Thứ năm 23/01/2025 17:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Hạ tầng cảng biển Hải Phòng hướng tới quy mô hiện đại

20:42 | 27/09/2017

(Xây dựng) - Hệ thống cảng biển Hải Phòng đang phát triển hướng tới quy mô hiện đại, làm đầu mối chính xuất nhập khẩu trên các tuyến biển xa của toàn bộ các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh của quốc gia lân cận giáp danh biên giới phía Bắc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh phía Bắc.


Sự kiện khởi công cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng lực xếp dỡ hàng hóa.

Trong bối cảnh nước ta đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống cảng biển và đường giao thông nối cảng biển với các khu công nghiệp để nâng cao khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài, hệ thống cảng biển Hải Phòng không ngừng được đầu tư chiều sâu, cải tạo, mở rộng và phát triển nhanh theo hướng “nối dài” ra biển và được trang bị hệ thống xếp dỡ chuyên dùng hiện đại; đồng bộ từ quản lý đến khai thác đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Hiện nay, khu vực cảng biển Hải Phòng có 44 bến cảng bốc xếp hàng hóa với tổng chiều dài cầu cảng khoảng 11km. Trong đó có một số bến cảng có khả năng tiếp nhận tàu biển có trọng tải đến 55.000 DWT giảm tải ra, vào làm hàng đảm bảo an toàn.

Ngoài các cầu bến cảng xếp dỡ hàng hóa, cảng biển Hải Phòng còn được bố trí 3 khu neo chuyển tải: Bạch Đằng, Lan Hạ và Hạ Long có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn; 2 khu bến phao chuyển tải, với tổng 5 bến phao (3 Bạch Đằng, 2 Bến Gót).

Theo số liệu thống kê của Cảng vụ hàng hải Hải Phòng: Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng về sản lượng hàng hóa và tàu thuyền thông qua khu vực cảng biển Hải Phòng luôn đạt mức cao từ 10-15%. Năm 2015 là 74,56 triệu tấn tương ứng với 19.646 lượt tàu thuyền; năm 2016 là 79,2 triệu tấn tương ứng 18.641 lượt tàu thuyền; 8 tháng đầu năm 2017 là 52,2 triệu tấn tương ứng 12.209 lượt tàu thuyền.

Căn cứ vào dự báo về sản lượng hàng hoá thông qua cảng biển khu vực Hải Phòng đến năm 2020 đạt khoảng từ 109 đến 114 triệu tấn/năm và năm 2030 khoảng từ 187,5 đến 210 triệu tấn/năm, hệ thống cảng biển Hải Phòng sẽ phát triển hướng tới quy mô hiện đại, làm đầu mối chính xuất nhập khẩu cho toàn bộ các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh của quốc gia lân cận giáp danh biên giới phía Bắc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh phía Bắc. Đi kèm theo đó là việc nâng cấp cơ sở hạ tầng; hiện đại hóa công nghệ bốc xếp; đồng bộ từ quản lý đến khai thác đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Theo Quyết định số 2367/QĐ-BGTVT ngày 29/7/2016 về Quy hoạch chi tiết Nhóm Cảng biển phía Bắc (Nhóm 1) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ Giao thông Vận tải, Hải Phòng được xác định là cảng cửa ngõ quốc tế (loại IA), là cảng tổng hợp quốc gia, tiêu biểu nhất của khu vực phía Bắc. Hệ thống cảng biển Hải Phòng bao gồm các khu bến chính: khu bến cảng trên sông Cấm, khu bến cảng Đình Vũ (bao gồm cả Nam Đình Vũ), khu bến cảng Lạch Huyện. Bên cạnh đó, cũng sẽ có một số bến cảng chuyên dùng nhỏ lẻ khác đảm nhận vai trò vệ tinh trong hệ thống cảng Hải Phòng như bến cảng huyện đảo Bạch Long Vĩ. Các khu bến này có chức năng bổ trợ nhau về tổng thể.

Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện được quy hoạch là khu bến chính của cảng, chủ yếu làm hàng tổng hợp, công ten nơ, kết hợp làm hàng trung chuyển quốc tế; tiếp nhận tàu khách trọng tải từ 5.000 đến 6.000 khách. Năng lực thông qua giai đoạn 2020-2025 khoảng từ 45-50 triệu tấn/năm, tiếp nhận tàu tổng hợp trong trọng tải 50.000 tấn, tàu 100.000 tấn giảm tải; tàu công ten nơ đến 6.000 TEU, tàu 8.000 TEU giảm tải; giai đoạn đến 2030 và sau 2030 tiếp nhận tàu tổng hợp trọng tải 100.000 tấn, tàu công ten nơ đến 8.000 TEU, năng lực thông qua khoảng 115 đến 125 triệu tấn/năm.

Sự phát triển cảng biển Hải Phòng phù hợp Quy hoạch: Hiện nay, Khu bến cảng Lạch Huyện đang triển khai hoàn thiện hợp phần A (nền, đê chắn sóng, đê chắn cát, nạo vét luồng Lạch Huyện, vũng quay tàu); hợp phần B, đang triển khai xây dựng 2 bến khởi động, dài 750m tiếp nhận tàu tổng hợp trọng tải 50.000DWT đầy tải, tàu 100.000DWT giảm tải và 6000TEU với tàu container. Tiến độ xây dựng cảng Lạch Huyện: dự kiến tháng 5/2018 khai thác sử dụng .

Cảng Lạch Huyện giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống cảng biển Việt Nam. Đây là cảng tổng hợp đáp ứng nhu cầu bốc xếp hàng hoá vận tải bằng đường biển ngày càng tăng của các tỉnh, thành phố, khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đặc biệt là Vùng tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và về lâu dài thu hút một phần hàng trung chuyển quốc tế, khu vực.

Khu bến Đình Vũ (bao gồm cả Nam Đình Vũ) là khu bến tổng hợp, công ten nơ đi biển gần cho Hải Phòng và vùng Bắc Bộ. Khu vực này có 2 khu chức năng chính: các bến tổng hợp container nằm ở phía bắc Đình Vũ, tiếp nhận tàu 2 - 3 vạn tấn, tại đây còn có các bến chuyên dùng cho sản phẩm dầu hỏa, hoá chất nằm tiếp nối về phía hạ lưu, phục vụ các cơ sở công nghiệp phân bón, hoá chất. Năng lực thông qua đến năm 2020 là 40 đến 50 triệu tấn/năm, năm 2030 đạt khoảng 45 đến 50 triệu tấn/năm.

Hiện các bến cảng đang Khu vực Đình Vũ đang được triển khai xây dựng theo quy hoạch với 8 bến đang khai thác, 2 bến đang thi công theo quy hoạch. Phần lớn các bến khu Đình Vũ tiếp nhận tàu 20.000DWT đầy tải và đến 55.000DWT giảm tải.

Đối với khu vực sông Cấm là khu bến cảng tổng hợp có bến chuyên dụng; không phát triển mở rộng, từng bước di dời, chuyển đổi công năng bến cảng Hoàng Diệu; Hiện tại bến cảng Hoàng Diệu khả năng tiếp nhận tàu đến trên 40.000DWT giảm tải. Các bến cảng khu sông Cấm chỉ đầu tư chiều sâu và lợi dụng thủy triều để duy trì khai thác có hiệu quả; hiện tại có 36 bến đang khai thác.


Hạ tầng Cảng biển Hải Phòng hướng tới quy mô hiện đại.

Có thể thấy rằng, Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển trên địa bàn Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã tạo cơ hội tích hợp các yếu tố liên quan, góp thêm sức mạnh giữa các cảng trong khu vực, tăng tính cạnh tranh. Việc phát triển mạng lưới giao thông sắt, bộ, thuỷ nội địa khu vực Đình Vũ - Cát Hải với các tỉnh thành trong cả nước được quan tâm, bảo đảm yêu cầu rút và tập kết hàng hiệu quả, phục vụ cảng cửa ngõ và khu vực cảng biển Hải Phòng nói chung. Mạng lưới giao thông trên bán đảo Đình Vũ đâng được gắn kết với hệ thống giao thông quốc gia qua đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Tuyến đường bộ qua đường và cầu Tân Vũ - Đình Vũ - Cát Hải đang được triển khai xây dựng, làm đầu mối logistics cho bến công ten nơ Đình Vũ và phục vụ toàn bộ cảng biển Hải Phòng. Dự án đường ô tô cao tốc ven biển cũng đã được khởi động kết nối Hải Phòng với các tỉnh như Thái Bình, Nam Định… cầu Bạch Đằng kết nối Hải Phòng với Quảng Ninh cũng đang trong giai đoạn nước rút. 

Ông Nghiêm Quốc Vinh - Phó Giám đốc Cảng vụ Hải Phòng khẳng định: Việc xây dựng hạ tầng cảng biển Hải Phòng sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của Hải Phòng, sẽ tạo điều kiện cho cảng biển Việt Nam trở thành điểm trung chuyển hàng hóa ra vào miền Tây Trung Quốc, khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài chọn Việt Nam làm điểm đến mới, đưa nước ta tham gia thị trường vận tải biển quốc tế với giá cạnh tranh hơn hẳn các nước cùng khu vực. Bên cạnh đó, việc quy hoạch hệ thống cảng biển Hải Phòng có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm thành phố đang triển khai chiến lược phát triển kinh tế biển, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thành phố trong giai đoạn hội nhập quốc tế và khu vực. Đây là quy hoạch lớn mang tính phát triển bền vững, lâu dài, hài hòa, thân thiện với môi trường góp phần phát triển TP Hải Phòng và khu vực. Qua đó, tận dụng tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, phát triển một cách tổng thể, hợp lý cảng biển, phục vụ cho phát triển kinh tế.

Đại Vũ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load