Thứ năm 25/04/2024 18:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Nội: Tập trung phòng chống dịch, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng

13:08 | 28/11/2021

(Xây dựng) – Nhiệm vụ chính trị ưu tiên của Hà Nội trong năm 2021 và 2022 là giải ngân vốn đầu tư công. Bởi, Hà Nội là địa phương có nguồn vốn đầu tư công lớn, nếu giải ngân kịp tiến độ sẽ tạo nên việc làm cho lao động, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thời kỳ “bình thường mới”. Từ tháng 6 cho đến nay, UBND thành phố Hà Nội liên tục ra nhiều văn bản và có những chỉ đạo quyết liệt trong việc tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng.

ha noi tap trung phong chong dich day manh giai ngan von dau tu cong dac biet trong linh vuc xay dung
Cần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng.

Hà Nội tập trung giải ngân vốn đầu tư công

UBND thành phố Hà Nội cũng đã kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Đầu tháng 7/2021, UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 2302/UBND-KH&ĐT về tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và năm 2020 kéo dài.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. UBND thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã; chủ đầu tư các dự án cấp thành phố nghiêm túc thực hiện Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 19/5/2021 của UBND thành phố về khắc phục tồn tại, hạn chế trong thực hiện, giải ngân vốn đầu tư phát triển của thành phố được chỉ ra sau hội nghị kiểm điểm năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và thúc đẩy kế hoạch đầu tư phát triển năm 2021.

Để gỡ vướng giải ngân vốn đầu tư công, UBND thành phố Hà Nội giao các Sở chuyên ngành như: Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông có liên quan tạo mọi điều kiện hỗ trợ thủ tục cho các đơn vị đảm bảo tiến độ triển khai dự án.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: Đến ngày 30/9, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 toàn thành phố đạt 30,04% kế hoạch giao đầu năm, đạt 33,3% kế hoạch thành phố giao sau điều chỉnh và chỉ bằng 36,8% kế hoạch Thủ tướng giao; đây là mức giải ngân thấp, không đạt yêu cầu của Chính phủ, Thành ủy, HĐND Thành phố và UBND Thành phố.

Do đó, Chủ tịch thành phố Hà Nội đã chủ trì nhiều cuộc họp trực tuyến với các Sở, ngành, Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng nhằm đôn đốc, phân tích rõ nguyên nhân, tháo gỡ khó khăn, đề xuất giải pháp cụ thể cho từng nhóm vướng mắc để từ nay cuối năm hoàn thành cao nhất chỉ tiêu giải ngân năm 2021.

Để thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công các tháng cuối năm và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021, Hà Nội đã đôn đốc các cấp, Sở, ngành thực hiện một số nội dung.

Thứ nhất, các cấp Sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã, chủ đầu tư phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công. Đặc biệt, các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp cần đề xuất và thực hiện các giải pháp hiệu quả nhất để tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 và kế hoạch vốn năm 2020 kéo dài của đơn vị cho từng nhiệm vụ, dự án; tập trung thực hiện giải ngân để đạt được kế hoạch như đã cam kết với UBND thành phố.

Thứ hai, Thành phố sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt của thành phố và các quận, huyện, thị xã do Chủ tịch UBND các cấp đứng đầu để lãnh đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công; lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án, nhất là dự án trọng điểm, dự án có vốn lớn; phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án; tổ chức giao ban định kỳ với các cơ quan, đơn vị liên quan để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân.

Về thực hiện điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021 (đợt 2), Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các chủ đầu tư rà soát, đánh giá kỹ, dự kiến khả năng thực hiện, giải ngân kế hoạch năm 2021 của từng dự án trên tinh thần nỗ lực triển khai dự án ở mức cao nhất. Trên cơ sở đó, các đơn vị tiếp tục đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2021 đợt 2.

Cụ thể như sau: Một, đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đối với các dự án không có khả năng giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2021; nêu rõ lý do đề xuất của từng dự án.

Hai, về điều chỉnh tăng kế hoạch vốn, đối với dự án thuộc nhiệm vụ chi cấp thành phố, đề xuất điều chỉnh tăng kế hoạch vốn đối với các dự án có khả năng giải ngân tốt, các dự án có nhu cầu bổ sung vốn để hoàn thành trong năm 2021, các dự án mới có đủ thủ tục và bảo đảm điều kiện đấu thầu, thực hiện và giải ngân hết kế hoạch vốn được giao bổ sung.

Ba, đối với dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp huyện, số vốn ngân sách thành phố điều chỉnh, điều hòa giữa các dự án thuộc nhiệm vụ chi cấp thành phố, nếu còn sẽ xem xét ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ thực hiện dự án về xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; xây dựng, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa lịch sử…

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản

Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội, đến hết tháng 9/2021, thành phố mới giải ngân được hơn 15.063 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đạt 32,6% kế hoạch thành phố giao sau điều chỉnh và đạt 36% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, chi đầu tư xây dựng cơ bản cấp thành phố đạt 28,8% và chi đầu tư cấp huyện đạt 35,3% kế hoạch thành phố giao sau điều chỉnh.

Kết quả giải ngân theo các đầu mối ngân sách cấp thành phố, các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình (văn hóa - xã hội, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn) tuy cao hơn mức giải ngân chung của toàn thành phố, nhưng chưa đạt được mức giải ngân 60% như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đáng lưu ý, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường có tỷ lệ giải ngân thấp hơn so với mức giải ngân chung của toàn thành phố. Bên cạnh đó, nhiều quận, huyện như: Nam Từ Liêm, Đông Anh, Hoàng Mai... thực hiện nhiệm vụ chi cấp thành phố và cả nguồn ngân sách cấp huyện rất thấp. Trước tình hình này, UBND thành phố đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, quận, huyện, thị xã phải coi giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng từ nay đến cuối năm; phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt hơn 95% kế hoạch năm 2021.

Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch vốn đầu tư công được giao, các bộ, ban, ngành đã ra nhiều văn bản, chỉ đạo quyết liệt để các đơn vị trực thuộc khẩn trương thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ. Trong lĩnh vực đầu tư công xây dựng cơ bản, Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố Nguyễn Thị Thanh Hương yêu cầu: Các đơn vị đẩy mạnh giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến; tuân thủ thời gian giải quyết hồ sơ, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, góp phần nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước (NSNN) và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

Cụ thể, các đơn vị kiểm soát chi vốn đầu tư xây dựng cơ bản qua Kho bạc Nhà nước thuận lợi, thanh toán kịp thời cho các nhà thầu để đảm bảo vốn thi công công trình bằng một số giải pháp như:

Một, rút ngắn thời gian kiểm soát chi, thanh toán trước thời gian quy định, không có hồ sơ tồn đọng.

Hai, thực hiện thanh toán 100% các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản của chủ đầu tư, ban quản lý dự án qua dịch vụ công trực tuyến, thanh toán cho nhà thầu nhanh chóng, kịp thời.

Ba, sau khi Hà Nội kiểm soát được dịch, thành phố thực hiện việc phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án khôi phục tổ chức thi công, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Bốn, với những dự án đã có khối lượng, chủ đầu tư phối hợp với nhà thầu nghiệm thu khối lượng đã hoàn thành, hoàn thiện hồ sơ trong thời gian quy định để gửi Kho bạc Nhà nước làm thủ tục nhanh chóng…

Có thể thấy, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội cùng các đơn vị đã có nhiều cố gắng đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Tuy nhiên, ở một số đơn vị, công tác triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, chưa hiệu quả, chưa quyết liệt, người đứng đầu ở một số đơn vị chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra, trách nhiệm trong phối hợp xử lý công việc và tổ chức thực hiện còn chưa chặt chẽ, còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Trong những tháng cuối năm, Hà Nội với quyết tâm thực hiện đúng theo kế hoạch, quyết liệt giải ngân đầu tư công lĩnh vực xây dựng cơ bản, góp phần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công của thành phố. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ “bình thường mới”, cải thiện môi trường đầu tư…

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 11/10/2021, toàn thành phố giải ngân được 15.779,698 tỷ đồng, đạt 34,1% kế hoạch thành phố giao sau điều chỉnh và đạt 37,8% kế hoạch Thủ tướng giao. Trong đó, chi đầu tư xây dựng cơ bản cấp thành phố là 5.682,368 tỷ đồng, đạt 29,4% kế hoạch thành phố giao sau điều chỉnh; chi đầu tư phát triển khác (giải ngân qua Quỹ Đầu tư phát triển và Sở Tài chính) là 1.050 tỷ đồng, đạt 70,9% kế hoạch thành phố giao sau điều chỉnh; chi đầu tư cấp huyện 9.510,829 tỷ đồng, đạt 37,5% kế hoạch thành phố giao sau điều chỉnh.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến giải ngân đầu tư công trong năm 2021 chưa đạt yêu cầu đề ra, ông Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cho biết: Thành phố nghiêm túc đánh giá một số nguyên nhân chủ quan chính ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án là do: Quá trình chuẩn bị đầu tư dự án, quá trình chuẩn bị thực hiện dự án còn chậm; trong quá trình thực hiện, một số dự án phải thực hiện điều chỉnh. Trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ trên trước hết là do các chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát. Ngoài ra, các rào cản, cơ chế, chính sách... cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Ánh Dương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load