(Xây dựng) – Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hoàng Hà – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) quận Đống Đa, Hà Nội về việc thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ dân trên địa bàn phường Láng Thượng để giải phóng mặt bằng (GPMB) cho Dự án đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.
Dự án đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài hiện vẫn còn 8 hộ dân chưa chịu di dời, nhận tiền đền bù. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Hoàng Hà – Giám đốc Ban QLDA ĐTXD quận Đống Đa cho biết: “Dự án đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài đang triển khai đúng theo tiến độ và kế hoạch mà UBND thành phố đã phê duyệt. Hiện nay, trong công tác GPMB, còn 8 hộ dân chưa đồng thuận, nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Đối với 8 hộ dân này, quận cũng đã ban hành quyết định phê duyệt hỗ trợ tái định cư để thu hồi đất. Ngày 21/10/2022, UBND quận Đống Đa đã ban hành Quyết định số 384/KH-UBND về kế hoạch tổ chức cưỡng chế thực hiện thu hồi đất đối với các hộ dân trên địa bàn phường Láng Thượng và đến ngày 1/11/2022, UBND quận Đống Đa sẽ tổ chức cưỡng chế 8 hộ dân còn lại nằm trong chỉ giới GPMB của Dự án đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài…”.
“Dự kiến chúng tôi sẽ tổ chức trong vòng 5 ngày và nếu việc thu hồi phần đất nằm trong chỉ giới GPMB của Dự án đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài hoàn thành thì chúng tôi sẽ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công tiếp tục triển khai dự án. Chúng tôi quyết tâm sẽ hoàn thành dự án trong năm 2022”, ông Hà cho biết thêm.
Trước đó, như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin, Dự án đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài do UBND quận Đống Đa là chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư là 342,624 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài khoảng 1,3km, bề rộng mặt cắt ngang từ 28,3 - 30m. Điểm đầu tuyến tại vị trí nút giao thông đường Huỳnh Thúc Kháng và đường Nguyễn Chí Thanh, điểm cuối tuyến tại vị trí nút giao Voi Phục.
Dự án có thời gian thực hiện từ năm 2018 đến 2020. Trong đó, khối lượng công việc cần giải phóng mặt bằng là 67 hộ dân (khoảng 3.960m2 đất) và 16 tổ chức (khoảng 30.000m2 đất).
Dự án bị chậm tiến độ ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân. |
Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn còn 8 hộ chưa đồng ý nhận tiền, bàn giao mặt bằng khiến dự án chậm tiến độ, buộc UBND Thành phố Hà Nội phải điều chỉnh tiến độ dự án đến năm 2022. Nguyên nhân là do một số hộ dân cho rằng giá đất bồi thường UBND thành phố phê duyệt cho dự án quá thấp, chưa sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện trạng mặt bằng đoạn cuối đường Cầu Giấy đến cổng Bệnh viện Giao thông vận tải vẫn đang ngổn ngang gạch đá bê tông, gây khó khăn cho các phương tiện di chuyển. Một số đoạn công trường bị biến thành nơi tập kết rác thải sinh hoạt, bốc mùi hôi thối… ảnh hưởng lớn tới mọi người dân đi qua đây.
Đinh Vũ
Theo