Sau vụ cháy sáng 26/8, những người dân tại khu nhà gỗ Hàm Tử Quan đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng dù đã được thành phố bố trí ngay nơi tạm cư. Nó cũng dấy lên nỗi lo sợ của hàng nghìn người dân đang sinh sống tại 8 khu tập thể gỗ còn lại của Hà Nội.
Bắt đầu lại cuộc sống sau đám cháy
Khi chúng tôi có mặt tại nhà A2 Phú Thượng, quận Tây Hồ – nơi được TP. Hà Nội bố trí tạm cư cho 46 gia đình bị cháy hôm 26/8 thuê tạm cư, những gương mặt ấy vẫn chưa hết bàng hoàng. Họ đang lục đục dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị cho một cuộc sống mới, gần như không còn chút đồ đạc nào. Người phụ nữ trong căn phòng 308 thẫn thờ ngồi trên bệ bếp nhìn vô định trong căn phòng đã được lau rửa sạch sẽ nhưng trống không, chỉ có vài cái chậu nhỏ mới mua đặt chỏng trơ trong bếp. Chị cho biết, gia đình chị đã nhận được nhà cách đây hai ngày, nhưng hôm nay mới đến dọn dẹp để cuối tuần chuyển đến. Sau đám cháy, tất cả tài sản trong căn phòng gỗ 20m2 của nhà chị đã bị “bà hỏa” thiêu rụi. Giờ thì tất cả bắt đầu lại từ đầu, việc học hành của bọn trẻ từ từ rồi tính . Được cái ở đây nhà rộng rãi, gấp gần 2,5 lần nơi ở cũ của chúng tôi, lại thoáng mát, sạch sẽ, chị nói.
Cách đó vài phòng, anh Nguyễn Văn Đài đang lúi húi khiêng giúp người hàng xóm chiếc tủ lạnh. Anh cho biết, may mà được thành phố Hà Nội bố trí chỗ ở ngay, không thì không biết đi đâu. Cả ba người trong gia đình chúng tôi đã được chuyển đến đây ngay hôm xảy ra vụ cháy. Được sự giúp đỡ của người thân, trong căn phòng 43 m2 của anh đã có thêm ít đồ, một chiếc máy giặt, và chiếc Tivi (do Hội Chữ thập đỏ hỗ trợ). Anh và các hộ khác cũng được hỗ trợ hai đợt với tổng số tiền là 16 triệu đồng.
Giọng đầy lo lắng, anh Đài chia sẻ: Sau đợt cháy này không biết rồi như thế nào. Nhà ở đây thì thoáng mát, lại không phải sống trong lo sợ, nhưng chỉ là tạm cư, không biết tiền thuê nhà phải đóng bao nhiêu. Đến giờ nhiều người chúng tôi vẫn còn cảm thấy bị sốc và cũng chưa thể quen ngay được với cuộc sống mới.
Di dân ra khỏi 8 khu tập thể gỗ nguy hiểm ở Hà Nội
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm khẩn trương kiểm tra, đề xuất việc di dời và đề xuất bố trí sắp xếp quỹ nhà tái định cư cho các hộ dân tại 8 khu tập thể gỗ 2 tầng còn lại tại phường Chương Dương sau vụ cháy ngày 26/8.
Hiện 8 khu tập thể làm bằng gỗ phường Chương Dương đang ở trong tình trạng nguy hiểm như khu tập thể vừa bị cháy tại Hàm Tử Quan. Nhiều khu nhà gỗ tại quận Hoàn Kiếm cũng đã từng bị cháy rụi, như vụ cháy cuối năm 2005, ngọn lửa bùng lên tại khu nhà gỗ 14 Hàm Tử Quan đã thiêu rụi 40 căn nhà, hay vụ cháy tháng 8/2007, ngọn lửa bố lên ngùn ngụt đã bao vây 22 nhà tập thể Chương Dương (Hoàn Kiếm).
Theo anh Đài người dân cũng đã nhiều lần kiến nghị để được bố trí chỗ ở mới. Sau vụ cháy nhà gỗ trên phố Hàm Tử Quan, năm 2005, TP Hà Nội cũng đã đầu tư, cải tạo, nâng cấp 9 ngôi nhà còn lại. Gọi là nâng cấp, nhưng thực chất chỉ là ốp gỗ ở hành lang, ốp xốp chống nóng, gia cố lại nên chỉ sau vài năm mọi thứ đều xuống cấp. Anh Đài kể: Ở nhà gỗ thì lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, mùa mưa bão thì sợ sập nhà, mùa hanh khô thì sợ cháy, thấy mùi người ta đốt vàng mã cũng phải chạy ra ngó, lo có chuyện không may xảy ra. Người dân ở đây dù cũng có ý thức giữ gìn, nhưng họ vẫn phải đốt vàng mã, vẫn đun bếp than, nhà lại làm bằng toàn vật liệu dễ cháy, nên nguy cơ cháy nhà là rất cao.
Giống như các khu nhà gỗ từng bị thiêu rụi, 8 khu nhà gỗ trên địa bàn bàn phường Chương Dương đều đã xuống cấp nghiêm trọng, ọp ẹp và cũ nát. Nguy cơ sập nhà hay cháy nổ là điều khí tránh khỏi. Vì vậy hầu hết người dân sống tại những nơi đó đều sống trong thấp thỏm, lo âu. Họ đã chờ đợi mỏi mòn hàng chục năm nay để TP Hà Nội “rút kinh nghiệm” hết vụ cháy này đến vụ cháy khác nhưng vẫn chưa đến ngày được di dời, về nơi ở mới. Có thể, sau vụ cháy vừa qua, mong mỏi chính đáng của họ sẽ thành hiện thực.
Phạm Vũ
Theo baoxaydung.com.vn