Năm 2011, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức về thời tiết, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế… Song, sản xuất nông nghiệp của Thủ đô Hà Nội vẫn tiếp tục giành được nhiều kết quả đáng mừng. Nhân dịp đầu Xuân mới, PV Báo Xây dựng đã phỏng vấn ông Hoàng Thanh Vân - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội.
Thưa ông, năm 2011 Hà Nội đã gặt hái được những thành công gì trên các lĩnh vực Nông nghiệp?
- Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 2,5% so với năm 2010; giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1ha đất canh tác đạt 188,4 triệu đồng, tăng 41,3 triệu đồng so với năm 2010; Cơ cấu giá trị đã có chuyển biến tích cực với tỷ trọng giá trị chăn nuôi, thủy sản chiếm 52,75% và dịch vụ nông nghiệp chiếm 3,23%. Cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng được đổi mới, nâng cấp; hệ thống đê điều, công trình thuỷ lợi được củng cố đảm bảo phục vụ sản xuất, an toàn phòng chống lụt bão; đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được nâng cao rõ rệt.
Đã hoàn thành Quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp Hà Nội theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, trong đó có quy hoạch các vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung như các vùng sản xuất lúa chất lượng cao; rau an toàn; cây ăn quả đặc sản; khu nuôi trồng thuỷ sản tập trung; vùng chăn nuôi trọng điểm; quy hoạch cung cấp nước sạch... tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện các đề án, dự án phát triển sản xuất trong năm 2012 và các năm tiếp theo.
Bước đầu hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, quy mô lớn, có năng suất và chất lượng cao như vùng sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao tại Phú Xuyên, Thanh Oai, Chương Mỹ...; vùng sản xuất rau an toàn tại Văn Đức - Gia Lâm, Thụy Hương - Chương Mỹ...; vùng trồng cây ăn quả đặc sản tại Quốc Oai, Hoài Đức...; vùng trồng hoa tại Mê Linh, Từ Liêm; khu nuôi trồng thuỷ sản tập trung tại Ứng Hoà, Mỹ Đức, Ba Vì...; vùng chăn nuôi trọng điểm tại Chương Mỹ, Ba Vì...
Chất lượng nông sản thực phẩm đã được nâng lên, đáp ứng cơ bản yêu cầu của nhân dân Thủ đô như: Lúa chất lượng cao, sữa, quả đặc sản, rau an toàn... Sản phẩm chăn nuôi được quản lý, giám sát tốt đã đáp ứng trên 65% nhu cầu của nhân dân với tỷ lệ thịt nạc cao; diện tích và sản xuất lượng rau an toàn được kiểm soát ngày càng tăng.
Hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng thực hiện xây dựng xã điểm nông thôn mới (NTM) của Trung ương (xã Thụy Hương, Chương Mỹ); các xã điểm của TP và của các huyện, thị xã. Từ thực tiễn triển khai chương trình xây dựng NTM đã xác định được những tồn tại, hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện và rút ra được bài học kinh nghiệm làm cơ sở triển khai thực hiện trong năm 2012 và các năm tiếp theo.
Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng. Năm 2011 trên địa bàn TP không xảy ra chặt phá rừng trái phép, cháy rừng giảm cả về số vụ và diện tích thiệt hại.
Thanh long cho hiệu quả kinh tế cao.
Thưa ông, tới nay phong trào nông thôn mới ở Hà Nội đã được triển khai thế nào?
- Phong trào xây dựng NTM được triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả trên địa bàn toàn TP. Đến nay, xã điểm của Trung ương là Thuỵ Hương (Chương Mỹ) đạt 18/19 tiêu chí, nhiều xã đạt được từ 10 - 16 tiêu chí xây dựng NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia.
UBND TP đã chỉ đạo các huyện, thị xã triển khai thực hiện lập đề án chung của huyện và chỉ đạo các xã giai đoạn 1 (161 xã) lập đề án, đồng thời lập quy hoạch xã xây dựng NTM. UBND TP chỉ đạo cơ quan thường trực phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức tập huấn cán bộ làm công tác xây dựng NTM cấp huyện, cấp xã và cán bộ thôn ở các xã điểm.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010 - 2015), ngày 29/8/2011 Thành uỷ đã ban hành Chương trình số 02-CTr/TU về Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011 - 2015; Quyết định số 941-QĐ/TU Thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình số 02 của Thành uỷ khoá XV, nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Hàng tháng Thường trực Ban Chỉ đạo TP họp giao ban và kiểm tra đôn đốc thực hiện Chương trình đối với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã; hàng quý Ban Chỉ đạo TP họp giao ban với các huyện, thị xã và kiểm tra công tác triển khai thực hiện ở cơ sở. Chỉ đạo các huyện, thị xã và các xã thành lập Ban Chỉ đạo, BQL (cấp xã) xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng Chương trình xây dựng NTM.
Rà soát, đánh giá lại quá trình triển khai xây dựng NTM của các huyện, thị xã; trên cơ sở đó đánh giá rút kinh nghiệm chỉ đạo cách làm mới; tổ chức nhiều cuộc hội thảo theo các huyện, các xã; đa dạng hoá công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công cuộc xây dựng NTM.
Các ban chỉ đạo tăng cường công tác tham mưu cho cấp uỷ để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM. Phát huy sức mạnh của mặt trận tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân; tăng cường tham quan học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong TP, trong nước và nước ngoài để nâng cao nhận thức về xây dựng NTM.
Gặt lúa mùa 2011.
Xin ông cho biết những công việc trọng tâm của Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ thực hiện trong năm 2012?
- Năm 2012 là năm thứ hai triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015), năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XV và triển khai thực hiện Chương trình số 02/CTr-TU ngày 29/8/2011 của Thành uỷ về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM và từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011 - 2015. Xác định vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Thủ đô. Ngành Nông nghiệp Thủ đô đề xuất tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo để xác định nông nghiệp Thủ đô có bước tiến vững chắc - có đặc trưng riêng, nâng cao đời sống nhân dân - tích cực xây dựng NTM - chú trọng sản xuất hàng hoá bền vững gắn bảo vệ môi trường sinh thái.
Thực hiện tốt công tác tham mưu cho UBND TP chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, hiệu quả bền vững theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái, sản xuất hàng hoá chất lượng cao; chuyển mạnh cơ cấu nông nghiệp sang sản xuất nông sản thực phẩm chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm; gắn phát triển nông nghiệp với cải thiện, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển du lịch và xây dựng NTM.
Phấn đấu tăng trưởng nông nghiệp với tốc độ từ 1,5 - 2,2%, tăng giá trị sản xuất nông - lâm - thuỷ sản trên 1ha đất nông nghiệp lên trên 210,3 triệu đ/ha. Đổi mới hoạt động dịch vụ nông nghiệp; nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, lao động, kỹ thuật, phương tiện, vật tư sẵn có. Củng cố, phát triển ngành nghề; tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho nông nghiệp, nông thôn.
Phấn đấu tỷ lệ hộ dân nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 87% (trong đó có 37% số hộ được sử dụng nước sạch); 4 xã đạt 19 tiêu chí NTM, 30 xã đạt từ 14 - 18 tiêu chí NTM, 100 xã đạt từ 10 - 13 tiêu chí NTM.
Phối hợp với các quận, huyện, thị xã phục vụ tốt nhất yêu cầu sản xuất nông nghiệp. Tham mưu xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả phương án phòng, chống hạn, úng; phương án bố phòng hộ đê, phân chậm lũ... Bảo đảm an toàn hệ thống đê kè, công trình thuỷ lợi trên toàn thành phố, an toàn về người và tài sản.
Rà soát điều chỉnh, bổ sung và hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển sản xuất lúa chất lượng cao, các loại rau màu thực phẩm, cây ăn quả, hoa, cây cảnh. Quy hoạch phát triển chăn nuôi thành các khu vực tập trung, xa dân cư, an toàn dịch bệnh và bảo đảm vệ sinh môi trường, chú trọng phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm, bò thịt, bò sữa, thuỷ sản. Quy hoạch phát triển rừng phòng hộ, rừng sinh thái và cây xanh đô thị. Quy hoạch phát triển các làng nghề, điểm tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ để giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Quy hoạch dân cư nông thôn, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội về giao thông, y tế, giáo dục, điện, thông tin liên lạc. Quy hoạch các cơ sở giết mổ và chế biến nông lâm sản, thu gom xử lý rác thải. Quy hoạch hệ thống thuỷ lợi, đê điều bảo đảm tưới tiêu, an toàn trong công tác phòng chống lụt bão và kết hợp phát triển kinh tế vùng ven đê, bãi sông...
Xin cám ơn ông !
Hữu Hoa (thực hiện)
Theo baoxaydung.com.vn