Thứ năm 03/10/2024 20:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Hà Nội : Sân chơi trẻ em đang bị “chiếm dụng” trái phép

14:27 | 15/07/2017

(Xây dựng) - Trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng hơn 1.000 khu tập thể cũ, tương ứng với đó là số sân chơi dành cho trẻ em. Tuy nhiên, hiện nay, những sân chơi đó đang bị chiếm dụng làm nơi buôn bán, họp chợ, trông xe...trong khi nhu cầu sinh hoạt, vui chơi của trẻ ngày một tăng cao.

Theo khảo sát của phóng viên, sân chơi của các khu tập thể Văn Chương, Kim Liên, Trung Tự ( quận Đống Đa), Giảng Võ ( quận Ba Đình)…đã từng là vườn hoa, khu vui chơi cho trẻ em. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, những sân chơi này đã không còn, thay vào đó là điểm buôn bán, họp chợ, trông xe. Sân chơi cho trẻ em bị chiếm dụng không chỉ là đánh cắp không gian chung, mà còn gây ô nhiễm, làm mất mỹ quan khu tập thể.


Sân vui chơi giữa nhà A3 và A4 khu tập thể Trung Tự (quận Đống Đa) bị tiểu thương lấn chiếm kê sạp bán hàng.

Một số người dân khu tập thể A3 Trung Tự (quận Đống Đa) cho biết: “Sân chơi giờ biến thành cái chợ thu nhỏ. Trẻ con không có chỗ nô đùa, người già không có chỗ tập thể dục. Họp tổ dân phố lúc nào cũng đề cập đến nhưng không thể dẹp được”. 

Theo ghi nhận của phóng viên, các thiết bị ở sân chơi giữ khu tập thể C4-C5, B9 – B10 Kim Liên đã hoen rỉ, một số đã bị hỏng hóc. Hầu như các sân này không còn chỗ trống, hàng quán, điểm trông giữ xe cứ đua nhau mọc lên. Các thiết bị vui chơi bị vây kín bởi xe cộ, bàn ghế. Chị Hoa sống tại nhà C5 cho biết: Nhà có cháu nhỏ, nhưng ngại không cho các cháu xuống sân chơi vì quán ăn chiếm hết chỗ, dầu mỡ, rác thải nhiều không đảm bảo vệ sinh. Đu quay, cầu trượt đều không đảm bảo an toàn cho các cháu”.

Sân vui chơi giữa nhà C4-C5 Kim Liên cũng bị chiếm dụng.

Quán bia bầy bàn ghế chiếm nửa sân vui chơi nhà B9-B10 khu tập thể Kim Liên.

Cầu trượt cũ kỹ được tận dụng làm chỗ phơi đồ, để xe.

Chân chiếc cầu trượt duy nhất tại khu tập thể Giảng Võ là nơi vứt rác và cất đồ của các hàng quán.

Khi những sân chơi tập thể không còn, nhiều trẻ em đã tìm đến game, Internet để giải trí là điều không thể tránh khỏi (đặc biệt là vào những dịp nghỉ hè). Trong khi cơ quan chức năng vẫn loay hoay tìm giải pháp để trả lại sân chơi cho trẻ em, không biết bao nhiêu đứa trẻ đang chìm đắm trong những trò chơi điện tử đầy bạo lực hay thế giới ảo đầy viển vông, không thực tế.

Việc chiếm dụng sân chơi chung không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh mà còn ảnh hưởng đến việc phát triển của những mầm non tương lại của đất nước.

Linh Nguyễn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load