Thứ sáu 17/01/2025 20:55 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Hà Nội: Tập trung hoàn thiện chính sách nhà ở xã hội

17:02 | 22/08/2012

Ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội vừa cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Xây dựng từ nay đến cuối năm đó là hoàn thành Chương trình Phát triển nhà TP đến 2020, tầm nhìn 2030, trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện phát triển nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp(TNT). Đặc biệt là việc hoàn thiện cơ chế chính sách về đầu tư và quản lý nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố nhằm đẩy mạnh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội với quy mô, giá thành phù hợp.


Nhu cầu nhà ở xã tại Hà Nội còn rất lớn

Đến nay, TP Hà Nội đã thực hiện 11 dự án nhà ở thu nhập thấp và chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng thêm 3 dự án với tổng số 15.412 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 54.300 người. Có 2 dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, đó là dự án CT1 Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông) do Vinaconex Xuân Mai làm chủ đầu tư với 328 căn hộ và dự án tại khu đô thị Đặng Xá 1 (huyện Gia Lâm) do Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư với 1.000 căn hộ. Đến quý 1/2013, sẽ có thêm 1.504 căn hộ thu nhập thấp được hoàn thành, trong đó 840 căn tại khu đô thị Sài Đồng, Long Biên và 864 căn tại khu đô thị Kiến Hưng, Hà Đông. Trong tháng 7 vừa qua, Tổng công ty Viglacera cũng đã tiếp tục khởi công 1.500 căn hộ dự án nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu đô thị Đặng Xá 2…

Khi thị trường BĐS khó khăn, nhằm tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp và người mua nhà, tháng 6 vừa qua, TP đã sửa đổi quy định việc bán, cho thuê, thuê mua nhà TNT, mở rộng đối tượng được hưởng chính sách đến cả cán bộ hưởng lương ngân sách tại các huyện. Sở Xây dựng cũng hoàn thiện, công bố thiết kế cơ sở mẫu nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp để các doanh nghiệp nghiên cứu áp dụng cho phù hợp, góp phần giảm chi phí đầu tư và quản lý được giá nhà ở…

Tuy nhiên  thực tế hiện nay việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp trên địa bàn thành phố Hà Nội đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không “mặn mà” với loại hình nhà ở này, nhất là trong thời điểm thị trường bất động sản “đóng băng” như hiện nay.Theo mục tiêu của TP, trong giai đoạn 2011-2015 phát triển 28.750 căn hộ, tương đương 1,6 triệu m2 nhà ở cho CNLĐ, nhưng đến nay các nhà đầu tư mới đăng ký 536.306m2, chỉ đạt trên 30%. Trong khi đó nhu cầu nhà ở cho CNLĐ, người TNT trên địa bàn còn rất lớn

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, khó khăn, vướng mắc đầu tiên là nguồn vốn. Năm 2012, các dự án nhà thu nhập thấp đề xuất vốn vay ưu đãi khoảng 868 tỷ đồng, nhưng đến nay chỉ có duy nhất 1 dự án tại khu đô thị Đặng Xá được vay của Ngân hàng Đầu tư-Phát triển, tiến độ giải ngân cũng rất chậm. Để triển khai dự án, các nhà đầu tư phải vay vốn thương mại, việc tiếp cận nguồn vốn thương mại cũng khó khăn bởi phải có tài sản thế chấp, trong khi đó đất xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp được miễn tiền đất nên đất này không được coi là tài sản thế chấp…

Mặc dù một số ngân hàng vừa đưa ra gói tín dụng hỗ trợ cho dự án nhà ở xã hội, nhưng không phải dễ dàng doanh nghiệp có thể vay được, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi mà “sức’ của các doanh nghiệp đã “mệt”, trong khi ngân hàng lại xét các doanh nghiệp mạnh.

Không chỉ có chủ đầu tư dự án, đối tượng mua nhà cũng khó tiếp cận nguồn vốn vì chưa có cơ chế, chính sách cụ thể trong việc vay vốn để mua nhà. Trong khi đó, các dự án xây dựng nhà ở thu nhập thấp đều chưa được áp dụng thuế VAT bằng 0 nên giá thành của nhà thu nhập thấp vẫn còn cao, giảm rất ít so với nhà ở thương mại hiện nay.

Giải pháp trước mắt được đưa ra đó là TPđịa phương và các cơ quan chủ quản tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà xã hội, đề xuất với các tổ chức tín dụng tạo điều kiện tối đa cho các DN thực hiện dự án vay ưu đãi. Các bên cùng phối hợp rà soát lại từng dự án để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiếp tục triển khai…Sở Xây dựng cũng kiến nghị TP cần bố trí một nguồn kinh phí để xây dựng quỹ nhà thuê và hỗ trợ lãi xuất cho các nhà đầu tư khi tham gia xây dựng quỹ nhà này, có cơ chế ưu đãi về tài chính phát huy nguồn lực từ đất để phát triển quỹ nhà xã hội.

Hiện Bộ Xây dựng đã hoàn tất, trình dự thảo Nghị định về phát triển nhà ở xã hội, quy định mới sẽ làm rõ cơ chế chính sách về đầu tư và quản lý nhà xã hội, tạo nhiều ưu đãi cho các DN tham gia xây dựng nhà  cũng như đối tượng được hưởng ../.

Khánh Ngọc

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load