(Xây dựng) - Để chủ động ứng phó trước tình hình diễn biến phức tạp và khó lường của cơn bão số 10, sáng 13/9 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công điện khẩn chỉ đạo Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai một số nội phòng chống bão.
Dự kiến đường đi của cơn bảo số 10 - cơn bão mạnh nhất từ nhiều năm nay, ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn Hà Tĩnh (ảnh: TT DBKTTVTW)
Theo đó, các sở, ngành, địa phương đình chỉ ngay các cuộc họp và các công việc chưa thực sự cấp bách để tập trung cho công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và triển khai các phương án ứng phó với bão số 10. Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND các huyện, thị xã ven biển bằng mọi biện pháp kịp thời thông báo, hướng dẫn cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; kêu gọi các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn.
Theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu, thuyền đang hoạt động trên biển để xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu, thuyền tại các âu tránh trú bão đảm bảo an toàn khi đã về nơi neo đậu; nghiêm cấm tất cả các loại tàu, thuyền kể cả tàu vận tải và tàu du lịch ra khơi.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; cảnh báo và thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động các biện pháp phòng, tránh; sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn về người, tài sản tại các khu vực ven biển, trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản, tại những khu vực thấp trũng ven biển, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Đồng thời, khẩn trương thành lập các đoàn công tác, cử cán bộ xuống tận các xã, thôn để chỉ đạo, đôn đốc, giúp đỡ người dân tổ chức thu hoạch nhanh gọn các trại lúa Hè Thu còn lại, các loại cây ăn quả đã đến kỳ thu hoạch trước khi bão vào, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng lúa Hè Thu đã chín, cây ăn quả đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại do mưa bão.
Bên cạnh đó các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với nhau để thực hiện các biện pháp phòng tránh, khắc phục thiệt hại trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 10 gây ra.
Tăng thời lượng đưa tin, thường xuyên thông báo diễn biến thiên tai qua các phương tiện thông tin đại chúng cho các sở, ban, ngành, địa phương và nhân dân biết để chủ động phòng, tránh.
Theo tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, vào lúc 7 giờ sáng nay, ngày 14/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 113,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 140km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14. Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa rào và dông mạnh; gió bão mạnh cấp 8, sau tăng lên cấp 9-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, giật cấp 14; biển động dữ dội. Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên): trong khoảng từ 13,0 độ Vĩ Bắc đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông. Đến 7 giờ ngày 15/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Nghệ An-Hà Tĩnh khoảng 320km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 15. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Đây là cơn bão rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng rộng, theo dự báo của Trung tâm dự báo KTTV Trung ương và các Trung tâm dự báo bão quốc tế thì bão số 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Hà Tĩnh, bão vào sẽ gây gió mạnh, mưa lớn tập trung trên diện rộng. |
Trần Hoàn
Theo