Thứ tư 11/12/2024 01:45 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Hạ tầng giao thông phía Nam: Bứt phá và kỳ vọng

16:14 | 02/01/2024

(Xây dựng) - Sau nhiều năm đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, đến nay, hệ thống giao thông phía Nam, đặc biệt là tuyến cao tốc đã thông suốt từ Bình Thuận đến Cần Thơ. Tuyến cao tốc còn lại từ Cần Thơ đến Cà Mau đang được chủ đầu tư rốt ráo thực hiện, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Việc hoàn thiện cao tốc đã làm thay đổi hạ tầng giao thông phía Nam, giảm áp lực giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.

Những tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác sử dụng ở phía Nam gồm: Tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ và tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Được khởi công tháng 10/2009, tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km, quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120 km/h, tổng mức đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng.

Hạ tầng giao thông phía Nam: Bứt phá và kỳ vọng
Tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Dự án chia 2 đoạn: Đoạn đầu từ nút giao An Phú đến Long Thành, dài gần 24 km, đi qua TP Thủ Đức, huyện Nhơn Trạch và Long Thành (Đồng Nai). Đoạn cuối lại từ Long Thành đến Dầu Giây dài trên 31 km, đi qua huyện Long Thành, Cẩm Mỹ và Thống Nhất (Đồng Nai).

Tháng 02/2015, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thông xe toàn tuyến. Thời điểm hoàn thành và đưa vào sử dụng, đây là tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam, góp phần làm giảm áp lực giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển, tạo động lực phát triển kinh tế.

Để phát huy tối đa hiệu quả tuyến cao tốc này, mới đây, tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ triển khai dự án mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lên 10 - 12 làn xe.

Tuyến cao tốc thứ 2 là TP.HCM - Trung Lương, đi qua địa phận TP.HCM, tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang. Đây là tuyến đường huyết mạch ở cửa ngõ phía Tây kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Tuyến cao tốc dài 40 km, quy mô 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ 100 km/h, khởi công vào năm 2004 và hoàn thành năm 2010.

Sau hơn 12 năm khai thác, lượng phương tiện lưu thông tăng cao nên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương dự kiến triển khai thêm 4 làn xe, để đạt quy mô 8 làn xe cao tốc và 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ 120 km/h. Dự án sẽ khởi công năm 2025, hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2027.

Hạ tầng giao thông phía Nam: Bứt phá và kỳ vọng
Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương dự kiến triển khai thêm 4 làn xe, để đạt quy mô 8 làn xe cao tốc và 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ 120 km/h.

Tuyến cao tốc thứ 3 là Trung Lương - Mỹ Thuận. Tuyến cao tốc nằm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, với chiều dài 51 km, gồm 4 làn xe, tốc độ từ 60 - 80 km/h, tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng. Được khởi công tháng 11/2009, do Bộ GTVT làm cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, tuy nhiên, sau nhiều năm dự án vẫn không thể triển khai vì nhà đầu tư thiếu năng lực.

Hạ tầng giao thông phía Nam: Bứt phá và kỳ vọng
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khánh thành tháng 4/2022, sau 13 năm khởi công.

Để đẩy nhanh tiến độ, Thường trực Chính phủ giao UBND tỉnh Tiền Giang làm đại diện cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền dự án thay Bộ GTVT. Tháng 4/2022, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chính thức khánh thành sau 13 năm khởi công.

Tại lễ khánh thành, năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, việc hoàn thành cao tốc là bước khởi đầu, để đến năm 2025 hoàn thành toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam, từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau. Việc đưa vào sử dụng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là hiện thực lời hứa của Chính phủ với hơn 20 triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần tạo ra động lực và không gian phát triển mới cho Tiền Giang và các tỉnh lân cận trong khu vực.

Tuyến cao tốc thứ 4 là Mỹ Thuận - Cần Thơ, với chiều dài 23 km, đi qua tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp, do Ban Quản lý Mỹ Thuận (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng, điểm đầu nối với cầu Mỹ Thuận 2, điểm cuối tại cầu Chà Và, tỉnh Vĩnh Long.

Hạ tầng giao thông phía Nam: Bứt phá và kỳ vọng
Tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, với chiều dài 23 km, đi qua tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp khánh thành vào tháng 12/2023.

Giai đoạn 1 của dự án có 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, bề rộng cầu 17,5 m, vận tốc 80 km/h. Tháng 12/2023, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cùng với cầu Mỹ Thuận 2, là điểm nối giữa 2 tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được khánh thành.

Theo chủ đầu tư, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là khớp nối quan trọng cuối cùng của tuyến cao tốc hơn 120 km từ TP.HCM đi Cần Thơ. Khi dự án được khai thác sẽ giảm áp lực lớn cho QL1, rút ngắn hơn 50 km từ thành phố đến Thủ phủ miền Tây, thời gian chỉ còn 2 giờ, thay vì gần 4 giờ như hiện nay.

Tuyến cao tốc thứ 5 là Dầu Giây - Phan Thiết, được khởi công tháng 9/2020, tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Dự án có điểm đầu nối với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (tại huyện Hàm Thuận Nam) và điểm cuối ở nút giao tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai). Bộ GTVT cho phép các xe chạy trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết tốc độ tối đa 120 km/h và tối thiểu 60 km/h.

Hạ tầng giao thông phía Nam: Bứt phá và kỳ vọng
Tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào khai thác tháng 7/2023.

Tháng 7/2023, tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chính thức thông tuyến hoàn toàn.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào khai thác giúp rút ngắn hành trình từ TP.HCM đến các trung tâm du lịch và mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực miền Nam Trung Bộ. Đồng thời, khắc phục tình trạng ách tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên QL1. Giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giữa khu vực đầu mối trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực miền Đông Nam Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ, cũng như từ Bắc vào Nam.

Ngoài dự án hạ tầng giao thông đường cao tốc, các dự án đường bộ, đường thuỷ, cầu, bến xe, cảng biển… đã tạo ra mạng lưới giao thông dày đặc, kết nối các tỉnh thành, làm giảm áp lực giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.

Bên cạnh đó, nhiều dự án trọng điểm phía Nam đang được đầu tư như: Sân bay Long Thành, đường Vành đai 3 TP.HCM, đường Vành đai 4 TP.HCM, tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Cần Thơ - Bạc Liêu, cao tốc Bạc Liêu - Cà Mau, Metro số 1, cầu Phước An, cầu Cát Lái…

Quang Hải

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load