(Xây dựng) - Sau gần 5 năm triển khai, Chương trình số 06-CTr/TU ngày 8/11/2011 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2011-2015” (Chương trình 06) đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác quy hoạch, xây dựng quản lý đô thị, thu hút đầu tư phát triển đô thị. Tuy nhiên, Chương trình này vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.
Ảnh minh họa.
Chuyển biến từ công tác quy hoạch, quản lý xây dựng đô thị
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình số 06 cho biết, để triển khai thực hiện Chương trình, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều kế hoạch hành động, tập trung công tác tuyên tuyền.
Kết quả cho thấy, công tác quy hoạch được chỉ đạo quyết liệt, quản lý quy hoạch có chuyển biến. Theo đó, Hà Nội hoàn thành Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011.
Hà Nội cũng cơ bản hoàn thành và phê duyệt các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, các quy hoạch ngành, thiết kế đô thị và quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc. Chất lượng các đồ án được nâng cao.
Bên cạnh đó, các kế hoạch, chương trình cải tạo chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị được tích cực triển khai. Luật Thủ đô, Luật Đất đai được triển khai cụ thể hóa.
Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình 06, diện tích Thủ đô được mở rộng hơn 3 lần. Khối lượng đồ án quy hoạch, tỷ lệ phủ kín quy hoạch đã vượt trội. Nhiều khu đô thị được đầu tư xây dựng hiện đại, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu về chỗ cho người dân Thủ đô. Các công trình dịch vụ được bổ sung. Bộ mặt kiến trúc đô thị từng bước cải thiện.
Đặc biệt, TP Hà Nội đã đi đầu cả nước về phát triển nhà ở xã hội và nhà ở nói chung theo chương trình, kế hoạch được duyệt. Riêng nhà ở xã hội đạt khoảng 40% số lượng căn hộ cả nước. Khối lượng thực hiện đến tháng 5/2015 đạt khoảng 0,8% triệu m2 sàn.
Công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị, đất đai, tài nguyên môi trường tiếp tục có chuyển biến. Trong giai đoạn này, toàn TP đã cấp trên 42 nghìn giấy phép xây dựng với tổng diện tích sàn 13,5 triệu m2. Song song với đó, công tác kiểm tra, quản lý xây dựng cấp giấy phép xây dựng, quy hoạch xây dựng đã được quan tâm chỉ đạo và quyết liệt xử lý.
Theo Ban Chỉ đạo, thì hầu hết các chỉ tiêu cơ bản của Chương trình đạt yêu cầu đặt ra. Đơn cử, công tác lập quy hoạch phủ kín 100% diện tích. Khối lượng quy hoạch đã được phê duyệt và đủ điều kiện chuẩn bị phê duyệt khoảng trên 83%. Dự kiến năm 2015 sẽ hoàn thành phê duyệt trên 95% đồ án (trừ Quy hoạch chung đô thị vệ tinh Hòa Lạc thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ).
Hà Nội cũng đã hoàn thành, trình duyệt 100% các đồ án quy hoạch ngành. Diện tích dành cho giao thông đạt 8,65%; sử dụng nước sạch đạt 100% với lượng nước sạch bình quân 130 - 150 lít/người/ngày đêm. 100% các khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải. 98% rác thải rắn ở 12 quận và thị xã Sơn Tây và 89% chất thải rắn ở 17 huyện ngoại thành đã được thu gom, vận chuyển chất thải rắn đến nơi xử lý tập trung của TP.
Vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng
Tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng Chương trình 06 vẫn còn những bất cập. Báo cáo từ Ban Chỉ đạo cho biết: Tiến độ thẩm định và phê duyệt quy hoạch còn chưa đáp ứng được theo kế hoạch đề ra. Chất lượng một số đồ án quy hoạch còn chưa đạt yêu cầu dẫn đến việc phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn, cải tạo chỉnh trang đô thị, giữa quy hoạch nông thôn mới, gìn giữ các làng nghề truyền thống với quy hoạch chung phát triển còn tồn tại.
Bên cạnh đó, xã hội hóa đầu tư xây dựng còn hạn chế, công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập. Quy hoạch hạ tầng cơ sở giao thông đô thị còn chưa đồng bộ và thiếu cân đối.
Công tác phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân còn chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác quản lý vận hành sử dụng nhà chung cư, tái định cư còn nhiều bất cập. Việc di dời các trường đại học, cơ sở y tế, cơ sở công nghiệp ra ngoài khu vực nội đô còn chậm.
Công tác quản lý trật tự xây dựng, thực hiện xây dựng theo quy hoạch chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, xử lý vi phạm tại một số công trình còn chậm. Ý thức người dân chấp hành pháp luật trong quy hoạch, xây dựng và trật tự đô thị còn chưa cao, thiếu tính tự giác. Việc triển khai cắm mốc quy hoạch ngoài thực địa và quản lý mốc giới sau quy hoạch còn chậm và tồn tại nhiều bất cập…
Vận chuyển hành khách công cộng mới đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu đi lại của nhân dân (chỉ tiêu yêu cầu 35 - 40%). Các trường hợp công trình siêu mỏng, siêu méo vẫn còn tồn tại; tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm còn chậm. Các chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, thu nhập thấp và nhà ở công nhân, sinh viên không đạt yêu cầu đã đề ra.
Tổ chức không gian ngầm gắn liền với phát triển hệ thống đường sắt đô thị
Để phát huy các kết quả đạt được của Chương trình 06, Ban Chỉ đạo Chương trình kiến nghị với Thành ủy tập trung công tác quy hoạch vào khu vực ngoài phạm vi phát triển đô thị TP Hà Nội và các khu vực đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái, các khu chức năng đặc thù, các điểm dân cư nông thôn.
Về đầu tư xây dựng, cần phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, tổ chức không gian ngầm gắn liền với phát triển hệ thống đường sắt đô thị.
Về quản lý đô thị, Hà Nội cần xây dựng đầy đủ hệ thống công cụ, chính sách quản lý trật tự xây dựng; quản lý đi đôi với tuyên truyền giáo dục trật tự văn minh đô thị.
Ban Chỉ đạo cũng kiến nghị các Bộ, ngành cần sớm ban hành văn bản pháp lý liên quan đến công tác quy hoạch xây dựng; giải quyết các nội dung vướng mắc chồng chéo đang tồn tại giữa các luật, nhất là Luật Đê điều, Luật Đấu thầu 2014 và Luật Quy hoạch đô thị năm 2009… và phối hợp với UBND TP đẩy mạnh việc lấy ý kiến thống nhất của các đồ án quy hoạch…
Đặc biệt, Ban Chỉ đạo cũng kiến nghị đồ án Quy hoạch vùng Thủ đô xác định rõ về tính chất, chức năng của các đô thị đối trọng trong vùng nhằm cân đối hỗ trợ và chia sẻ với Hà Nội, hướng tới sự phát triển bền vững, hài hòa về chức năng giữa các đô thị.
Gia Bảo
Theo