Theo quy hoạch các KĐT được phê duyệt, căn cứ vào quy mô dân số phải xác định các công trình kết cấu hạ tầng xã hội nói chung và công trình trường học đáp ứng yêu cầu theo quy hoạch. Nhưng sau khi các căn hộ được chủ đầu tư bán hết, thì rất nhiều hạng mục thuộc về hạ tầng bắt buộc theo quy định như: Điện, nước, hệ thống đường sá, bệnh viện, chợ, trường học… đang bị các chủ đầu tư “quên” hoàn thành. Trách nhiệm này thuộc về ai, và ai sẽ là đơn vị xử lý những “thiết sót” này thì đến nay vẫn chưa ngã ngũ.
Các KĐTM hiện nay chưa thể hiện tính chất đa chức năng.
Thực trạng buồn
Hà Nội là một trong những đô thị đi đầu trong cả nước về tốc độ đô thị hoá, đặc biệt từ sau khi Hà Nội mở rộng nhiều KĐTM được hình thành, quỹ nhà của TP được cải thiện đáng kể. Vào những thập niên 80 của thế kỷ XX, Hà Nội chỉ có khoảng 30 tiểu khu nhà ở mà trong đó có các dãy nhà chỉ 4 - 5 tầng. Nhưng đến nay số lượng KĐTM và các toà nhà cao tầng đã được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, vấn đề hạ tầng tại nhiều KĐTM của Hà Nội đã không được quan tâm đúng mực. Các chủ đầu tư sau khi xây dựng các KĐT lại “quên” xây hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng xã hội luôn thiếu và chậm.
Rà soát mới nhất của UBND TP Hà Nội cho biết, tình trạng thiếu trường học như KĐT Mỹ Đình - Mễ Trì không phải hiếm gặp. Hầu hết các KĐT đã có người tới ở đều chưa hoàn thành đồng bộ hệ thống trường học. Kết quả rà soát 10 KĐTM cho thấy, theo quy hoạch có 38 trường học nhưng mới xây dựng, đưa vào sử dụng 27 trường, trong đó, có 4 trường công lập, đạt tỷ lệ 10,5%. 6 KĐT còn lại đều thiếu trường, thậm chí có những khu chưa có một trường nào.
Tại KĐT Trung Hòa - Nhân Chính vấn đề chợ cóc, công viên đang bị chính chủ đầu tư “lãng quên” gây bức xúc cho các cư dân sinh sống tại đây. Gần đây dư luận đang rất quan tâm tới việc Q.Hoàng Mai có 4 KĐTM hiện đều đang trong tình trạng “trắng” trường phổ thông công lập, dù trong thiết kế các nhà thầu đều đưa ra một quy hoạch tổng thể, bao gồm cả trường học (dành khoảng 12 - 15% diện tích đất); nhưng hiện chỉ có 5 trường học được xây dựng, mà theo quy hoạch phải là 17 trường, số nhà trẻ còn ít hơn, mới chỉ có 2/19 nhà trẻ cho hàng vạn dân.
Người dân tại KĐT Văn Khê (Q.Hà Đông) như sống trong giữa một đại công trường khi mà chỉ có toà nhà CT1, CT2, CT3 đã bàn giao cho dân đến ở, còn toà nhà CT4, CT5 và CT6 sẽ bàn giao vào cuối năm 2011 và năm 2012. Đường sá vào KĐT còn mấp mô, bụi từ các toà nhà đang xây luôn ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Máy móc thi công luôn hoạt động với công suất cao để kịp bàn giao tiến độ. Bà Trần Hoàng Thắm, mới chuyển đến KĐT Văn Khê tâm sự: Thực tế chỉ có khoảng 50% dân nhận nhà vì toàn khu vực chưa hoàn chỉnh, nhiều hộ chuyển đến ở chưa lâu đã rao bán hoặc cho thuê vì quá ồn, bụi và hạ tầng còn thiếu lổn nhổn chưa đâu vào đâu. Tại KĐTM Định Công, toàn bộ khu nhà NƠ 14A, 14B, 14C đều có chỗ để xe tầng hầm nhưng nền nhà sụt mấp mô. Bể phốt sau nhiều năm cũng không được hút, buộc người dân phải tự vận động nhau đóng thêm tiền để thuê hút bể phốt. Dù gửi nhiều đơn kiến nghị đi các nơi nhưng sự việc vẫn đâu hoàn đó, cực chẳng đã người dân lại phải góp tiền tự sửa lấy.
Còn KĐTM Quang Minh 1 và Quang Minh 2 (huyện Mê Linh, Hà Nội) có dự án đã bàn giao nhà và người dân đã về ở nhưng vẫn chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng, chưa cấp điện, nước đúng như dự án đầu tư được phê duyệt và thiếu đồng bộ. Một số dự án đã hoàn thành phần lớn các hạng mục nhà ở, dân cư đã vào ở nhiều năm mà vẫn chưa có trường học, bệnh viện và các tiện ích công cộng.
Lợi nhuận hay vô trách nhiệm?
Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: Tất cả các DN đều lấy lợi nhuận làm đầu. Vì vậy, không ai dại gì làm trường học, các công trình công cộng nếu như khi ra đầu bài không làm rõ, quy định chi tiết ai sẽ xây dựng và quản lý các công trình công cộng. Tuy nhiên, ông Hùng cũng nêu quan điểm rằng: “Đừng trách các nhà đầu tư, mà trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước”.
Dù đưa vào sử dụng từ lâu nhưng đến nay KĐT Trung Hòa - Nhân Chính mới xây dựng công viên.
Mới đây, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội cũng đã tiến hành kế hoạch giám sát về quy hoạch các công trình hạ tầng xã hội tại một số KĐTM, khu TĐC trên địa bàn Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Thùy - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội cho biết: Điều ngạc nhiên là có KĐT trong quy hoạch chưa tính đến công trình hạ tầng xã hội, chính quyền cơ sở. Quy hoạch cũng chưa tính đến sự ảnh hưởng của các KĐTM với các khu vực lân cận. Phần lớn KĐT chưa dành diện tích để làm nhà hội họp, sinh hoạt cộng đồng trong các khu cao tầng. Hạ tầng xã hội nhìn chung là mất cân đối, quy mô còn rất nhỏ so với quy mô dân số".
Còn theo KTS Trần Công Thanh, Chi hội KTS cao tuổi Hà Nội thì: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hạ tầng tại nhiều KĐTM xây dựng là do nhiều chủ đầu tư chỉ quan tâm đến việc bán nhà để thu lợi nhuận mà không lo đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xã hội cho người dân đến sinh sống. Tôi nghĩ chúng ta cần phải có các chế tài xử lý đủ mạnh để thay đổi lối tư duy của các chủ đầu tư.
Vậy vấn đề cần đặt ra ở đây, tại sao đến khi phát hiện ra việc thiếu các hạ tầng thì các nhà quản lý mới tìm cách để đổ lỗi cho chủ đầu tư. Trong khi đó TP không có biện pháp giải quyết hữu hiệu vấn đề này? Để rồi hậu quả, cứ tái diễn tình trạng đất dành cho hạ tầng xã hội bị “cắt, xén” từ KĐT này đến KĐT khác? Và những khó khăn mà người dân vào sinh sống tại KĐT vẫn nằm ngoài sự quan tâm của chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước?
Ông Phạm Sỹ Liêm - Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng: Các KĐTM của ta hiện nay chưa thể hiện tính chất đa chức năng của nó, vẫn coi trọng việc vào để ở, trong khi xu hướng của thế giới thì KĐT phải là khu đa chức năng. Điều này có nghĩa là vừa ở và vừa tạo được việc làm ở đó. Ở Pháp đã có một thành phố bị gọi là TP ngủ vì không có gì ở đó, ngoài nhà và nhà điều này đã làm người ta chỉ về đó là nơi để ngủ, chẳng khác nào một TP chết. Thực tế các chủ đầu tư KĐT hiện nay, phần lớn chỉ chú trọng kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận, do vậy họ thích làm nhà chung cư mà bỏ qua các hạ tầng xã hội quan trọng như nhà trẻ, trường học, công viên, không gian cây xanh ngày càng bị thu hẹp... Việc xây dựng hạ tầng xã hội là việc chủ đầu tư phải làm, nhưng khi đầu tư các công trình như vậy thì chính quyền sở tại lại khuyến khích họ bằng cách trừ vào tiền đất, hoặc hưởng nhiều chính sách ưu đãi. Chính quyền phải kiểm tra ngay sau khi hoàn thành, điều đáng nói là vừa qua chúng ta chỉ quan tâm tới việc chỉ kiểm tra từng cái nhà nhỏ lẻ mà ít kiểm tra cả KĐT nên chuyện thiếu sót chưa được phát hiện kịp thời. |
Thành Nam
Theo baoxaydung.com.vn