(Xây dựng) - Năm 2018 được xem là năm bản lề của quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020). Nhờ sự quan tâm của Trung ương, cùng với nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả toàn diện, tạo đà thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019 và những năm tới.
Đô thị Hà Tĩnh hôm nay (ảnh: Nguyễn Thanh Hải)
Kinh tế tăng trưởng ổn định, bền vững hơn
Bước vào năm 2018, Hà Tĩnh triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh thuận lợi hơn, với đà đạt được từ kết quả của năm 2017. Nhìn nhận rõ những thuận lợi, thời cơ và thách thức, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện kịp thời Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; lựa chọn các nhiệm vụ trọng tâm để tập trung thực hiện; chỉ đạo điều hành linh hoạt, quyết liệt, bám sát cơ sở; hoàn thành cao nhất mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Tình hình, kết quả kinh tế - xã hội Hà Tĩnh năm 2018 nổi bật với những con số ấn tượng: Tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 20,8%, cao nhất cả nước, trong đó: nông nghiệp tăng 5,9%, công nghiệp và xây dựng tăng 48,9%, dịch vụ tăng 6,5%; GRDP bình quân đầu người đạt trên 51 triệu đồng; thu ngân sách đạt 12.784 tỷ đồng, đạt 150,2% kế hoạch Trung ương giao, đạt 136% kế hoạch HĐND tỉnh giao; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt đạt 3,25 tỷ USD. Đặc biệt, kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, xây dựng.
Diện mạo nông thôn Hà Tĩnh đang đổi thay từng ngày (ảnh Hải Đăng)
Năm 2018, tỉnh đã tập trung chỉ đạo sâu sát, kịp thời cùng với điều kiện thời tiết thuận lợi, lĩnh vực nông nghiệp đạt tăng trưởng cao so với bình quân cả nước. Sản xuất vụ Xuân và vụ Hè Thu đạt kết quả khá toàn diện. Năng suất sản lượng cây trồng, vật nuôi tăng cao so với cùng kỳ năm 2017.
Tổng sản lượng lương thực ước đạt 56,95 vạn tấn, tăng cao so với cùng kỳ (tăng 9,8 vạn tấn). Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt 82 triệu đồng/ha; tỷ trọng chăn nuôi chiếm 52,8% giá trị sản xuất nông nghiệp.
Công nghiệp tiếp tục có bước đột phá cả về quy mô và năng lực sản xuất, trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo đúng mục tiêu Nghị quyết Đại hội. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 86,7% so với năm 2017; đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng toàn ngành là công nghiệp chế biến chế tạo (ước tăng 102,4%) và sản xuất phân phối điện (ước tăng 31,3%).
Lượng hàng hóa thông qua cảng Vũng Áng và cảng Sơn Dương đạt 27,3 triệu tấn. Giám sát chặt chẽ và đưa Dự án Khu liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh hoàn thành đầu tư và đi vào hoạt động, trở thành hạt nhân tăng trưởng.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh đạt kết quả toàn diện, phát triển theo chiều rộng lẫn chiều sâu, bền vững với nhiều dấu ấn rõ nét, có nhiều cách làm sáng tạo, trở thành phong trào lan tỏa sâu rộng, trở thành điểm sáng của cả nước.
Năm 2018, có 45 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (kế hoạch đặt ra là 25 xã), nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 158 xã, chiếm 69%, vượt mục tiêu 5 năm (mục tiêu đến 2020 đạt trên 50%) và huyện Nghi Xuân hoàn thành các chỉ tiêu và được Thủ tướng Chính phủ ký công nhận huyện Nông thôn mới; huyện Đức Thọ đẩy nhanh tiến độ đạt chuẩn; các huyện Vũ Quang, Can Lộc, Lộc Hà phấn đấu và đã được thông qua Đề án đạt chuẩn huyện Nông thôn mới giai đoạn 2019 - 2020.
Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, huy động được đa dạng các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là nguồn xã hội hóa đầu tư. Năm 2018 đã quyết định chủ trương đầu tư 68 dự án với tổng số vốn đăng ký 6.820 tỷ đồng (60 dự án trong nước vốn đầu tư 4.598 tỷ đồng, 8 dự án nước ngoài vốn đầu tư 96,6 triệu USD).
Tiếp tục thu hút được các tập đoàn mạnh, nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư phát triển các dự án quy mô lớn hiện đại, dự án công nghệ mới, năng lượng sạch, thân thiện môi trường như: Vingroup, T&T, FLC, Crystal Bay… các dự án đầu tư từ các nước châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản. Các dự án đang tiếp tục đầu tư có hiệu quả; một số dự án lớn đang được nhà đầu tư gấp rút hoàn thiện các thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện.
Quan tâm hỗ trợ, tiếp cận tạo điều kiện đảm bảo cho các các doanh nghiệp vừa và nhỏ; nhiều dự án có quy mô vừa, công nghệ cao được khuyến khích các doanh nghiệp của tỉnh mạnh dạn đầu tư.
Ban hành nhiều cơ chế chính sách và ưu tiên đầu tư cao hơn cho phát triển khoa học và công nghệ. Quan tâm nguồn lực và tập trung phát triển đô thị động lực, diện mạo đô thị có nhiều thay đổi, TP Hà Tĩnh đã hoàn thành các chỉ tiêu đô thị loại II, tốc độ đô thị hóa toàn tỉnh chuyển biến tích cực.
Thương mại dịch vụ, du lịch từng bước phục hồi sau ảnh hưởng nặng nề của sự cố môi trường biển; hạ tầng thương mại dịch vụ đô thị phát triển theo hướng văn minh hiện đại; cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch biển được cải thiện nâng cấp đáng kể, thu hút tăng khách du lịch. Hà Tĩnh là địa phương đầu tiên cả nước ký kết khung hợp tác toàn diện với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam.
Cải cách hành chính được chỉ đạo quyết liệt với nhiệm vụ trọng tâm là sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và cải cách thủ tục hành chính theo hướng tập trung đầu mối, đơn giản hóa thủ tục, nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả. Chỉ đạo vận hành hiệu quả Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh và 13/13 Trung tâm Hành chính công cấp huyện. Hà Tĩnh thuộc nhóm 5 tỉnh có sự cải thiện tốt nhất chất lượng điều hành, thuộc tốp 10 xếp hạng cấp tỉnh về phát triển Chính phủ điện tử.
Nông dân quê hương Đại thi hào Nguyễn Du chuẩn bị đón xuân.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội năm 2018 cũng đạt kết quả đáng phấn khởi và khá toàn diện. Theo đó, đã chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, phát huy thành tích giáo dục mũi nhọn, củng cố và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục các cấp. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tập trung phát triển kỹ thuật cao, chuyên sâu, chuyển giao kỹ thuật và chỉ đạo tuyến huyện; chủ động phòng chống dịch bệnh; tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...
Tổ chức tốt các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị - văn hóa quan trọng; công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa được quan tâm và đầu tư đúng mức; sách Hoàng hoa sứ trình đồ vừa được công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới, khu vực Châu Á Thái Bình Dương; đẩy mạnh các hoạt động phong trào thể dục thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao.
Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ định hướng phát triển; quản lý nhà nước về báo chí được tăng cường, hiệu quả hơn. Công tác lao động, việc làm, được quan tâm chỉ đạo.
Tập trung xử lý các vướng mắc, tồn đọng chính sách người có công, các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được ưu tiên cân đối nguồn lực hỗ trợ và triển khai thực hiện kịp thời.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tập trung cao chỉ đạo, cơ bản giữ vững được ổn định trước tình hình mới; kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, đặc biệt trong sự cố môi trường vừa qua.
“Tăng tốc” hoàn thành kế hoạch 5 năm
Nếu năm 2018 là năm bản lề thì năm 2019 chính là năm “tăng tốc” để thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội của giai đoạn 5 năm 2016 - 2020. Đối với Hà Tĩnh, năm 2019 có được thuận lợi từ kết quả của năm 2018, xu hướng phát triển ổn định bền vững hơn. Một số chỉ tiêu kinh tế được đặt ra trong năm 2019 như sau: Tổng sản phẩm (GRDP) tăng 11,5 - 12%; tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 1,1 tỷ USD; thu ngân sách trên địa bàn đạt 13.200 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 38.000 tỷ đồng; nâng mức độ tăng chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân lên 1,2 lần; có thêm ít nhất 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo (chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1,3 - 1,5%.
Tuy vậy động lực thúc đẩy tăng trưởng cao không còn nhiều dư địa; thiên tai thời tiết, biến đổi khí hậu khó lường; phát triển công nghiệp và đô thị gây áp lực lớn hơn về bảo vệ môi trường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục diễn biễn phức tạp.
Để đạt được mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm, chúng ta phải triển khai thực hiện đồng bộ, linh hoạt một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Trước hết, đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh Quy hoạch tổng thể đến năm 2020 và Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư cùng với công bố Quy hoạch tỉnh.
Xác định đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện chỉ số PCI, thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm tiếp tục là các mũi trọng tâm, khâu đột phá trong năm 2019; hướng tới mục tiêu huy động được tối đa các nguồn lực ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển, bảo đảm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển các ngành, lĩnh vực theo định hướng phát triển của tỉnh. Trên cơ sở đó, các ngành, địa phương, đơn vị cần cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp, triển khai kịp thời các Nghị quyết Kỳ họp thứ 8 - HĐND tỉnh khóa XIV.
Thép made in Vietnam sản xuất tại Hà Tĩnh đang xuất khẩu trên thị trường thế giới
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nâng cao năng lực tăng thêm toàn ngành, tiếp tục duy trì động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, nâng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu GRDP từ 35,2% lên 38%; dựa trên các sản phẩm chủ lực như thép, điện, bia, sợi, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, năng lượng sạch...
Tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các Cụm công nghiệp (CCN), xử lý cấp bách ô nhiễm nước thải tại CCN. Thu hút xã hội hóa đầu tư hạ tầng CCN. Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ sau thép, công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế biến, dệt may vào Khu kinh tế Vũng Áng, các KCN, CCN trên địa bàn.
Thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020 theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, chú trọng nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, đồng bộ từ khâu giống, quy trình sản xuất sạch và tiêu thụ sản phẩm gắn với Chương trình OPCOP của tỉnh.
Tiếp tục rà soát đánh giá toàn diện cơ chế chính sách vừa được HĐND tỉnh thông qua, hoàn thiện và ban hành chính sách mới để tạo động lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2019 - 2020 và những năm tiếp theo.
Tập trung cao nguồn lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng đô thị văn minh. Phát huy giá trị văn hóa truyền thống, hình thành giá trị, ý thức văn hóa mới trong cộng đồng nông thôn. Tập trung xử lý rác thải, môi trường chăn nuôi, nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường.
Huy động nguồn lực thực hiện đề án các huyện phấn đấu đạt chuẩn Nông thôn mới 2019-2020; đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất dân sinh, nhất là địa bàn các xã đang còn khó khăn; dành nguồn lực đầu tư, duy tu bảo dưỡng, áp dụng công nghệ mới nâng cao chất lượng đường giao thông nông thôn.
Công nghệ hàn cốt thép tự động sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn được áp dụng tại một nhà máy ở Hà Tĩnh.
Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Ưu tiên nguồn lực thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về cơ chế chính sách phát triển khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, nhân rộng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin.
Tăng cường các giải pháp đảm bảo quốc phòng - an ninh, không để xảy ra “điểm nóng” phức tạp; giảm thiểu tai nạn giao thông. Kiên quyết xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật đối với mọi hành vi làm mất an ninh trật tự. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng; xử lý kịp thời khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo của công dân, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Năm 2019 là năm “tăng tốc” phấn đấu đạt cao nhất mục tiêu, kế hoạch 5 năm (2016-2010), vì vậy các cấp, các ngành, địa phương cần ban hành chương trình, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực cụ thể; xác định rõ nhiệm vụ giải pháp, tiến độ thực hiện, đơn vị chủ trì; bám sát định hướng phát triển, các khâu đột phá; tập trung chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trọng điểm, các đề án chính sách đã ban hành; thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch đã đề ra.
Đặng Quốc Khánh
UV dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy,
Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh
Theo