Thứ sáu 19/04/2024 10:51 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Tĩnh: Bất cập các công trình hồ đập chậm tiến độ, khó đảm bảo vượt lũ

18:22 | 09/08/2022

(Xây dựng) - 12 hồ đập thủy lợi đã được bố trí đủ nguồn vốn để sửa chữa, song công tác giải phóng mặt bằng, thi công và giải ngân chậm khiến các công trình khó đảm bảo vượt lũ.

ha tinh bat cap cac cong trinh ho dap cham tien do kho dam bao vuot lu
Việc chậm tiến độ có nguy cơ bị cắt vốn, công trình dang dở.

8 công trình do Ban Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư có nguy cơ bị cắt nguồn vốn

Xác định được tính cấp bách nên Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh quyết định cấp hàng trăm tỷ đồng giao cho UBND huyện Nghi Xuân, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và PTNT; Ban Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh; Công ty TNHH MTV thủy lợi Bắc Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, thực hiện sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa, phấn đấu hoàn thành trước mùa mưa lũ năm 2022.

Trong điều kiện ngân sách địa phương hạn hẹp, tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng Cục thủy lợi quan tâm, hỗ trợ tỉnh kinh phí để nâng cấp, sửa chữa các hồ đập hư hỏng, xuống cấp. Cấp bách nhất là “chữa bệnh” cho 33 hồ xung yếu. Đồng thời, hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác quản lý các công trình hồ chứa đáp ứng các quy định của Nghị định 114/2018/NĐ-CP.

Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi hiện nay, nhiều hạng mục công trình nâng cấp, sửa chữa 12 hồ đập thủy lợi trên địa bàn Hà Tĩnh chưa hoàn thành, thậm chí có những hồ chưa triển khai thi công khiến người dân và các đơn vị quản lý, vận hành hồ rất lo lắng khi mùa mưa bão sắp về.

Mặc dù hiểu rất rõ tính chất nguy hiểm của các hồ chứa thi công giang dở nhưng theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, đến thời điểm này, hầu hết các công trình đều thi công rất chậm, nguy cơ không đảm bảo tiến độ vượt lũ, chống lũ an toàn. Đặc biệt, có một số hạng mục công trình đến nay chưa triển khai thi công do vướng mặt bằng, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án và giải ngân nguồn vốn.

Ông Trần Đức Thịnh - Phó Giám đốc phụ trách Chi cục thủy lợi Hà Tĩnh chia sẻ: “Bây giờ lo nhất là 8 dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Trong đó, hồ Khe Dẻ và Khe Cò, ở huyện Hương Sơn đáng báo động nhất. Việc chậm tiến độ không chỉ gây mất an toàn cho công trình, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản người dân hạ du mà còn có nguy cơ bị cắt vốn, công trình giang dở, nhiều hạng mục công trình Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập do Ngân hàng Thế giới WB8 tài trợ chậm tiến độ thi công và chậm cả khối lượng giải ngân nguồn vốn”.

Theo đó, gói thầu sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa Khe Cò, Khe Dẻ, Khe Nhảy và Đập Bượm, Đá Đen mới thi công đạt 75% đến 98%; số vốn giải ngân cũng mới đạt hơn 50% (tương đương 15,5/29,5 tỷ đồng). Riêng hồ Lối Đồng ở thị xã Kỳ Anh do hồ nằm trong khu vực ảnh hưởng của một số dự án thuộc Khu kinh tế Vũng Áng, người dân cản trở nên chưa thể triển khai thi công.

Ngoài 8 công trình do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn chậm tiến độ, báo cáo mới nhất của UBND huyện Nghi Xuân cũng cho thấy, công trình sửa chữa đập Đồng Trày, xã Xuân Viên cũng thi công và giải ngân rất “ì ạch”. Cụ thể, dự án có tổng mức đầu tư hơn 36,2 tỷ đồng; thời gian hoàn thành trước 30/4/2022 nhưng đến ngày 17/6/2022, công trình mới chỉ thi công đạt hơn 65% khối lượng; giá trị quyết toán đạt hơn 9,8 tỷ trên tổng nguồn vốn đã bố trí hơn 28,4 tỷ đồng. Nguyên nhân chậm tiến độ được huyện Nghi Xuân lý giải, do việc bố trí nguồn vốn khó khăn nên thời gian thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu bị kéo dài.

Ngoài ra, công trình khởi công đầu tháng 7/2021, chỉ chưa đầy 2 tháng đã bước sang mùa mưa lũ cộng với bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương thực hiện cách ly y tế nên việc cung ứng vật liệu, điều động nhân công từ địa bàn ngoại tỉnh bị chậm dẫn đến không thể thi công hạng mục đập đất trong năm 2021.

Chính quyền địa phương chưa quyết liệt trong công tác GPMB

Biện minh cho việc thực hiện dự án chậm tiến độ, ngoài yếu tố khách quan thì còn nhiều bất cập trong điều hành, quản lý của chủ đầu tư chưa thực sự chủ động. Ngoài ra, công tác thẩm định của các Sở, ngành cũng hạn chế dẫn đến công tác thẩm định kéo dài.

Đối với trách nhiệm của chính quyền địa phương, mặc dù UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu phải bàn giao mặt bằng đúng thời hạn quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư triển khai dự án song một số địa phương GPMB chậm, thậm chí rất chậm. Riêng thị xã Kỳ Anh có 3 hồ là Nước Xanh, Ba Khe và Lối Đồng nằm trong danh mục sửa chữa, nâng cấp nhưng tiến độ GPMB của hồ Nước Xanh và Ba Khe rất “ì ạch”, còn hồ Lối Đồng người dân cản trở, không thể GPMB nên đứng trước nguy cơ phải hoàn trả vốn, không thực hiện sửa chữa theo kế hoạch đã được duyệt.

ha tinh bat cap cac cong trinh ho dap cham tien do kho dam bao vuot lu
Nhiều công trình chậm tiến độ do không giải phóng được mặt bằng để thi công.

Trước đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình chỉ đạo các nhà thầu tăng cường máy móc, vật tư, phương tiện tập trung thi công các hạng mục đảm bảo chống lũ an toàn. Đối với những hạng mục công trình không đủ thời gian thi công hoàn thành vượt lũ, chủ đầu tư phải xây dựng và sẵn sàng thực hiện ngay phương án ứng phó, tuyệt đối không để xảy ra sự cố, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.

Phối hợp đơn vị trực tiếp quản lý, khai thác hồ chứa để tính toán cân đối nguồn nước, có giải pháp hạ thấp mực nước hồ vừa triển khai thi công, vừa đảm bảo nước phục vụ sản xuất, dân sinh theo từng công trình.

Với những hồ vướng mắc GPMB như Nước Xanh, Ba Khe, Lối Đồng… đề nghị các huyện, thị xã chỉ đạo hội đồng đền bù, GPMB khẩn trương tổ chức giải phóng, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai thi công kịp tiến độ; trường hợp có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền phải báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo kịp thời. Tuyệt đối không để việc vướng mắc GPMB làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân nguồn vốn…

Trước chỉ đạo cấp bách của UBND tỉnh Hà Tĩnh nhưng các địa phương và Ban quản lý dự án liên quan “thờ ơ” và “phớt lờ” khi phóng viên đặt câu hỏi: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi dự án chậm tiến độ kéo dài và bị thu hồi vốn do không đảm bảo tiến độ?

Hiện nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 348 hồ chứa nước, với tổng dung tích trên 1,57 tỷ m3 đã đưa vào khai thác, vận hành và 86 đập dâng hàng năm cấp nước phục vụ tưới cho 62.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và nhiều ngành kinh tế khác.

Trước mùa mưa lũ năm 2022, qua khảo sát, đánh giá, có 117 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp chưa có kinh phí để nâng cấp, sửa chữa; trong đó 33 hồ chứa xung yếu, nguy cơ mất an toàn cao.

Tuyết Mây

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load