(Xây dựng) - Với quyết tâm chính trị cao, Hà Tĩnh đặt mục tiêu đến năm 2030, chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, đưa Hà Tĩnh trở thành 1 trong 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chỉ số cao nhất về Chính phủ số, kinh tế số của cả nước.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh và Phó chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn quét mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm cam Khe Mây, Hương Khê. |
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Để bắt nhịp công cuộc chuyển đổi số hiệu quả và chất lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, ngành Nông nghiệp là một trong 6 lĩnh vực được ưu tiên.
Hà Tĩnh tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ số. Tập trung xây dựng dữ liệu lớn của ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
Xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất; thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai… Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm đảm bảo nhanh chóng, chính xác, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, đồng thời, chuyển đổi số trong quản lý để có chính sách, điều hành kịp thời như dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch…
Hà Tĩnh ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học công nghệ với 3 lĩnh vực chính: Thực hiện các tiêu chí, sản xuất nông nghiệp và quản lý thực hiện chương trình. Hà Tĩnh đã ứng dụng vật liệu Cacboncor Asphan trong sửa chữa, bảo trì đường; ứng dụng công nghệ định vị GPS kết hợp với bản đồ số trên phần mềm Google Maps vào thẩm định công trình; lắp đặt thiết bị xử lý nước hộ gia đình theo công nghệ NUSA; sử dụng chế phẩm sinh học hatimic để sản xuất phân bón hữu cơ, xử lý môi trường...
Xây dựng cơ sở dữ liệu nông thôn mới (NTM) với một số tiện ích như: Kiểm tra thông tin cơ bản về kết quả thực hiện NTM, OCOP của tỉnh; phát hành thông tin về sản phẩm OCOP Hà Tĩnh thông qua quét mã QR Code; cập nhật thông tin lô sản xuất; hiển thị thông tin cơ sở sản xuất trên bản đồ số…
Ông Trần Huy Oánh - Chánh Văn phòng NTM tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Thời gian qua, Hà Tĩnh đã ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn, như: Truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, phát triển thương mại điện tử… Đây là tiền đề hình thành chuyển đổi số, kinh tế số, góp phần thực hiện thành công Đề án thí điểm tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025.
Ứng dụng công nghệ 4.0
Với mục tiêu xây dựng NTM ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực và đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, vừa qua, Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh phối hợp với một số đơn vị về giải pháp công nghệ triển khai xây dựng phần mềm chuyển đổi số, xây dựng khu dân cư NTM thông minh, xã NTM thông minh.
Trong nhiều cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn khẳng định: “Thực hiện đề án thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025, Hà Tĩnh xác định lấy kinh tế số, chuyển đổi số làm đột phá trong thực hiện đề án”.
Ứng dựng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất là 1 trong 5 tiêu chí vườn mẫu thuộc tiêu chí 20 (Khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu). Đây là bước đột phá, cách làm sáng tạo của Hà Tĩnh, tạo sự thu hút, sức lan tỏa về ứng dụng công nghệ trong phát triển sản xuất, xây dựng NTM.
Được biết, phần mềm khu dân cư thông minh không chỉ kết nối từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, mà còn là kênh để cộng đồng trong thôn chia sẻ kinh nghiệm và giám sát lẫn nhau trong thực hiện quy trình sản xuất, vệ sinh môi trường.
Người dân chỉ cần dùng điện thoại thông minh có ứng dụng Zalo và quét QR thì sẽ biết được các thông tin về loại cây trồng, quy trình chăm sóc... Đặc biệt, khi các hộ gia đình có sản phẩm cần bán thì chụp ảnh, quay video, khai báo số lượng và nhập vào hệ thống thì người cần mua hoặc người quản lý (Hợp tác xã nông nghiệp) sẽ biết để thu mua hoặc giới thiệu trên sàn thương mại điện tử.
“Mặc dù đang giai đoạn chạy thử hệ thống nhưng tôi thấy phần mềm khu dân cư thông minh dễ sử dụng. Đặc biệt, rất hữu ích khi chúng tôi cần chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất hoặc đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ” - một người dân ở thôn Hà Thanh, xã Tượng Sơn (Thạch Hà) cho biết.
Hiện thôn Hà Thanh có 14 trạm phát wifi miễn phí, phủ kín toàn thôn. Thôn cũng đang triển khai ứng dụng bật/tắt hệ thống chiếu sáng, hệ thống phát thanh và tưới cây tự động (hàng rào xanh trục thôn) qua điện thoại. Việc này không chỉ giảm thời gian, công sức cho cán bộ thôn mà còn hình thành việc ứng dụng công nghệ cao vào điều hành, quản lý từ cấp thôn, từng bước tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Hà Tĩnh là địa phương đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành xây dựng NTM. Ông Trần Huy Oánh - Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho biết, phần mềm “Dữ liệu số NTM Hà Tĩnh” đã cập nhật được kết quả thực hiện NTM các cấp từ tỉnh đến huyện, xã; đánh dấu tọa độ địa lý, hạ tầng NTM như: Các trụ sở UBND, nhà văn hóa thôn, khu di tích, vườn mẫu… Qua đó, có thể chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay đến cộng đồng một cách sâu rộng. Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh đã số hóa hệ thống báo cáo, đưa vào mã QR để giảm thiểu chi phí in báo cáo giấy.
Thông qua các mô hình số nhằm giúp người dân quản lý quy trình sản xuất sản phẩm. Đây cũng là diễn đàn mở để người dân cung cấp thông tin, số lượng sản phẩm để kết nối thị trường, quảng bá sản phẩm… Người dân dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu kiến thức trong phát triển kinh tế vườn hộ, giáo dục, y tế.., từng bước tham gia tích cực vào mục tiêu chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến cho rằng: “Hà Tĩnh là địa phương chủ động và đi đầu trong việc triển khai chuyển đổi số trong xây dựng NTM… nhằm thúc đẩy quá trình số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong xây dựng NTM; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm thay đổi căn bản hoạt động quản lý, điều hành, giám sát của cơ quan chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, Hợp tác xã, nhất là trong chương trình OCOP,... góp phần đưa chất lượng xây dựng NTM đi vào chiều sâu và bền vững, hướng tới NTM thông minh... trong giai đoạn 2021 - 2025”.
Chọn 3 nhóm chính sách khuyến khích phát triển
Thời gian qua, Nghị quyết 123/2018/NQ-HĐND về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ chế xây dựng NTM, đô thị tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều tác động tích cực, thay đổi toàn diện bộ mặt ngành Nông nghiệp. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, một số nội dung không còn phù hợp, nhiều nội dung mới cần chính sách hỗ trợ... Việc ban hành Nghị quyết chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2022 - 2025 là cần thiết. Theo đó, các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2022 - 2025 gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM hướng tới 3 nhóm chính, cụ thể:
Nhóm chính sách hướng tới an sinh xã hội, có số đông đối tượng hưởng lợi trong sản xuất cho nông hộ gồm: Hỗ trợ cải tạo giống bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ bản quyền giống lúa, tổ cộng đồng trong khai thác thủy sản…
Nhóm chính sách hướng tới vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường gồm: Hỗ trợ đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ trong trồng trọt; hỗ trợ xây dựng hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm, mã số, mã vạch gắn với truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); hỗ trợ nâng cấp, duy trì cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, hỗ trợ chế phẩm sinh học…
Nhóm chính sách đầu tư phát triển nhằm tăng các chỉ số phát triển ngành Nông nghiệp, nông thôn, gồm: Hỗ trợ liên kết chuỗi sản xuất gắn tiêu thụ; hỗ trợ tích tụ, tập trung ruộng đất, chính sách để thúc đẩy phát triển thủy sản, lâm nghiệp; phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn; chính sách phát triển thương mại nông thôn; hỗ trợ chương trình OCOP…
Tại Hội nghị tổng kết công tác Báo chí năm 2021, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh - Hoàng Trung Dũng cho biết: Thời gian tới, tỉnh sẽ đổi mới phương thức lãnh đạo, ngoài việc ưu tiên hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, Hà Tĩnh quan tâm đầu tư hạ tầng y tế, văn hóa, giáo dục; bảo vệ môi trường; xây dựng môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh... Đặc biệt, Hà Tĩnh lấy chuyển đổi số làm đột phá thực hiện đề án tỉnh NTM.
Đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 171/182 xã đạt chuẩn NTM (tỉ lệ 94%), 19 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, hai xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 747 khu dân cư NTM kiểu mẫu, 7.244 vườn mẫu; 8/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. |
Tuyết Mây
Theo