Thứ bảy 20/04/2024 14:45 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Tĩnh: Cần thực hiện nghiêm túc việc công khai các kết luận thanh tra

18:40 | 03/12/2019

(Xây dựng) - Trong thời gian qua, Thanh tra Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều hoạt động thanh tra về hành chính, thanh tra chuyên ngành các tổ chức, cá nhân… Mặc dù, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc công khai kết quả thanh tra, nhưng thực tế cho thấy, việc công khai kết luận thanh tra chưa được thực hiện nghiêm túc theo quy định của Luật Thanh tra.

Hà Tĩnh: Cần thực hiện nghiêm túc việc công khai các kết luận thanh tra
Mục công khai kết luận thanh tra của Cổng thông tin điện tử Thanh tra tỉnh chỉ tìm được một vài thông tin từ năm 2015.

Không công khai kết luận thanh tra

Kết luận thanh tra là văn bản quan trọng nhất của cuộc thanh tra, phản ánh toàn diện, đầy đủ về kết quả của cuộc thanh tra, là cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện những kiến nghị trong Báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra. Kết luận thanh tra được người ra quyết định thanh tra ban hành để đánh giá việc chấp hành chính sách, pháp luật của cơ quan, tổ chức và cá nhân được thanh tra; về các ưu điểm, nhược điểm của cơ chế, chính sách, pháp luật được thực hiện trên thực tế; phát hiện những sai phạm trong hoạt động quản lý; xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân từ đó có các biện pháp sửa chữa, khắc phục sơ hở, yếu kém, xử lý nghiêm minh các hành vi sai phạm.

Theo báo cáo từ Thanh tra tỉnh, 9 tháng đầu năm 2019, toàn ngành đã thực hiện 391 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 5.366 tổ chức, cá nhân, đã phát hiện sai phạm tại 1.536 tổ chức, cá nhân. Tổng số sai phạm phát hiện qua thanh tra là 22.187 triệu đồng; trong đó đã kiến nghị thu hồi vào ngân sách Nhà nước 7.452 triệu đồng; xử lý khác 14.735 triệu đồng; tiêu hủy tài sản tương đương 08 triệu đồng. Xử phạt hành chính 1.185 trường hợp với số tiền 5.669 triệu đồng. Kiến nghị xử lý hành chính 08 cá nhân.

Điều đáng nói là, trong 1.536 tổ chức, cá nhân được phát hiện sai phạm trên tổng số 5.366 tổ chức, cá nhân được thanh, kiểm tra thì chỉ có 1.233 quyết định xử phạt được ban hành. Vậy hơn 200 đơn vị, cá nhân được xác định sai phạm sao không bị xử phạt theo quy định?

Cũng theo đó, trong 9 tháng đầu năm, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Tĩnh đã tiến hành 4 đợt thanh tra việc thực hiện pháp luật về công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, đầu tư xây dựng và chất lượng công trình trên địa bàn tỉnh. Trong đó, phát hiện 37 cá nhân, tổ chức vi phạm với các nội dung vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính, cắt giảm không thanh toán, cụ thể: Thi công sai thiết kế được phê duyệt, không thực hiện công việc giám sát thi công theo quy định; không lưu trữ hồ sơ khảo sát theo quy định; áp dụng hệ số khoan nhồi không phù hợp... nhưng chỉ ban hành 08/37 quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Tiến hành 76 cuộc thanh kiểm tra xử lý vi phạm về trật tự xây dựng, quản lý chất lượng công trình và an toàn lao động với 192 đối tượng, phát hiện 113 tổ chức, cá nhân vi phạm như: Sử dụng vật liệu đưa vào thi công không đúng hồ sơ thiết kế đã được thẩm định; thi công công trình sai thiết kế; thi công hạng mục công trình không có giấy phép xây dựng; thi công các hạng mục không phù hợp với quy hoạch; giám sát chưa có chứng chỉ hành nghề; không lưu trữ hồ sơ quản lý chất lượng theo quy định; công tác an toàn, che chắn chưa đảm bảo... nhưng chỉ ban hành 16/113 quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh về tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và chất lượng công trình xây dựng, trong quý I, II/2019, Thanh tra Sở cùng với các Sở, ban, ngành, cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra và phát hiện 71 công trình vi phạm nhưng không báo cáo ban hành bao nhiêu quyết định xử phạt. Điều này khẳng định, trong thời gian qua Thanh tra đã tiến hành nhiều cuộc thanh kiểm tra và phát hiện, lập nhiều biên bản vi phạm hành chính trên tất cả các lĩnh vực nhưng không công khai các kết luận sai phạm, không ban hành quyết định xử lý vi phạm là trái với các quy định tại Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra.

Nhiều tổ chức, cá nhân băn khoăn có gì khuất tất khi biên bản vi phạm hành chính được lập nhưng không ban hành Quyết định xử phạt. Phải chăng còn có những điều không thể công khai minh bạch các kết luận để người dân và doanh nghiệp theo dõi, giám sát?

Là cố tình vi phạm Luật Thanh tra

Căn cứ Điều 8, Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 46, Nghị định 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra, có quy định rõ một số điều công khai kết luận thanh tra: “Ngoài việc công khai kết luận thanh tra theo điểm a, Khoản 3 điều này, người ra kết luận thanh tra lựa chọn một trong các hình thức: Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; đưa lên trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp; niêm yết kết luận thanh tra tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra. Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng: Báo nói, báo hình, báo viết, báo điện tử. Thời gian thông báo trên báo nói, báo điện tử là 02 lần; trên báo hình ít nhất là 02 lần phát sóng; trên báo viết ít nhất 01 lần phát hành…”

Tại Hà Tĩnh, việc công khai các kết luận thanh tra chưa được triển khai, nhiều cuộc thanh tra đã diễn ra từ đầu năm nhưng đến nay vẫn không tìm thấy kết luận thanh tra trên trang thông tin điện tử của địa phương, đơn vị. Nếu tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác thông tin các kết luận thanh tra thì phải làm văn bản qua văn phòng để đăng ký lịch xin được cung cấp. Đáng lẽ ra từ một văn bản bắt buộc phải công khai theo luật thì hiện nay đang bị “giấu diếm” và rất khó khăn trong việc phối hợp để cung cấp thông tin. Đó là việc làm trái với quy định của Luật Thanh tra.

Với 1.233/1.536 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành nhưng trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh Hà Tĩnh, Trang thông tin điện tử của Thanh tra tỉnh không tìm thấy bất kỳ kết luận thanh tra nào của năm 2019 được công bố công khai. Tương tự, trên Trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng Hà Tĩnh mục Thanh tra xây dựng không có kết luận thanh tra nào được niêm yết công khai theo quy định tại điều 46 Nghị định 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ.

Việc thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về công khai kết quả thanh tra, có sự kiểm tra, giám sát từ phía xã hội có ý nghĩa rất lớn trong cuộc sống. Trước hết sẽ giúp người dân hiểu rằng hoạt động thanh tra là bảo vệ lợi ích chung của Nhà nước, của cộng đồng, trong đó có lợi ích của mình, góp phần vào bảo đảm công bằng, trật tự, kỷ cương, phép nước.

Về phía các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thanh tra cũng như cơ quan, đơn vị, cá nhân được thanh tra, việc công khai kết luận thanh tra sẽ góp phần ngăn ngừa vi phạm pháp luật, tạo sự minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước đồng thời nâng cao tính chuyên nghiệp, ý thức chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Việc không công khai các kết luận thanh tra, không ban hành quyết định xử phạt theo đúng quy định như hiện nay tại tỉnh Hà Tĩnh, sẽ bị áp dụng xử lý theo Điều 81, Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật phòng, chống tham nhũng quy định việc xử lý vi phạm trong thực hiện công khai, minh bạch.

Thiết nghĩ, đã đến lúc Hà Tĩnh cần thực hiện nghiêm túc việc công khai các kết luận thanh tra theo đúng quy định của Luật để đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật trong hoạt động Thanh tra.

Uyên Uyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load