Thứ năm 23/01/2025 17:42 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Hà Tĩnh: Thiệt hại khôn lường từ siêu bão

22:46 | 16/09/2017

(Xây dựng) - Bão số 10 đổ bộ vào đất liền khoảng 11 giờ ngày 15/9/2017 trên địa bàn giáp ranh giữa Nam Hà Tĩnh và Bắc Quảng Bình. Vùng tâm bão có gió cấp 11, cấp 12, giật cấp 15. Đây là cơn bão mạnh nhất từ nhiều năm qua, đã để lại hậu quả hết sức nặng nề cho những nơi nó đi qua.


Ngôi nhà dân tại xã Cẩm trung (Cẩm Xuyên) bị tốc mái.

Theo báo cáo sơ bộ từ Văn phòng Ban chỉ huy PCLB Hà Tĩnh, đến thời điểm sáng 16/9, toàn tỉnh có 62.512 ngôi nhà dân bị đổ, tốc mái, trong đó, thị xã Kỳ Anh 17.500 nhà; huyện Kỳ Anh 23.500 nhà; huyện Cẩm Xuyên 20.000 nhà; huyện Lộc Hà 749 nhà; huyện Nghi Xuân 50 nhà; huyện Thạch Hà 570 nhà; TP Hà Tĩnh 640 nhà; Đức Thọ 3 nhà; Hương Khê 1 nhà. Nhiều trường học, trạm y tế và một số đơn vị, cơ quan bị tốc mái chưa chưa có con số cụ thể.


Một dãy nhà công sở bị tốc mái hoàn toàn.

Hệ thống điện thắp sáng toàn tỉnh bị tê liệt từ lúc 10 giờ sáng ngày 15/9. Riêng tại thị xã Kỳ Anh, tuyến cột điện 35 đi Vũng Áng bị gãy đổ hàng loạt; cột Ăng-ten đài truyền hình cao 100m và cột phát sóng Viettel bị đổ sập, khiến toàn bộ hệ thống Internet và mạng Viettel trên địa bàn bị mất liên lạc suốt nhiều giờ liền. Ngoài ra, cột thu phát sóng tại xã Kỳ Tiến; Ăng-ten của đài truyền hình Hương Khê cũng không thể trụ được trước siêu bão.

Mưa bão đã làm ngập 29 thôn, 4.699 hộ dân của 4 huyện vùng ven biển, cửa sông (Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Lộc Hà, Thạch Hà). Trong đó, xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) toàn xã với 2.400 hộ bị ngập sâu từ 0,6m đến 0,7m. Tuyến QL1A qua thị xã Kỳ Anh bị tạm dừng lưu thông nhiều giờ; nhiều tuyến giao thông liên xã thuộc các địa phương ven biển bị ngập sâu gây khó khăn cho việc đi lại.

Trong số 3.100 ha diện tích nuôi trồng thủy sản thì có 1.100 ha nước mặn, lợ với 800 ha tôm và 300 ha nhuyễn thể bị ngập, hư hại hoàn toàn. Đặc biệt có khoảng 60 tấn tôm của Cty Grobet, thuộc xã Kỳ Phương đã đến kỳ thu hoạch nhưng chưa thu hoạch kịp nên hầu như bị mất trắng.


Toàn bộ mái tôn của một ngôi nhà mới xây bị bão hất văng xuống đường.

Gần 1.000 ha lúa mùa, nhiều diện tích rau màu bị bị ngập, hư hỏng. Khoảng 8.000 ha cây ăn quả, trong đó có 2.000 ha bưởi đang trong thời kỳ thu hoạch và 6.000 ha cam trĩu quả bị rơi rụng do bão. Mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương huy động lực lượng giúp dân, cố gắng đến mức cao nhất, tuy nhiên bão số 10 là cơn bão mạnh, tốc độ di chuyển nhanh nên đã gây thiệt hại rất lớn.

Một số đoạn đê thuộc các huyện Lộc Hà, Cẩm Xuyên bị nước tràn qua, cụ thể: Tuyến đê Tả Nghèn - Lộc Hà, đoạn cống Đồng Muối tại K48 bị xói lở, gây ngập toàn bộ diện tích đồng muối bên trong; tuyến đê ở Thạch Châu bị cuốn trôi hàng chục mét; tuyến đê biển Cẩm Hà - Cẩm Lộc bị ngập dài khoảng 2,0km; đường giao thông nông thôn tại xã Cương Gián (Nghi Xuân) bị sóng đánh lở nghiêm trọng.


Ngổn ngang mái tôn, biển hiệu, cổng chào la liệt bên đường.

Cũng vào sáng nay 16/9, tại UBND thị xã Kỳ Anh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc họp và chỉ đạo khắc phục hậu quả sau bão. Tại đây, Thủ tướng đã chỉ đạo, yêu cầu toàn thể các Bộ, ban, ngành và cả hệ thống chính trị tại Hà Tĩnh phải gấp rút khắc phục hậu quả do bão số 10 gây ra để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Một số hình ảnh phóng viên Báo điện tử Xây dựng ghi nhận được sau khi bão số 10 đổ bộ vào Hà Tĩnh:


Tuyến cột điện 35 đi Vũng Áng bị gãy đổ hàng loạt.


Cột ăng-ten đài truyền hình thị xã Kỳ Anh cao 100m bị sập đổ, khiến toàn bộ hệ thống Internet và mạng Viettel trên địa bàn bị mất liên lạc suốt nhiều giờ liền.


Một cột thu phát sóng tại xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh cũng không thể trụ vững trước sức tàn phá kinh hoàng của siêu bão.


Ăng-ten của Đài PT-TH Hương Khê cũng không thể thoát được bàn tay “tử thần”.


Cổng chào giữa huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh đổ sập ngang đường khiến giao thông ách tắc suốt nhiều giờ liền.


Cây đổ chắn lối vào trụ sở UBND thị xã Kỳ Anh.


Một cây xà cừ rất lớn tại xã Cẩm Trung (Cẩm Xuyên) đổ chắn ngang đường QL1A, được người dân kéo vào bên lề.


Bưởi Phúc Trạch - đặc sản của Hà Tĩnh bị gãy đổ, rơi rụng do bão.


Tuyến đê ở xã Thạch Châu (Thạch Hà) bị cuốn trôi hàng chục mét.


Đường giao thông nông thôn tại xã Cương Gián (Nghi Xuân) bị sóng đánh lở nghiêm trọng.

Trần Hoàn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load