(Xây dựng) – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải vừa ký ban hành Công văn số 3996/UBND-KTTH về việc tăng cường công tác quản lý tài sản công tại các tổ chức Hội.
Tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản công của các tổ chức hội hoạt động theo quy định của pháp luật. |
Theo đó, để tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản công của các tổ chức hội hoạt động theo quy định của pháp luật về hội nhằm nâng cao trách nhiệm của Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đơn vị, UBND quận, huyện, thị xã, Ban lãnh đạo của các tổ chức hội trong công tác quản lý tài sản công giao cho các hội quản lý, sử dụng, góp phần quản lý chặt chẽ, có hiệu quả tài sản công, UBND Thành phố yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Về công tác quản lý tài sản công giao cho các tổ chức hội trực thuộc Thành phố, UBND quận, huyện, thị xã rà soát lại việc giao, quản lý, sử dụng và bố trí tài sản công tại các hội thuộc phạm vi quản lý đảm bảo đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Trường hợp, phát hiện chưa đúng quy định thì báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp UBND quận, huyện, thị xã thường xuyên rà soát việc quản lý, sử dụng đất của các tổ chức hội để đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024.
Tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội tự đảm bảo tài sản để phục vụ hoạt động. Nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ được giao. Đối với tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp tại tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội được Nhà nước giao hoặc được hình thành từ ngân sách nhà nước là tài sản công. Việc quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công thực hiện theo quy định về chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan nhà nước; bảo vệ tài sản công theo quy định của pháp luật và thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công bằng kinh phí của tổ chức.
Ban lãnh đạo của các tổ chức hội trực thuộc Thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo các tổ chức hội thuộc phạm vi quản lý thực hiện các nội dung: Đối với việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất giao cho các tổ chức hội là tài sản công: Trường hợp, các cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi sắp xếp theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ (kể cả các cơ sở nhà, đất trước đây không thuộc phạm vi sắp xếp, nay thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý theo quy định của Chính phủ) thì thực hiện rà soát, lập báo cáo kê khai, đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo đúng quy trình quy định.
Trường hợp, các cơ sở nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì rà soát phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, chức năng, nhiệm vụ, nhu cầu sử dụng làm trụ sở làm việc, biên chế được cấp có thẩm quyền phê duyệt và việc bố trí sử dụng nhà, đất hiện nay (trong đó, có việc cho thuê văn phòng) theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan đảm bảo việc quản lý, sử dụng đúng mục đích, công năng sử dụng, tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí. Trường hợp, sau khi rà soát mà không còn nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích thì căn cứ hình thức xử lý nhà, đất quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ để đề xuất thay đổi phương án theo quy định của pháp luật.
Rà soát việc sử dụng tài sản công tại các tổ chức hội vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết đảm bảo đúng quy định pháp luật. Thực hiện nộp toàn bộ số tiền thu được từ việc cho thuê, kinh doanh, liên doanh, liên kết vào ngân sách nhà nước trong trường hợp sử dụng không đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Khẩn trương chấm dứt tình trạng sử dụng nhà, đất chưa đúng quy định (cho thuê, cho mượn, bố trí nhà ở, đất ở, sử dụng sai mục đích...) để đảm bảo việc sử dụng hiệu quả, tránh để thất thoát, lãng phí nhà, đất.
Thực hiện cập nhật kịp thời, đầy đủ dữ liệu về nhà, đất của các hội là tài sản công vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về tài sản công. Thực hiện chế độ báo cáo công khai tài sản công của các hội theo quy định của pháp luật.
Kịp thời ban hành quy chế Quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định; Trong đó, quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của từng bộ phận, cá nhân có liên quan đến việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; trách nhiệm bàn giao tài sản công khi thay đổi tổ chức bộ máy, thay đổi người đứng đầu; xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm Quy chế; các nội dung khác có liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công các hội.
Giao Thanh tra Thành phố, Sở Tài chính, UBND quận, huyện thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công của các tổ chức hoạt động theo quy định của pháp luật về hội; thanh tra việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công của các hội thuộc phạm vi quản lý của Thành phố. Các tổ chức hội có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công tại các hội thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp, gây thiệt hại cho Nhà nước thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Triển khai quyết liệt Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019, Nghị định số 102/2021/NĐ-CP ngày 16/11/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công. Xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật liên quan đối với hội thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công; tham mưu cấp có thẩm quyền thu hồi nhà, đất trong trường hợp sử dụng không đúng quy định theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai, pháp luật khác có liên quan.
Các Sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc Thành phố, trong phạm vi nhiệm vụ, có trách nhiệm tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các tổ chức hội thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình.
Đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể quần chúng thực hiện giám sát việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công giao cho tổ chức hội thuộc phạm vi quản lý của Thành phố quản lý, sử dụng.
Lê Đức
Theo