Thứ ba 16/04/2024 16:18 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Nội: Thực hiện đồng bộ giải pháp phục hồi, phát triển ngay từ đầu năm 2022

16:43 | 01/12/2021

Cùng với phòng, chống dịch COVID-19, các ngành, các cấp phải tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp để duy trì sự ổn định kinh tế, đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển các ngành kinh tế ngay từ đầu năm 2022.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu ý kiến chỉ đạo nói trên trong kết luận tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội sáng 1/12.

ha noi thuc hien dong bo giai phap phuc hoi phat trien ngay tu dau nam 2022
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Gia Huy

Thu ngân sách 2021 ước đạt trên 241.000 tỷ, vượt 2,7% dự toán

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, năm 2021, trong bối cảnh chịu tác động từ dịch COVID-19, cân đối thu - chi ngân sách trên địa bàn Hà Nội vẫn được đảm bảo.

Dự kiến, tổng thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện trên 241.890 tỷ đồng, vượt 2,7% so với dự toán Trung ương giao; bảo đảm nhu cầu chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên và các nhiệm vụ chi phòng, chống dịch COVID-19, chi hỗ trợ người lao động và đối tượng sử dụng lao động, chi đảm bảo an sinh xã hội. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số CPI bình quân ước tăng khoảng 1,9-2,4% (thấp hơn mức tăng năm 2020 (2,67%).

Sản xuất công nghiệp phục hồi khá; chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 4,78% (năm 2020 tăng 4,7%). Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn với mức tăng trưởng 2,83-2,95%. Dự kiến hết năm 2021 sẽ có thêm 14 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, 15 xã nông thôn mới nâng cao.

Tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố cũng lưu ý một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới, cụ thể là: 7/23 chỉ tiêu, trong đó có 4 chỉ tiêu về kinh tế (tăng trưởng GRDP, GRDP bình quân đầu người, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, kim ngạch xuất khẩu và các chỉ tiêu về lao động qua đào tạo, tỉ lệ hộ dân nông thôn được cung cấp nước sạch và tỉ lệ cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải) không đạt kế hoạch.

Theo Bí Thành ủy Hà Nội, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố đến nay đạt thấp, không đạt mục tiêu đề ra. Công tác xác định, thu nghĩa vụ tài chính về đất đai còn chậm; thu đấu giá quyền sử dụng đất không đạt dự toán được giao. Tiến độ lập đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và lập Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 rất chậm. Vẫn còn nhiều dự án chậm tiến độ, chậm hoàn thành các thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng… gây lãng phí tài nguyên đất đai, nguồn lực; vẫn phát sinh nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến đất đai, vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất.

Công tác tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại một số quận/huyện đôi lúc còn bị động, cá biệt có nơi còn lơ là, chủ quan để phát sinh chùm ca bệnh mới trên một số địa bàn; công tác truyền thông, thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch của Thành phố có lúc còn chưa kịp thời, chưa định hướng được dư luận và chưa tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội.

Chủ động, ứng phó hiệu quả dịch COVID-19

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn có chiều hướng diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng nhanh, ghi nhận tại tất cả các quận, huyện, thị xã và xuất hiện một số ổ dịch cộng đồng bùng phát nhanh, không rõ nguồn lây.

Để ngăn chặn, kiểm soát kịp thời, hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, các chỉ đạo của Thành phố, chủ động sẵn sàng ứng phó nhanh, kịp thời, đáp ứng hiệu quả trước mọi diễn biến của dịch COVID-19.

Trong đó, một số giải pháp chủ yếu thực hiện thời gian tới về chống dịch là tiếp tục thực hiện cách ly F1 tại khu cách ly của Thành phố, tại khách sạn, cơ sở lưu trú. Thực hiện cách ly F1 tại nhà nếu đáp ứng các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Thành phố.

Củng cố, nâng cao năng lực khám chữa bệnh, năng lực y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, hệ thống oxy tại các trạm y tế xã/phường/thị trấn, trạm y tế lưu động… để điều trị các ca F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại cơ sở; tiến tới tổ chức điều trị cho các ca F0 thể nhẹ và không triệu chứng ngay tại nhà nếu đáp ứng các điều kiện và phù hợp với diễn biến, tình hình dịch bệnh. Đồng thời khẩn trương rà soát để tiếp tục mở rộng các cơ sở thu dung điều trị các ca F0 thể nhẹ và không triệu chứng, đảm bảo chủ động trong mọi tình huống của dịch bệnh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu xây dựng phương án cụ thể, chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện bảo đảm an toàn để sớm tổ chức cho học sinh THPT, THCS tại các quận/huyện/thị xã đi học trở lại. Thường xuyên tầm soát xét nghiệm y tế, đảm bảo thực sự an toàn cho các thầy cô giáo và các cháu học sinh khi quay trở lại trường học.

Thành ủy yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các quận/huyện/thị xã căn cứ tình hình thực tiễn dịch bệnh để quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho học sinh đi học trở lại trên địa bàn.

Đẩy nhanh tiến độ các công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá

Cùng với công tác phòng, chống dịch bệnh, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu phải tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp để duy trì sự ổn định kinh tế, bảo đảm cân đối NSNN; đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển các ngành kinh tế, nhất là dịch vụ thương mại, du lịch, phục hồi các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, kênh phân phối; quyết liệt giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư ngay từ đầu năm.

Quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, chú trọng đến các công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao; trong đó cần khẩn trương rà soát, tổng hợp và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của Thành phố một cách thực chất các dự án bất động sản đã giao từ trước khi sáp nhập vào Hà Nội để từng bước khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Về kế hoạch năm 2021, ông Đinh Tiến Dũng đề nghị các cấp. các ngành khẩn trương rà soát, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỉ lệ giải ngân đầu tư công đảm bảo đạt mức bình quân chung của cả nước; kiên quyết cắt giảm vốn của các dự án không giải ngân được để bổ sung nguồn vốn chi trả nợ, thu hồi vốn ứng trước… nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Về dự toán thu NSNN năm 2022, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh để đảm bảo hoàn thành dự toán thu NSNN, tạo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ chung của Thành phố thì phải có những giải pháp quyết liệt trong việc thu hồi nợ đọng thuế, tăng cường các nguồn thu từ đất, từ tài sản công, từ các dự án chậm triển khai cần phải thu hồi để tổ chức đấu thầu, đấu giá thu vào NSNN, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, tăng cường kiểm tra, thanh tra tài chính, chống thất thu ngân sách; bên cạnh đó là các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nhằm nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu bền vững.

Theo Gia Huy/baochinhphu.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load