Thứ bảy 02/11/2024 09:50 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Hà Nội mưa to là ngập: Đâu là nguyên nhân?

21:41 | 24/05/2018

(Xây dựng) - Vì sao Hà Nội đã đầu tư nguồn kinh phí rất lớn cho công tác tiêu thoát nước đồng thời những năm gần đây TP đều chủ động xây dựng những “kịch bản” chống ngập, tuy nhiên với những trận mưa to trong thời gian ngắn, Hà Nội vẫn có nhiều tuyến phố ngập sâu trong nước. Xung quanh câu chuyện này, có nhiều ý kiến nhìn nhận, đánh giá khác nhau từ những chuyên gia, người có chuyên môn.

Có cả “kịch bản” chống ngập

Những năm gần đây, trước khi bước vào mùa mưa bão, Hà Nội thường công bố “kịch bản”, phương án, tình huống phòng chống ngập lụt cho TP trước những trận mưa vừa, mưa to và mưa rất to. Cụ thể, năm 2018, TP Hà Nội đã đưa ra 3 phương án giải quyết các tình huống khi mưa.

Tình huống 1 mưa vừa, lượng mưa nhỏ hơn hoặc bằng 50mm/2h; tình huống 2, mưa to, lượng mưa từ 50 - 100mm/2h; tình huống 3, mưa to, lượng mưa trên 100mm/2h… các tình huống trên được đưa ra cùng với các phương án, biện pháp xử lý cụ thể nhằm chủ động ứng phó với tình trạng úng ngập. Đồng thời, TP cũng áp dụng đồng bộ các giải pháp chống úng ngập như đầu tư, cải tạo, duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống tiêu thoát nước trên toàn địa bàn.

Qua đó, tình trạng ngập úng ngập và nhiều điểm úng ngập của TP cũng đã được cải thiện đáng kể, số lượng các điểm úng ngập trên địa bàn cũng đã giảm xuống. Tuy nhiên, trong một báo cáo mới đây của Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thừa nhận một thực tế là qua theo dõi các trận mưa trong những năm vừa qua, có một số trận mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn (thời gian mưa tập trung không quá 40 phút), lượng mưa không đều trên địa bàn TP, gây quá tải cho hệ thống thoát nước dẫn đến xuất hiện nhiều điểm úng ngập cục bộ…

Những bất tiện do ngập úng gây ra và cả những thiệt hại về kinh tế khi giao thông ùn tắc, công việc ngừng trệ, kinh doanh tê liệt, tài sản, xe cộ hỏng hóc... chưa được các cơ quan chức năng thống kê, tuy nhiên nỗi lo bị ngập của người dân luôn thường trực mỗi khi trời mưa to thì không thể "đong đếm" được.

Điển hình như khu vực Hà Đông là một trong những vùng trũng nhất và mức độ ngập nặng nề nhất. Cô Ngọ Mai Hương ở tổ dân phố 12, ngõ 565 Nguyễn Trãi, P.Văn Quán cho biết, cô ở đây lâu rồi cũng không thấy ngập nhanh như thế. Sau khi các khu đô thị gần đấy mọc lên, do làm cống thoát nước không tốt nên sau mỗi trận mưa to là có hiện tượng ngập, ảnh hưởng đến người dân. "Khu nhà tôi ở cũng vừa mới đầu tư lại hệ thống thoát nước mới hơn 1 năm mà vẫn không thấy cải thiện, thậm chí tình trạng ngập còn nặng hơn", cô Hương nói.

Về tình trạng úng ngập của Hà Nội có rất nhiều nguyên nhân đã được đề cập, lý giải.  Tuy nhiên, nhận định về nguyên nhân tiêu thoát nước của TP còn chậm, khó khăn còn có nguyên nhân từ tình trạng tập kết rác trên các rãnh vỉa, miệng ga thu, khi mưa các túi rác này sẽ theo dòng chảy trôi nhanh về các ga thu làm giảm khả năng tiêu thoát nước. Mặt khác, một số hộ dân sử dụng các tấm tôn, gỗ… bịt kín các miệng ga, ghi thu, khi mưa các vật cản này không được tháo dỡ kịp thời gây úng ngập…

Trước thực tế trên, nhằm xử lý nhanh tình trạng úng ngập của TP mỗi khi có mưa, Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội xác định mục tiêu: Đưa nước nhanh nhất về các nguồn tiêu, đảm bảo thoát nước nhanh với những trận mưa có cường độ 310mm/2 ngày tại các khu vực đã được cải tạo theo dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II, giảm thiểu tối đa úng ngập ở các khu vực khác trên địa bàn quản lý. Đồng thời thực hiện tốt công tác xử lý, duy trì vệ sinh môi trường các hồ trên địa bàn TP đảm bảo vệ sinh môi trường…

Nhận định của các chuyên gia

Nhìn nhận về thực trạng ngập úng của Hà Nội mỗi khi mưa to, dưới góc nhìn của ông Nguyễn Thế Điệp - Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn Hưng Thịnh Phát cho rằng, căn nguyên của tình trạng ngập úng tại các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội là do kết cấu hạ tầng khung của TP chưa hoàn chỉnh. Đồng thời, các cơ quan quản lý chưa kiểm soát chặt chẽ cốt nền. Ông Điệp phân tích: Khi phê duyệt chúng ta không bắt chặt cốt nền. Lượng chung cư quá nhiều, mật độ chung cư quá cao… do đó, khi mưa xuống nước sẽ khó tiêu thoát…

Do đó, để giải quyết tình trạng trên, ông Điệp cho rằng các cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt cốt nền khi các dự án triển khai xây dựng. Các dự án cần phải tuân thủ theo và thống nhất theo một mặt bằng cốt nền nhất định. Không được cho anh thấp hơn hoặc cao hơn anh nào. Mặt khác, ông Điệp cũng cho rằng, cần phải nghiêm túc xem xét lại việc “bắt” cốt nền của các dự án hiện nay.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia Lê Thị Dung - nguyên giảng viên Khoa Kỹ thuật môi trường (Cấp thoát nước) Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng: Nhìn chung, việc thoát nước Hà Nội cho đến nay vẫn chủ yếu dựa vào các sông, mương nội tại của TP, từ đó xả ra sông. Trong khi đó, hệ thống thoát nước mới chỉ được thiết kế phục vụ cho thoát nước thải sinh hoạt chứ chưa có hệ thống cống cỡ lớn để dẫn nước nhanh khi xảy ra mưa lớn...

Để giải quyết vấn đề ngập úng ở Hà Nội là vấn đề nan giải vì cốt nền ở nhiều khu vực ở Hà Nội không đồng đều, nhiều chỗ trũng, thấp hơn cả sông, hệ thống cống thiếu liên thông gây ra tắc nghẽn. Muốn xử lý phải rất tốn kém và cần giải quyết trong dài hạn...

Cũng theo các chuyên gia quy hoạch, trong quy hoạch các nước cũng chỉ ra giải pháp chống úng ngập như phải duy trì các công viên cây xanh, các khoảng đất trống, không được bê tông hóa hết. Nhưng thực tế trên địa bàn Hà Nội giải pháp này thì đang được làm ngược lại. Chưa kể, hệ thống mương không được nạo vét thường xuyên, cộng thêm đất ruộng vẫn xen kẹt với cao ốc đua nhau xây dựng san sát nên khi mưa lớn nước từ các khu đô thị, đổ ra không có lối thoát.

Bên cạnh đó, các khu đô thị mới có tình trạng chung là quá trình thực hiện, triển khai quy hoạch chắp vá và không có sự kiểm soát. Do đó, vấn đề ngập úng là tất yếu. Dự án xây sau cao hơn dự án xây trước, dồn hết nước cho khu vực làm trước. Quá trình này vẫn liên tục diễn ra. Nơi mà hôm nay không bị ngập không có nghĩa là sau đó sẽ không phải đối diện cảnh ngập úng. Đây cũng là hệ luỵ của việc mải xây đô thị mà quên hệ thống thoát nước… Do đó, cần nghiên cứu đưa ra phương án giải quyết tạm thời tránh ngập lụt và có tầm nhìn quy hoạch cho tương lai.

Linh Anh - Huy Thảo

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load