(Xây dựng) - Sau đợt mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, theo thống kê, trên địa bàn Hà Tĩnh đã có nhiều công trình đê điều, thủy lợi, nhiều tuyến đường và cầu dân sinh bị sạt lở, hư hại nặng.
Mưa lũ kèm theo triều cường đã làm hơn 200m kè biển xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà) bị sạt lở nghiêm trọng.
Đợt mưa lớn từ ngày 1/9 đến ngày 5/9 không những gây lũ lớn, cô lập nhiều xã với hàng nghìn hộ dân trên địa bàn mà còn gây sạt lở, ngập úng cục bộ thiệt hại nặng nề về người, tài sản, hoa màu, gia súc gia cầm và đặc biệt là các công trình giao thông thủy lợi, đê điều, nhà cửa.
Tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã liên tiếp có nhiều công trình trọng điểm bị hư hỏng, sạt lở do mưa lũ gây ra.
Theo đó, tại xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà) mưa lũ kèm theo triều cường đã làm hơn 200m kè biển xã Thịnh Lộc bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hàng chục hộ dân đánh bắt, khai thác hải sản trên biển và uy hiếp hàng ngàn hộ dân sinh sống phía trong kè.
Ông Trần Văn Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc cho biết: Sóng và lũ làm sạt lở toàn bộ phần chân đê, móng đê và gãy đứt phần kết cấu bê tông mái đê có chiều dài tầm 200m.
“Tuyến đê biển này rất quan trọng, bảo vệ 1.500 dân sinh sống phía trong đê. Đồng thời đê còn có nhiệm vụ chắn sóng, phục vụ người dân sản xuất, do vậy cần phải có phương án khắc phục sớm”, ông Nghĩa cho hay.
Được biết, đoạn đê này hoàn thành vào năm 2015, là một phần của dự án kè biển chống xâm thực có chiều dài 9km với số vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng.
Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh phối hợp cùng huyện Lộc Hà tổ chức kiểm tra thực tế tại hiện trường. Kết quả cho thấy, vị trí sạt lở nằm từ khoảng K59+700 đến K59+900 với tổng diện tích khoảng 1.400m2 (chiều dài 200m, chiều sâu từ 4 – 7m). Sự cố làm cho chân kè và một phần mái kè bị sập hoàn toàn. Đây là sự cố nguy hiểm, có nguy cơ ảnh hưởng sâu vào thân và thậm chí có khả năng cắt đứt đoạn kè biển.
Trước tình trạng này, huyện Lộc Hà đưa ra giải pháp đổ đá tảng để gia cố chân kè.
Nếu biển động, sóng vỗ mạnh và không được gia cố kịp thời nguy cơ sạt lở tuyến đê là rất cao.
Ngoài ra, tại huyện Hương Khê nhiều công trình thủy lợi hư hỏng: Cầu Tràn kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu bị xói lở; tuyến Huyện lộ 6 qua xã Hương Minh hư hỏng; cầu dân sinh ở thôn 12 xã Hương Lâm bị trôi hoàn toàn; mố cầu Cây Vải xã Hương Lâm sạt lở nghiêm trọng.
Tại huyện Hương Sơn, đường hai đầu cầu Trốc Vạc xã Sơn Kim II bị lũ cuốn trôi, nhiều cầu dân sinh bị ngập và hư hỏng.
Tại các huyện Vũ Quang, Thạch Hà, nhiều tuyến đường sạt lở và hư hỏng.
Hiện tại, UBND huyện Lộc Hà đưa ra giải pháp đổ đá tảng để gia cố chân kè.
Hiện tại, Hà Tĩnh tập trung huy động tối đa nguồn lực để tu bổ, sửa chữa ngay đối với các công trình khẩn cấp, khắc phục các công trình bị hư hỏng; thực hiện đồng bộ các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch, phòng chống dịch, bệnh và an sinh xã hội cho người dân vùng thiệt hại.
Phương Dung
Theo