Thứ hai 02/12/2024 13:44 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Hà Tĩnh: Đền Đinh Lễ - Di tích lịch sử cấp Quốc gia cần được tôn tạo

17:17 | 03/04/2017

(Xây dựng) - Đền thờ Linh Cảm Đại vương Đinh Lễ (thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) nằm trong quần thể danh thắng Tam Soa, được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2006, hiện nay đền Đinh Lễ đang bị xuống cấp, hư hỏng cần được đầu tư tôn tạo để lưu giữ kiến trúc độc đáo, tinh xảo.

Đinh Lễ là nhân vật lịch sử tiêu biểu thế kỷ XV. Ông là một trong những Khai quốc công thần triều Lê. Sự nghiệp của ông gắn với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, phong trào giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ nhà Minh đầu thế kỷ XV cùng nhiều chiến công vang dội. Sau khi chiến thắng các trận đánh lớn ở Trà Long, Khả Lưu, Bồ Ải (Nghệ An), ông được gọi là Tư Không và được lệnh chỉ huy hơn 1.000 nghĩa quân theo đường tắt xuống chiếm giữ vùng Đỗ Gia (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), đóng quân tại Tùng Lĩnh. Đinh Lễ xây dựng đồn binh và chỉ huy đạo quân này, chốt giữ một vị trí xung yếu, là cửa ngõ vào đại bản doanh Đỗ Gia, đồng thời ông cho quân lính khai khẩn đất đai hai bên bờ sông để tự cung tự cấp quân lương.

Tuy sinh ra ở Thanh Hóa, tham gia chiến đấu ở khắp các vùng miền Bắc và miền Trung rồi tử trận ở Đông Kinh (Thăng Long, Hà Nội) nhưng ông lại gắn bó chiến công và sự nghiệp to lớn ở vùng Tùng Ảnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Sau khải hoàn chiến thắng, vua Lê Thái Tổ lấy vùng đất Tùng Ảnh phong ấp cho các bậc Công thần khai quốc như Lê Bôi; Võ Lộng; Phan Đán xây dựng cơ nghiệp phát triển đến ngày nay. Đinh Lễ được phong vương hiệu Linh cảm Đại vương và tên Linh Cảm trở thành địa danh quen thuộc vùng đất này từ đó.

Nhớ ơn người anh hùng đã khai phá đất đai, vì đất nước chống giặc ngoại xâm và lập nhiều chiến công ở vùng đất này, nhân dân địa phương đã lập đền thờ Đinh Lễ ngay tại nơi đồn binh năm xưa của ông trên núi Tùng Lĩnh.

Đền Đinh Lễ có giá trị lớn về lịch sử và văn hóa. Đây là chứng tích ghi nhớ công ơn một vị tướng tài ba lỗi lạc trong nghĩa quân Lam Sơn. Đền Đinh Lễ xây dựng từ thời Lê cách đây gần 600 năm. Trải qua nhiều thời gian và biến động xã hội, ngôi đền được trùng tu, sữa chữa nhiều lần nhưng cơ bản vẫn giữ được cốt cách nguyên bản truyền từ đời này sang đời khác. Từ trước tới nay, việc bảo quản và chăm sóc đền do nhân dân địa phương tự nguyện lo liệu.

Đền Đinh Lễ là một công trình kiến trúc cổ bằng gỗ, kết cấu bằng hệ thống cột kèo, rường đấu tinh xảo mà vững chắc, với nhiều bức chạm lộng điêu luyện, nhiều đề tài trang trí sôi động, phong phú, phản ánh bản sắc, truyền thống dân tộc. Đền còn lưu giữ hơn 14 pho tượng Phật với những nét chạm khắc mượt mà, tinh xảo, nhưng sau khi Chùa đá được trùng tu sửa chữa thì toàn bộ tượng Phật được chuyển về cho nhà chùa quản lý.

Sau nhiều lần dịch chuyển, đền đã bị xuống cấp, các cột kèo bị mối mọt ăn nên phải vá víu, hệ thống cửa bị thất lạc không còn nguyên vẹn nên phải dùng tạm câu đối chắp vá làm ván cửa, các lư hương trong đền cũng không còn nguyên vẹn.

Thủ từ đền Đinh lễ, ông Phan Văn Nậm, 74 tuổi cho biết: “Tôi làm thủ từ ở đây hơn 5 năm nay, trước đây được UBND xã trả 70 ngàn đồng tiền hương khói, cau trầu hàng tháng, từ năm ngoái lại được trả 200 ngàn đồng. Tôi rất mong được các cấp chính quyền, người dân tạo điều kiện làm nhà bái đường để người dân có nơi thắp hương, nếu được thì xin 2 bên 2 lư hương chứ lâu nay không có lư hương. Tết vừa rồi có nhà hảo tâm vừa cúng cho đền 1 lư hương nên giờ mới có lư hương để nhân dân thắp hương tưởng nhớ”.

Nguyện vọng của thủ từ đền Đinh Lễ cũng là mong muốn của chúng tôi khi nhìn thấy sự xuống cấp và thiếu thốn ở một di tích lịch sử cấp Quốc gia đang bị lãng quên.

Các cột kèo bị mối mọt, chắp vá.

Những phần chạm trổ tinh xảo đang bị xuống cấp, mối mọt tấn công.

Toàn bộ hệ thống cửa hư hỏng, chắp vá không đồng bộ.

Cửa được ghép tạm bằng các câu đối.

Phương Dung

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load