Thứ năm 28/03/2024 23:00 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hạ tầng giao thông Việt Nam sau 35 năm đổi mới: Đi trước một bước để thúc đẩy phát triển kinh tế

08:58 | 19/01/2021

Sau 35 năm Đổi mới và đặc biệt trong vòng 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020 được đề ra tại Đại hội lần thứ XI của Đảng, hệ thống hạ thầng giao thông Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ và “lột xác” để phát triển theo cấp số nhân. Các tuyến quốc lộ được làm mới, hoặc mở rộng lên gấp nhiều lần so với trước. Từ lúc không có tuyến đường cao tốc, đến nay cả nước đã có gần 1.800km đường cao tốc.

ha tang giao thong viet nam sau 35 nam doi moi di truoc mot buoc de thuc day phat trien kinh te
Xuất phát từ con số 0, hệ thống đường cao tốc Việt Nam hiện đã có gần 1.800km được đưa vào khai thác. Ảnh: Hải Nguyễn

Giao thông là khâu quan trọng nhất của kết cấu hạ tầng

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), ngay từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới, phát triển nền kinh tế đất nước theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng chủ trương phải ưu tiên đầu tư phát triển để GTVT đi trước một bước tạo tiền đề và thúc đẩy kinh tế phát triển.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) xác định: “GTVT là khâu quan trọng nhất của kết cấu hạ tầng’’ và “GTVT phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế quốc dân’’.

Song trong suốt 10 năm thực hiện Đổi mới, tính đến năm 1995, do đất nước vẫn đang bị bao vây cấm vận, ngân sách Nhà nước hết sức khó khăn nên ngành GTVT vẫn tập trung chủ yếu nguồn lực cho công tác duy tu bảo dưỡng để đảm bảo an toàn giao thông và triển khai xây dựng một số công trình thực sự cấp bách.

Trong 10 năm sau đó, ngành giao thông mới hoàn tất cải tạo nâng cấp và làm mới hơn 16.000km đường bộ, 1.400km đường sắt, hơn 130.000m dài cầu đường bộ, 11.000m dài cầu đường sắt đồng thời nâng cấp và xây dựng mới 5.400m dài bến cảng, nạo vét 4,8 triệu m3 luồng lạch.

Phải đến sau giai đoạn này và đặc biệt trong 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020, hạ tầng giao thông Việt Nam mới thực sự bùng nổ với quy mô hệ thống đường bộ tăng vọt lên con số 668.000km, gấp tới gần 3 lần so với thời điểm cuối năm 2004. Xuất phát điểm bằng con số 0, các tuyến đường cao tốc đến nay cũng dần hình thành, hoàn thiện với gần 1.800km trong đó có gần 1.100km được đưa vào khai thác.

Bộ trưởng Bộ GTVT - ông Nguyễn Văn Thể cho hay, ngành hàng không cũng chứng kiến bước phát triển đột phá về cả quy mô và chất lượng dịch vụ, đáp ứng kịp thời sự bùng nổ của nhu cầu vận tải hàng không trong giai đoạn vừa qua với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16 - 18%/năm.

Nhiều cảng hàng không quốc tế như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng tiếp tục được nâng cấp và nhiều cảng hàng không khác được xây dựng mới như Phú Quốc, Vân Đồn, qua đó nâng tổng công suất mạng cảng hàng không đạt khoảng 90 triệu lượt hành khách/năm, tăng 2,5 lần so với năm 2011.

Mới đây nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 cũng chính thức được khởi công xây dựng.

Song hành với đường bộ và hàng không, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho hay, hàng loạt cảng cửa ngõ quốc tế như Cái Mép - Thị Vải, Lạch Huyện được đầu tư xây dựng có khả năng tiếp nhận được tàu tải trọng lớn từ 130.000 tấn đến 200.000 tấn (DWT) đi thẳng tới bờ tây nước Mỹ, Canada và Châu Âu.

Các cảng đầu mối khu vực như Nghi Sơn, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Khánh Hòa hay Cần Thơ cũng được cải tạo nậng cấp, đưa tổng công suất các cảng từ 420 triệu tấn (năm 2011) lên khoảng 580 triệu tấn mỗi năm. Các tuyến đường thủy chính cũng được đầu tư nâng cấp, trong đó vùng ĐBSCL có 1.082km đường thủy, vùng đồng bằng Bắc Bộ có 462km đường thủy được đầu tư cải tạo, nâng cao năng lực vận tải…

Năng lực và chất lượng hạ tầng liên tục tăng bậc

Đáng chú ý theo ông Nguyễn Văn Thể, hàng loạt nghị quyết của Đảng, Chính phủ về phát triển hạ tầng giao thông giúp năng lực hệ thống hạ tầng đất nước được nâng lên đáng kể trong những năm gần đây.

Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố cho thấy, trong kỳ đánh giá 2017 - 2018, năng lực và chất lượng kết cấu hạ tầng của Việt Nam liên tục tăng bậc, từ thứ 95/144 (năm 2011) lên thứ 79/137 (năm 2016).

Chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) của Việt Nam năm 2018 cũng xếp hạng 39/160 nước, tăng 25 bậc so với 2016. Trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam xếp hạng 3, sau Singapore (xếp hạng 7) và Thái Lan (xếp hạng 32).

Song dù đạt được nhiều thành tựu và chứng kiến sự lộc xác ngoạn mục, hệ thống hạ tầng giao thông của Việt Nam hiện vẫn còn là điểm nghẽn đối với nhu cầu phát triển để tiến tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó hệ thống đường bộ cao tốc mới bước đầu hình thành, chưa đạt mục tiêu đến năm 2020 đưa vào sử dụng khoảng 2.000km đường cao tốc; hệ thống đường sắt lạc hậu, chưa đầu tư được đường sắt tốc độ cao, hệ thống đường sắt đô thị mới đầu tư xây dựng những tuyến đầu tiên; hệ thống cảng biển chưa khai thác hết công suất thiết kế; một số cảng hàng không đã xảy ra quá tải...

“Vì thế, chưa hình thành được hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, nhất là so sánh với các tiêu chí của quốc tế về mạng đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, cảng hàng không, cảng biển đầu mối” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhìn nhận.

Cũng theo người đứng đầu ngành GTVT, một trong những nguyên nhân chính là khó khăn về nguồn lực, khiến cho công tác đầu tư phát triển hạ tầng giao thông triển khai chậm so với yêu cầu, hệ thống hiện hữu cũng chưa có điều kiện duy tu, bảo dưỡng đầy đủ, kịp thời, làm hạn chế năng lực khai thác. Trong khi đó nguồn vốn ngân sách phân bổ giai đoạn 2016 - 2020 mới chỉ đáp ứng trên 30% nhu cầu đầu tư phát triển, cũng như công tác bảo trì, trong lúc việc kêu gọi đầu tư tư nhân còn khó khăn do đầu tư vào hạ tầng giao thông nhiều rủi ro, hệ thống văn bản pháp lý còn chưa đồng bộ.

“Đây là trở ngại rất lớn trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, “đi trước một bước” tạo tiền đề phát triển đất nước tới năm 2030” - ông Nguyễn Văn Thể phân tích.

* Trong bài viết mới đây, TS Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định, sau 35 thực hiện công cuộc Đổi mới, Việt Nam từ một nền kinh tế lạc hậu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường hiện đại định hướng xã hội chủ nghĩa và vươn lên thành một điểm sáng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Trong đó, hệ thống hạ tầng quốc gia được tập trung nguồn lực xây dựng một cách đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị lớn. N.V

* Theo dự thảo báo cáo cuối kỳ của Quy hoạch mạng lưới đường bộ cả nước, mục tiêu đến năm 2030, cơ bản hoàn thành các tuyến cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế, các hành lang kinh tế chính, phấn đấu đến năm 2030 có trên 80% các địa phương có cao tốc kết nối và xây dựng hoàn thành trên 5.000km (bao gồm cả cao tốc phân kỳ quy mô đầu tư), trong đó tập trung ưu tiên hệ thống cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một số tuyến cao tốc hướng tâm khu vực phía Bắc và phía Nam. N.Văn

Theo Văn Nguyễn/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load