Thứ sáu 26/04/2024 05:38 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Nội: Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh

16:24 | 22/08/2020

(Xây dựng) - Sáng 22/8, ông Ngô Văn Quý Phó Chủ tịch UBND thành phố - Trưởng Ban Chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 Thành phố Hà Nội chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số cục, vụ, viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ y tế, cũng như lãnh đạo các bệnh viện và cơ sở y tế ngoài công lập trên địa bàn nhằm thảo luận các giải pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh.

ha noi tang cuong cac bien phap phong chong dich covid 19 tai cac co so kham chua benh
Toàn cảnh cuộc họp.

Báo cáo tại buổi làm việc, bà Trần Thị Nhị Hà - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngay từ giai đoạn đầu tiên khi dịch bệnh xảy ra, Ban chỉ đạo thành phố đã xác định Hà Nội là địa bàn rất khó khăn và phức tạp trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Hà Nội hiện có 111 bệnh viện, trong đó có 41 bệnh viện công lập, 39 bệnh viện ngoài công lập, 31 bệnh viện Trung ương, bộ, ngành đóng trên địa bàn và 3.587 phòng khám tư nhân với đầy đủ các hình thức tổ chức hành nghề từ đa khoa đến chuyên khoa. Trong cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19, bệnh viện là nơi khám, sàng lọc, phát hiện sớm, điều trị các ca bệnh, giúp ngăn chặn, khống chế dịch bệnh. Bệnh viện cũng là nơi nguy cơ lây nhiễm và phát tán dịch bệnh. Bên cạnh đó, bệnh viện không chỉ đối phó với dịch bệnh Covid-19 mà còn đối mặt với các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khác đang tiềm ẩn trong cộng đồng như cúm, sởi, ho gà, bạch hầu.

Trong giai đoạn từ ngày 25/7 đến nay, Hà Nội ghi nhận 36 ca mắc mới, trong đó có 11 ca mắc ngoài cộng đồng và hầu hết số ca mắc này đều phát hiện từ các bệnh viện trên địa bàn. Chính vì vậy, bệnh viện cần được quan tâm hàng đầu trong việc đối phó với dịch bệnh Covid-19. Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố đã thực hiện theo đúng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh tại các bệnh viện của Đà Nẵng và một số tỉnh. Các hoạt động được triển khai thực hiện cụ thể như: Sở Y tế đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố các công điện, công văn chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Cô viết Mười chín, triển khai đến các đơn vị trong ngành thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế, UBND thành phố cũng như các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Chỉ đạo, tổ chức tập huấn về công tác điều trị, phân luồng, phân tuyến, cách ly, điều trị, lấy mẫu xét nghiệm cho các đơn vị chỉ đạo mở rộng công tác xét nghiệm, sàng lọc đến các đơn vị trực thuộc trong ngành tham gia các đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đối với các bệnh viện trên địa bàn; thành lập 4 đoàn kiểm tra để kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các bệnh viện trực thuộc về công tác kiểm tra, giám sát.

Kết quả công tác kiểm tra của các bệnh viện, tính đến thời điểm hiện nay đã kiểm tra độ 46/80 bệnh viện trực thuộc, trong đó có 30/41 bệnh viện công lập, 16/39 bệnh viện tư nhân. Kết quả: Có 36/46 bệnh viện an toàn, 7/46 bệnh viện an toàn ở mức thấp. Bệnh viện Vinmec đạt là bệnh viện an toàn với mức điểm cao nhất, tổng số điểm là 92,66 %. Bệnh viện Ung bướu Hà Nội đạt bệnh viện an toàn ở mức điểm cao thứ hai, đạt tổng điểm là 87,3 %.

Ngoài ra thì đoàn kiểm tra cũng phát hiện 3/46 bệnh viện không an toàn, chủ yếu là các nhóm bệnh viện chuyên khoa mắt ngoài công lập. Cả ba bệnh viện này đều không đảm bảo an toàn trong sàng lọc, phân luồng, cách ly. Ngay sau khi kiểm tra, Sở Y tế đã yêu cầu các bệnh viện dừng hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để khắc phục và báo cáo Sở Y tế. Sở Y tế cũng cảnh báo, nhắc nhở các bệnh viện an toàn ở mức thấp và đề nghị xây dựng kế hoạch khắc phục những vấn đề tồn tại và tổ chức rút kinh nghiệm về công tác phân luồng, sàng lọc, cách ly. Qua một số ca bệnh cụ thể, Sở cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị trực tuyến để mà rút kinh nghiệm về công tác phân luồng, cách ly, bàn giao ban khối bệnh viện 1 tuần 1 lần.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, nhìn chung các bệnh viện đã bám sát các nội dung chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, Bộ Y tế, thành phố và Sở Y tế để thực hiện, áp dụng các biện pháp Bệnh viện an toàn phù hợp với từng bệnh viện. Tuy nhiên, còn một số tồn tại cần khắc phục và rút kinh nghiệm ngay: Kế hoạch của các đơn vị chưa chi tiết và chưa phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên ban chỉ đạo; Kiểm soát người ra vào bệnh viện chưa triệt để; Chưa bố trí chốt phân luồng ngay tại cổng bệnh viện; Thực hiện các biện pháp phòng ngừa chung như đeo khẩu trang chưa đầy đủ đối với người bệnh và người nhà người bệnh; Chưa thực hiện giãn cách đầy đủ tại các khu vực đông người và buồng bệnh.

Tại buổi họp, đại diện nhiều bệnh viện trên địa bàn bày tỏ tin tưởng vào năng lực phòng chống dịch của Thủ đô Hà Nội, đặc biệt đánh giá rất cao hiệu quả trong công tác xét nghiệm, phát hiện cách ly sớm người bệnh, khoanh vùng xử lý điểm dịch của thành phố.

TS.BS Nguyễn Thế Anh - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô cho biết, ngay từ đầu năm khi có dịch Covid-19 xảy ra, bệnh viện luôn bám sát chỉ đạo của Bộ Y tế và Hà Nội một cách đầy đủ, từ đó tiến hành triển khai sàng lọc, giãn cách bệnh viện theo đúng quy định. Đặc thù của bệnh viện không có hiện tượng nằm ghép giường nên bệnh nhân đến nằm điều trị rộng rãi luôn giữ được an toàn khoảng cách. Bên cạnh đó, ngay từ cổng vào viện có chốt sàng lọc các yếu tố nguy cơ và chuẩn bị phòng khám cách ly, khu cách ly tại một tòa nhà riêng biệt. Thời gian qua, bệnh viện có một số trường hợp nghi ngờ đã được đưa vào phòng khám cách ly ngay, đồng thời các nhân viên tiếp xúc các đối tượng này cũng được cách ly.

Theo TS. BS Phan Hướng Dương – Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh viện có nhiều bệnh nhân với bệnh lý nền, chạy thận nhân tạo, người cao tuổi… Vì vậy, khi có dịch xảy ra sẽ rất nghiêm trọng. Theo đó, bệnh viện luôn quan tâm đến an toàn dịch bệnh, từ người lao động đế nhân viên y tế ở tất cả các khâu, nhất là vấn đề sàng lọc do nhiều người không khai báo hết lịch trình nên không thể chỉ dựa vào triệu chứng ho, sốt... Bởi vậy, những bệnh nhân có nguy cơ viện sẽ tiến hành chụp Xquang ngay tại chỗ để kiểm tra, điều trị kịp thời, nếu để lọt vào Khu điều trị nội trú sẽ khoanh vùng, dập dịch không kịp.

Đồng tình với quan điểm trên, GS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho rằng, nếu các bệnh viện chủ quan trong phòng chống dịch thì sẽ rất vất vả trong việc dập dịch. Vì vậy, nếu sàng lọc kỹ các bệnh nhân ngay từ khi vào khám bệnh thì số người phải xét nghiệm sẽ giảm đi rất nhiều. “Một bệnh nhân trong 8-9 ngày đi khắp các khoa trong viện, sao xét nghiệm SASR-CoV-2 lại không biết? Vì vậy, tôi rất khắt khe ở khu sàng lọc, nên rất nhiều người khó chịu. Chống dịch như chống giặc mà để giặc vào nhà thì chết dở, nên phải nghiêm túc”, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhấn mạnh.

Đối với tuyến bệnh viện thành phố, lãnh đạo Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, để đảm bảo công tác phòng chống dịch và tiêu chí bệnh viện an toàn, thời gian qua, bệnh viện đã thực hiện sàng lọc, phân luồng, phân tuyến bệnh nhân và có khu cách ly, điều trị riêng biệt đối với bệnh nhân có triệu chứng, nghi ngờ mắc Covid-19… Đồng thời cũng tổ chức tập huấn, thông tin báo cáo theo hướng dẫn của Bộ và Sở Y tế.

Cũng tại buổi làm việc, các bệnh viện cũng nêu một số đề xuất, kiến nghị. Theo lãnh đạo Bệnh viện Thanh Nhàn, là một trong những đơn vị triển khai xét nghiệm, nếu với bệnh viện chuyên khoa việc sàng lọc, xét nghiệm sẽ đơn giản hơn nhưng với bệnh viện đa khoa có nhiều bệnh nhân với nhiều triệu chứng lâm sàng nên chỉ sàng lọc được qua xét nghiệm, với trường hợp không có dịch tễ hay là đối tượng F1, F2 thì những trường hợp khác làm xét nghiệm và thanh toán sẽ đặt ra như thế nào? Và có cơ chế nào đối với bệnh nhân chưa đủ điều kiện thanh toán bảo hiểm?

Còn theo ông Lê Hữu Song - Phó Giám đốc viện 108, với việc dịch bệnh diễn ra từ Tết đến nay, có hơn 1.000 ca mắc, các đơn vị liên quan cần tiến hành sơ kết lại xem tỷ lệ lây nhiễm từ F0 sang F1 và từ F1 sang F2 như thế nào. Từ đó có văn bản hướng dẫn cụ thể, nếu không đây sẽ là gánh nặng rất lớn cho ngành y tế. Bởi việc cách ly, xét nghiệm cho mỗi ca hiện nay theo quy định bảo hiểm chỉ chi trả 700 nghìn đồng, nhưng thực tế lên đến 2 triệu đồng.

Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện cũng bày tỏ mong muốn Chính quyền Hà Nội phối hợp trong việc kiểm soát nguồn lẫy nhiễm đối với những người kinh doanh hàng quán, dịch vụ, cò mồi… xung quanh bệnh viện. Đề nghị Bộ Y tế tiếp tục tăng cường hỗ trợ CDC Hà Nội xét nghiệm tại những cơ sở chưa đủ khả năng xét nghiệm.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho biết: Hà Nội luôn xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Bệnh viện là nơi phát hiện sớm, điều trị và giúp ngăn chặn các ca bệnh không lây lan. Song, Bệnh viện cũng chính là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao nếu dịch bệnh phát tán trong nơi này, thậm chí là dễ lây lan trong cộng đồng.

Cũng theo ông Quý, đối với các bệnh viện công lập thuộc Sở Y tế quản lý, trong tuần cần kiểm tra xong 100%, có thông báo xếp loại, có đánh giá, xếp loại. Đối với các cơ sở khám bệnh tư nhân khác, đề nghị các quận huyện tổ chức kiểm tra dưới sự hướng dẫn của Sở Y tế. Trường hợp nào không đảm bảo tiêu chí cần làm cương quyết và cho dừng hoạt động.

“Về những kiến nghị của các bệnh viện, đại diện các đơn vị trong việc khắc phục những tồn tại về an ninh trật tự, các cơ sở dịch vụ hàng quán tại khu vực bệnh viện hiện nay đang nhếch nhác, có nguy cơ ảnh hưởng lây nhiễm đến bệnh viện thì thành phố sẽ tiếp thu.

Trong buổi giao ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 gần nhất sẽ chỉ đạo tất cả các quận, huyện, thị xã trên địa bàn kiểm tra, xử lý. Do đó, thành phố cũng đề nghị bệnh viện phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt nội dung này”, ông Quý cho hay.

Đối với các kiến nghị của bệnh viện về cơ chế giá còn thấp, mua sắm vật tư y tế, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho rằng điều này sẽ gây khó khăn trong các bệnh viện và sẽ có báo cáo với Ban chỉ đạo Trung ương.

Khánh Diệp

Theo

Cùng chuyên mục
  • Quảng Ninh: Người dân 2 xã biển đảo Quan Lạn và Minh Châu mong mỏi được dùng nước sạch

    (Xây dựng) – Mặc dù dự án cấp nước sạch cho đảo Quan Lạn, Minh Châu (huyện Vân Đồn) triển khai đã nhiều năm, đến nay hàng trăm hộ dân ở 2 xã biển đảo này vẫn chưa có nước sạch sử dụng.

  • Hà Nội: Đảm bảo cung cấp nước sạch mùa hè cho người dân

    (Xây dựng) – UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc bảo đảm cung cấp nước sạch mùa hè năm 2024 cho người dân trên địa bàn Thành phố.

  • Vùng đất “gian lao mà anh dũng”

    (Xây dựng) - Những ngày tháng 4 lịch sử, trở lại BR-VT, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay và nhịp sống căng tràn của vùng đất ven biển trù phú này.

  • Đắk Lắk: Mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông và kinh tế xanh

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Đắk Lắk vừa công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, với tầm nhìn đến năm 2050, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời tăng cường hạ tầng giao thông. Điều này được thể hiện qua sự ưu tiên đặc biệt cho việc phát triển cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên.

  • Hà Nội: Phát triển đô thị xanh, bền vững

    (Xây dựng) - Chương trình 03-CTr/TU về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025 của Thành ủy Hà Nội thực hiện đến nay đã cơ bản hoàn thành 4/19 chỉ tiêu. 11/19 chỉ tiêu đang hoàn thiện và có khả năng hoàn thành vào năm 2025; đối với 4/19 chỉ tiêu còn vướng mắc cũng được các sở, ngành tập trung rà soát, tháo gỡ, đôn đốc thường xuyên vì mục tiêu phát triển đô thị Hà Nội theo hướng xanh, thông minh, bền vững.

  • Lợi ích cho đoàn viên, người lao động

    (Xây dựng) - Bên cạnh việc bảo đảm quyền lợi người lao động, chăm lo đời sống vật chất, để đoàn viên công đoàn yên tâm lao động, sản xuất, Công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam đã có nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đặc biệt thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) về nâng cao lợi ích cho đoàn viên, với mong muốn đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng, Công đoàn Xây dựng Việt Nam (CĐXDVN) đã thỏa thuận hợp tác về cung cấp dịch vụ, sản phẩm với một số đơn vị để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load