Thứ bảy 20/04/2024 01:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Nội: Mưa lớn, xuất hiện nhiều điểm đen ngập úng là do hệ thống thoát nước yếu kém?

11:35 | 31/05/2022

(Xây dựng) – Tháng 5/2022, Thủ đô Hà Nội liên tục ghi nhận nhiều đợt mưa lớn vào các ngày 24 và 29. Sau mỗi trận mưa, người dân Hà Nội phải chật vật “bơi”, lội qua những dòng nước để về nhà, thậm chí còn phải “tát nước” từ trong nhà ra ngoài, hàng loạt hầm để xe chung cư bị ngập, gây thiệt hại về của cải… Có thể thấy, hệ thống thoát nước, hạ tầng đô thị đang ở tình trạng đáng báo động.

ha noi mua lon xuat hien nhieu diem den ngap ung la do he thong thoat nuoc yeu kem
Đường phố Hà Nội ngập sâu sau mưa lớn.

Ghi nhận từ thông tin Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát nước Hà Nội) cung cấp, tổng lượng mưa đo được từ 2h đến 7h ngày 24/5 ở quận Hoàng Mai là 131,3mm, quận Long Biên là 85,2mm, quận Hai Bà Trưng là 103,1mm, quận Ba Đình 91,0mm...

Mưa lớn khiến địa bàn thành phố xuất hiện một số điểm ứ đọng nước như: Ngô Xuân Quảng (trước cổng trường Đại học Nông nghiệp); Nam Đuống (trước tòa nhà An Quý Hưng); Đức Giang (từ chợ Đức Hoà đến ngõ 97); đường Đàm Quang Trung (trước và đối diện tòa nhà Aeon mall); Vũ Xuân Thiều, đường Cổ Linh, đường Ngọc Lâm (từ ngã 3 Long Biên đến Xí nghiệp môi trường đô thị Gia Lâm); trục thoát nước qua ngõ 80 Hoa Lâm, Yên Duyên (đường vành đai 3); Đại lộ Thăng Long (hầm chui dân sinh số 3,5 km9+656); Ecohom 3 (bao gồm trường tiểu học Đông Ngạc)... do mực nước hệ thống dâng cao.

Chỉ sau đó chưa đầy một tuần, vào ngày 29/5, nhiều cư dân chung cư, khu tập thể trên địa bàn thành phố phải huy động cả gia đình “tát nước” từ trong nhà ra ngoài.

Trận mưa lớn kéo dài 2 giờ chiều 29/5 khiến nhiều con phố, ngõ nhỏ ngập sâu. Mưa xối xả trút xuống bất ngờ, người dân trở tay không kịp, nước tràn hết vào nhà dân mang theo lá cây, rác thải. Một số người đã có kinh nghiệm thì chủ động kê đồ điện lạnh, điện tử lên cao để tránh thiệt hại.

ha noi mua lon xuat hien nhieu diem den ngap ung la do he thong thoat nuoc yeu kem
Đường phố ngập sâu, ô tô, xe máy không thể di chuyển.

Trong báo cáo nhanh về trận mưa chiều nay, đại diện Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của các vùng mây đối lưu, trong khoảng thời gian từ 13h30 đến 15h30 trên địa bàn thành phố xảy ra mưa trên diện rộng. Lượng mưa trung bình đo được đạt từ 70-180mm, trong khi hệ thống thoát nước của thành phố chỉ đáp ứng cho các trận mưa có cường độ trung bình khoảng 70 mm/2 giờ. Như vậy, mưa lớn trút xuống trong thời gian ngắn vượt gấp đôi năng lực thiết kế hệ thống thoát nước của thành phố.

Một số khu vực có lượng mưa lớn, gồm: Ba Đình 114,5 mm; Hoàng Mai 110,1 mm; Thanh Xuân 111,0 mm; Cầu Giấy 181,5 mm Tây Hồ 160,0 mm; Hai Bà Trưng 104,6 mm; Nam Từ Liêm 130,4 mm; Thanh Trì 123,7 mm...

ha noi mua lon xuat hien nhieu diem den ngap ung la do he thong thoat nuoc yeu kem
Cơn mưa lớn diễn ra vào chiều 29/5.

Sau trận mưa lớn này, Thủ đô Hà Nội đã ghi nhận 35 điểm ngập úng trong thành phố sau trận mưa chiều qua, trong đó tập trung nhiều điểm ở lưu vực sông Tô Lịch ở địa bàn các quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Cầu Giấy và một số địa bàn thuộc lưu vực sông Nhuệ (quận Nam Từ Liêm), lưu vực Long Biên.

Tìm hiểu được biết, hệ thống thoát nước khu vực nội thành gồm 5.700 km cống, 254 km mương, sông, kênh, 125 hồ điều hòa, 10 trạm bơm thoát nước mưa chính và 5 nhà máy, trạm xử lý nước thải. Hệ thống này được chia thành 5 khu vực gồm: Tô Lịch, Tả Nhuệ, Hữu Nhuệ, Hà Đông và Long Biên. Trong số này chỉ có khu vực sông Tô Lịch được đầu tư hoàn chỉnh.

Hà Nội được biết đến thành phố có nhiều sông, hồ, nhờ một phần của sông Hồng bồi lấp, kiến tạo nên những vùng đất cao. Ở phía Nam, Tây Nam Hà Nội có rất nhiều làng, xóm ở lẫn với các đầm, hồ. Các hồ nước có chức năng điều hòa khí hậu, tích trữ nước, có vai trò điều tiết nước mưa, giảm ngập úng cho các khu đô thị. Song khi bước vào mùa mưa, có thể thấy chức năng của các hồ ở Hà Nội chưa được thể hiện rõ nét.

Tuy nhiên, một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết: Từ năm 2010 đến nay, Hà Nội có tới 17 hồ bị san lấp hoàn toàn, trong khi chỉ bổ sung 7 hồ mới.

Đến năm 2015, các quận nội thành còn 112 hồ (giảm 10 hồ). Quận Đống Đa có nhiều ao hồ nhất (trên 30 hồ), nhưng chỉ trong 5 năm (2010-2015) đã có 4 hồ bị san lấp. Một số quận không thay đổi hiện trạng ao, hồ thì diện tích mặt nước cũng bị thu hẹp đáng kể. Cụ thể, quận Tây Hồ, nơi có diện tích mặt nước lớn nhất thành phố (chiếm 79% tổng diện tích mặt nước của Hà Nội) nhưng từ năm 2010 đến nay, diện tích mặt nước đã giảm hơn 28.000m2. Hồ Tây trước đây rộng hơn 500ha, nhưng sau khi kè (năm 2010) chỉ còn 460ha. Từ 2.100ha mặt nước, giờ chỉ còn 1.165ha, tức là Thủ đô đã xoá sổ gần một nửa diện tích mặt nước.

Nghịch lý ở chỗ, nhiều ao hồ không những không được bảo vệ, mà còn bị san lấp, biến thành các công trình, dự án, chung cư cao tầng. Trong khi đó việc quy hoạch xây dựng đô thị manh mún, thiếu quy hoạch tổng thể đã dẫn đến mâu thuẫn trong tiêu thoát nước giữa các tiểu khu, bởi hệ thống thoát nước ở Thủ đô vẫn chủ yếu là tự chảy nên khả năng tiêu thoát nước không cao.

Các chuyên gia đánh giá, Hà Nội là có nhiều dự án “khủng” để đầu tư xây dựng hệ thống tiêu thoát nước. Dù chi hàng nghìn tỷ đồng cho đầu tư thoát nước, Hà Nội vẫn liên tục ngập trong biển nước. Được biết, từ năm 1998 đến nay, Hà Nội đã “bơm” hàng trăm triệu USD để triển khai các dự án thoát nước cho thành phố, đặc biệt là giải quyết các “điểm đen” ngập úng ở khu vực nội thị. Thế nhưng, 20 năm qua, các dự án vẫn lần lượt bị “tắc,” hệ quả là mưa xuống phố vẫn thành sông.

KTS. Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội chia sẻ: Hiện nay, Hà Nội cũng như thành phố Hồ Chí Minh cần nhiều giải pháp tổng thể để giải quyết bài toán ngập úng đô thị, trong đó có việc vận hành hồ điều tiết, trồng cây xanh, khơi thông lòng sông và nâng cao năng lực tiêu thoát bằng cách đẩy nhanh tiến độ các dự án thoát nước đang bị đình trệ. Bởi, nguyên nhân gây ngập úng, một phần do quy hoạch hệ thống thoát nước chậm so với đô thị hóa. Một phần vì quá trình đô thị hoá khiến vỉa hè, lòng đường đều bị bê tông hóa. Và đặc biệt, chính là việc các hồ điều hòa có chức năng tiêu thoát nước bị thu hẹp. Để đối phó với biến đổi khí hậu, rõ ràng không thể chỉ xử lý những điểm ngập cục bộ mà phải đánh giá tổng thể hệ thống thoát nước toàn thành phố; kết hợp giữa yêu cầu thoát nước với phát triển đô thị; kết hợp xử lý thoát nước với quy hoạch hệ thống công viên, cây xanh. Với tốc độ đô thị hóa tăng mạnh, thành phố phát triển nhanh thì cần phải có điều chỉnh phù hợp để ứng phó theo hướng nâng cao khả năng tiêu úng cho cả nội thành và ngoại thành. Do vậy, cần phải nghiên cứu tổng thể lại hệ thống thoát nước trên phạm vi cả thành phố, với tầm nhìn trong khoảng 5 năm, 10 năm, 20 năm…

Phải nhìn nhận thẳng thắn, những thay đổi từ sức ép phát triển đô thị đã khiến Hà Nội trở nên chật hẹp, cứ mưa đường phố lại ngập. Dẫu biết, nắng mưa, thay đổi thời tiết là chuyện không thể kiểm soát được, nhưng điệp khúc “cứ mưa là ngập” diễn ra với tần suất dồn dập và ngày càng nặng nề hơn khiến người dân Thủ đô ngán ngẩm; ngay cả những khu vực nằm ven hồ nước điều hòa, mưa xuống, đường phố cũng “thành sông” và tràn vào nhà thì các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cần xem xét lại và có kế hoạch cụ thể, nghiên cứu kĩ lưỡng, nâng cấp hạ tầng giao thông, hệ thống thoát nước của thành phố.

Ánh Dương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load