Thứ bảy 05/10/2024 20:42 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Hà Tĩnh: Người dân làng Soi bất an vì sạt lở đất do "cát tặc"

19:54 | 22/05/2017

(Xây dựng) - Làng Soi (nay là tổ dân cư số 7), thôn Châu Trinh, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh vốn là một bãi đất nhô lên, chia dòng sông La làm hai nhánh, rồi hợp lại về phía cuối bãi. Đầu nguồn bãi Soi là bến Tam Soa, nơi gặp nhau của hai dòng sông Ngàn Phố và Ngàn Sâu. Từ khi nạn khai thác trái phép cát hoành hành đã làm cho người dân làng Soi luôn phải sống trong bất an vì tình trạng sạt lở nghiêm trọng và chưa có dấu hiệu ngừng lại.


Bờ sông bị sạt lở thẳng đứng, gây hoang mang lo sợ cho người dân.

Trước đây, bãi Soi có chiều dài gần 2km, rộng khoảng 800m, khoảng 50 hộ dân sinh sống. Nạn khai thác cát trái phép đã dẫn đến hiện tượng sạt lở đất trên diện rộng khiến diện tích bãi Soi từng ngày bị thu hẹp. Hiện tại chỉ còn 22 hộ với khoảng 60 nhân khẩu đang ngày đêm chống chọi, cầm cự và sống trong thấp thỏm lo âu.

Trao đổi với PV, một người dân cho biết: “Chúng (cát tặc - PV) chủ yếu khai thác vào ban đêm, tầm 12 giờ đêm đến 4h sáng. Mỗi đêm chúng hút từ 8 đến 10 thuyền, loại thuyền gần 100m3. Nghiêm trọng hơn, chúng còn khai thác ngay cạnh chân đê làm ảnh hưởng đến kết cấu của bờ đê La giang”.


Người dân cho biết, trước đây lòng sông hẹp, diện tích làng Soi mãi tận ngoài xa.

“Khoảng 20 năm trước, các tổ chức, đoàn thể đã tiến hành trồng hàng ngàn cây phi lao, bạch đàn, keo tràm ở phía đầu bãi để che chắn, bảo vệ xóm làng khi nước lũ tràn về. Nhưng hiện tại, phần lớn số cây này đã bị cuốn trôi theo dòng nước”, người này nói thêm.

Cũng theo người dân này, để đề phòng sạt lở, cuốn trôi cây cối, họ buộc phải tiến hành chặt hạ những cây nằm sát mép sông. Có những cây lớn, đường kính 40-50cm cũng không thể chống chọi với sự tàn phá gián tiếp của con người. Thiệt hại về kinh tế là vô cùng lớn.


Để đề phòng đất bị sạt lở, cuốn trôi cây cối, họ buộc phải tiến hành chặt hạ những cây nằm sát mép sông.

PV hỏi là khi phát hiện đối tượng hút cát trái phép, bà con có báo với chính quyền địa phương hay không? Ông Nguyễn Văn H, 68 tuổi quả quyết: “Không chỉ báo với chính quyền cấp xã, chúng tôi còn gọi điện cho cả cán bộ huyện, nhưng nhiều khi họ không cầm máy, hoặc cầm máy cho qua chuyện, vì phản ứng rất chậm và không có hiệu quả”.

Ông H còn cho biết, người dân đã gửi rất nhiều đơn đến chính quyền cấp xã, cấp huyện, thậm chí cấp tỉnh, nhưng hoạt động khai thác cát trái phép vẫn cứ diễn ra và ngày càng có chiều hướng gia tăng: “Không hiểu vì sao mà bọn chúng đưa thuyền cả trăm khối, hoạt động ầm ầm suốt đêm, ai cũng biết, riêng chính quyền địa phương lại thờ ơ, không có biện pháp để ngăn chặn”.

Dẫn chứng về việc thời gian qua, lực lượng Cảnh sát Giao thông đường thủy Công an Hà Tĩnh đã phát hiện, bắt giữ một xà lan đang khai thác cát trái phép trên sông Ngàn Sâu, một người dân đưa ra hình ảnh ví von hết sức chân thực và sinh động: “Chẳng khác gì lấy cái roi mót mà quất vào con voi”.

Ông Trần Văn Quang, 67 tuổi, cán bộ phụ trách tổ dân cư chia sẻ: “Dân làng Soi từ xưa đến giờ sinh sống yên ổn. Nhưng nay do nạn khai thác cát trái phép, làm thay đổi dòng chảy khiến sạt lở đất, thu hẹp diện tích canh tác, cuốn trôi cây cối đầu nguồn”.

“Trong các cuộc họp hoặc tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng đã phản ánh nhiều lần. Cấp trên có ghi nhận sự việc và hứa sẽ triển khai ngăn chặn, nhưng do lực lượng còn mỏng nên hiệu quả chẳng ăn thua. Là cán bộ thôn, chúng tôi chỉ có cách phản ánh lên cấp trên, chứ không có quyền hành gì”, ông Quang nói thêm.


Nạn khai thác cát trái phép đã làm thay đổi dòng chảy khiến sạt lở đất, thu hẹp diện tích canh tác, cuốn trôi cây cối đầu nguồn.

Chia sẻ với PV, ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Tùng Ảnh thừa nhận thông tin mà người dân phản ánh là có thật. Tuy nhiên, do lực lượng và phương tiện của địa phương không đủ mạnh để trấn áp, truy bắt mà chủ yếu là đẩy đuổi nên chưa kiểm soát được.

Cũng theo ông Dũng, vì lợi nhuận nên đối tượng cát tặc ngày càng bất chấp, chúng manh động, ngang nhiên, trắng trợn, có tổ chức: “Một thuyền hút cát thì có 3 đến 4 thuyền vây quanh để bảo vệ, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng. Thậm chí chúng có đội ngũ “chim lợn” thường xuyên theo dõi, khi thấy mình động tĩnh thì cảnh báo”.

Về hướng giải quyết, vị Chủ tịch cho rằng, cần phối hợp chặt chẽ giữa huyện và các xã. Phân công các xã luân phiên nhau trực và có sự hỗ trợ của huyện. Đồng thời cấm khai thác vào ban đêm để dễ quản lý. Vì chính các mỏ được cấp phép, khi khai thác vào ban đêm họ cũng tranh thủ hút trộm bên ngoài.

Đồng thời nâng cao hình thức xử phạt. Ngoài việc xử phạt hành chính, nếu tái phạm thì tịch thu phương tiện hoặc nặng hơn nữa thì có thể truy tố hình sự mới mong chấm dứt được vấn nạn này.

Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần áp dụng nghiêm các hình thức xử phạt để chấm dứt tình trạng "cát tặc" đang hoành hành như hiện nay.

Nhóm PV

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load