(Xây dựng) - Vừa qua, Viện Kiến trúc Quốc gia và Sở Xây dựng Hà Tĩnh ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác “Xây dựng và thực hiện chương trình trung hạn lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch xây dựng và quản lý đô thị nông thôn”. Việc hợp tác này nhằm mục tiêu phát triển bền vững tỉnh Hà Tĩnh thông qua việc cùng trao đổi, bàn bạc, thống nhất về các vấn đề hai bên quan tâm trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc.
Lễ ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác giữa Viện Kiến trúc Quốc gia và Sở Xây dựng Hà Tĩnh.
Theo đó, biên bản được thỏa thuận với các nội dung phối hợp thực hiện: Nghiên cứu xây dựng khung Thiết kế đô thị tổng thể cho thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh, trong đó xác định các khu vực – tuyến – điểm cần có những can thiệp đặc thù, được cụ thể hóa bằng các đồ án Thiết kế đô thị riêng như: các khu vực cảnh quan ven sông, các trục chính đô thị, các cửa ngõ đô thị, các khu vực cảnh quan nông thôn sinh thái;
Nghiên cứu tổng thể mạng lưới cảnh quan không gian đô thị (bao gồm không gian đường phố và các không gian công cộng đô thị) cho thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh; từ đó đề xuất các định hướng thiết kế, triển khai, phản biện các đồ án Thiết kế đô thị cụ thể cho các tuyến phố, các không gian công cộng đặc biệt, các điểm nhấn thị giác của các thành phố, thị xã; Nghiên cứu đề xuất các mô hình phát triển đối với các khu vực đô thị và nông thôn trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh; Cụ thể hóa chương trình tăng trưởng xanh cho tỉnh Hà Tĩnh trong lĩnh vực xây dựng đô thị xanh, đô thị sinh thái, công trình xanh... theo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ cho các thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh;
Nâng cao các khóa đào tạo về “Thiết kế đô thị” nhằm nâng cao năng lực về lý luận và thực hành liên quan đến công tác thiết kế và quản lý cảnh quan và chất lượng không gian đô thị cho các cán bộ quản lý cấp thành phố, cấp huyện và cấp xã, các kiến trúc sư đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Nâng cao năng lực về “Công trình Xanh” nhằm nâng cao nhận thức và thực hành thiết kế xây dựng công trình, phát triển đô thị cho cán bộ quản lý và thực thi trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc của các thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh, theo hướng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và hướng tới sự phát triển bền vững; “Nâng cao nghiệp vụ bảo tồn và quản lý di sản kiến trúc đô thị” cho cán bộ quản lý và thực thi lĩnh vực quy hoạch kiến trúc của tỉnh Hà Tĩnh; Xây dựng kế hoạch và tổ chức: đào tạo, cấp “Chứng chỉ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình” và “Giám sát thi công xây dựng”....; hướng dẫn áp dụng các văn bản quản lý ngành (gồm: Nghị định, Thông tư, Tiêu chuẩn, Quy chuẩn…).
Thực hiện khảo sát đánh giá và xây dựng cơ sở dữ liệu quỹ, lập hồ sơ, danh mục và cơ sở dữ liệu các công trình di sản, di tích kiến trúc của toàn tỉnh.
Xây dựng, thực hiện các đề tài khoa học, đề án nghiên cứu để nhận diện, xác định những giá trị nổi trội về không gian, cảnh quan tự nhiên và kiến trúc đô thị của thành phố Hà Tĩnh và 02 thị xã Hồng Lĩnh, Kỳ Anh; nhằm tạo cơ sở dữ liệu đầu vào cho các văn bản, quy chế quản lý; thực hiện các đồ án QHXD và thiết kế công trình tại các thành phố, thị xã...
Sở Xây dựng Hà Tĩnh tặng quà lưu niệm cho Viện Kiến trúc Quốc gia.
Phát biểu tại lễ ký kết Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Đặng Quốc Khánh khẳng định: Các đồ án quy hoạch xây dựng được phê duyệt và được triển khai đã làm cho diện mạo đô thị và nông thôn Hà Tĩnh thay đổi hàng ngày. Nhiều khu đô thị cũ được cải tạo, nâng cấp, được đầu tư xây dựng mới kết cấu hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đường phố, vệ sinh môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị có nhiều chuyển biến đã khai thác được các tiềm năng và lợi thế trong việc phát triển đô thị. Tốc độ đô thị hóa nhanh cùng tốc độ phát triển của hệ thống giao thông đường bộ đã kết nối và thúc đẩy các vùng miền trong tỉnh phát triển nhanh hơn, kinh tế và diện mạo nông thôn tại các vùng quê cũng thay đổi hàng ngày.
Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ, thiếu cơ sở khoa học để phát triển nên Hà Tĩnh cũng đang gặp phải một số vấn đề nan giải, cần giải quyết: môi trường không khí và môi trường biển đang bị ảnh hưởng bởi chất thải công nghiệp và con người; phát triển đô thị còn thiếu bài bản và chưa tạo được bản sắc riêng; nhiều vùng quê nông thôn mất dần cảnh quan và kiến trúc truyền thống, không còn sự thanh bình vốn có của nó; cảnh quan thiên nhiên bị xâm hại, tàn phá, địa lý tự nhiên bị biến dạng đã tác động đến việc biến đổi khí hậu; các di tích và di sản kiến trúc chưa được quan tâm đúng mức nên chưa phát huy được giá trị để bảo tồn và thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch...
Hà Tĩnh đã và đang thực hiện nhiều đồ án quy hoạch xây dựng như các Quy hoạch vùng tỉnh Hà Tĩnh, vùng liên tỉnh Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh, Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình; đô thị; xây dựng khu chức năng đặc thù (khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch), xây dựng nông thôn. Đến nay, tất cả các đô thị và 2 khu kinh tế, khu công nghiệp và các khu du lịch trên địa bàn tỉnh đã có quy hoạch chung được phê duyệt, tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đạt 50%, tất cả các dự án đều được lâp, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo đúng quy định.
Với hiện trạng và bối cảnh của Hà Tĩnh, rất cần các nhà khoa học trong nước và quốc tế giúp sức. Trên tinh thần đó, Viện Kiến trúc Quốc gia phối hợp với Sở Xây dựng Hà Tĩnh để xây dựng các nội dung hợp tác trong lĩnh vực ngành, làm cơ sở để cùng nhau thực hiện góp phần xây dựng Hà Tĩnh ngày càng văn minh, hiện đại, giàu đẹp và phát triển bền vững.
Uyên Uyên
Theo