gia hội thảo có 43 tham luận, trong đó có 10 tham luận trình bày trực tiếp, đã đề cập đến nhiều vấn đề về cả sáng tác, nghiên cứu, phê bình và dịch thuật của Xuân Diệu; về tình hình nghiên cứu Xuân Diệu – tác gia, tác phẩm và các vấn đề liên quan đến cuộc đời, con người, quê hương, thời đại của Xuân Diệu. Hội thảo nhằm tri ân, tôn vinh những đóng góp lớn lao của ông cho nền văn học nước nhà, đồng thời nhìn nhận lại quá trình nghiên cứu và tiếp tục tìm hiểu, khai thác giá trị từ di sản Xuân Diệu để lại.
TS Nguyễn Ái Học trình bày tham luận "Xuân Diệu trong trường nhìn "phê phán tính hiện đại".
Nhà thơ Trần Đăng Khoa trò chuyện với các đại biểu về tác gia Xuân Diệu.
Phi Long
Theo