Hà Nội chi hàng trăm nghìn tỷ đồng đầu tư những tuyến đường mới “đắt nhất hành tinh”, nhưng mỗi khi có tuyến đường mới mở ra, nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo lại xuất hiện.
Con đường “đắt nhất hành tinh” vẫn nham nhở nhà siêu mỏng, siêu méo. Ảnh: Minh Tuấn.
Đề xuất “xây phố” bị lãng quên
Mặc dù đã 18 năm trôi qua nhưng đến nay ông Đào Văn Bầu, nguyên Phó Giám đốc Sở Địa chính Nhà đất Hà Nội (nay là Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội) vẫn đau đáu với đề xuất mở đường đi kèm với xây dựng tuyến phố. Đề xuất của ông đã được tập thể lãnh đạo Sở thông qua và thống nhất trình UBND thành phố năm 1999 và dự án đầu tiên được đề xuất thực hiện theo phương thức này chính là “con đường đắt nhất hành tinh” Kim Liên - Ô Chợ Dừa! Theo phương án này, để giảm khó khăn trong quản lý trật tự xây dựng, tạo cảnh quan văn minh đô thị và đặc biệt là giảm chi phí mở đường từ việc khai thác giá trị địa tô khi đấu giá quỹ đất hai bên đường.
Ông Bầu tính toán: Nếu thực hiện theo phương án đề xuất thì khi mở đường sẽ thu hồi thêm hai bên đường mỗi bên 50m. Quỹ đất này chia làm hai phần bằng một tuyến đường nội bộ, một phần sát mặt đường lớn thì đấu giá xây dựng các công trình lớn, thiết kế đẹp và hiện đại. Phần còn lại sẽ dùng vào việc tái định cư cho chính những người trước đây ở mặt đường phải di dời dành đất xây đường. Như vậy sẽ bớt đi tình trạng bất công giữa người phải di dời và những người có nhà phía sau trong ngõ ngách bỗng dưng ngày đẹp trời lại ra mặt đường. “Người ở mặt đường được tái định cư tại chỗ, vẫn ở nhà mặt đường tuy có thể nhỏ hơn. Như vậy tranh chấp, khiếu kiện cũng sẽ bớt đi. Người dân sẽ vui vẻ với việc mở đường”, ông Bầu nói.
Cũng theo ông Đào Văn Bầu, sở dĩ đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa bị dư luận phê phán nhiều vì chỉ vỏn vẹn có 1km đường nhưng chi phí tại thời điểm năm 2000 đã lên tới 1.000 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ đồng/1 mét đường. Trong đó hơn 90% chi phí phải đi lo giải phóng mặt bằng, đền bù. “Theo đề xuất của tôi, nếu đấu giá quỹ đất hai bên tuyến đường này thời điểm đó đã thừa tiền để làm đường, tiền bồi thường cho nhà trong ngõ cũng giảm rất nhiều”, ông Bầu phân tích.
Ông Đào Văn Bầu đang nói về đề xuất của mình cách đây 18 năm.
Triển khai Thiếu quyết liệt
Vậy vì sao đề xuất của ông Đào Văn Bầu khi đó đã được Sở Địa chính nhà đất ủng hộ lại không đi vào thực tế? “Đến bây giờ cũng không ai trả lời tôi! Lúc đó nộp lên lãnh đạo UBND thành phố xem xét. Không có ai chê nhưng cũng không có ai trả lời”, ông Bầu chia sẻ. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đào Văn Bầu cho hay bản thân ông có hàng chục năm làm giám đốc một doanh nghiệp nhà nước về phát triển nhà ở, đã xây dựng hàng ngàn căn hộ như Thành Công, Giảng Võ, Trung Tự, Kim Liên…nên ông rất xót xa khi thấy giá trị địa tô của nhà nước lại rơi vào tay tư nhân. “Anh cứ nghĩ xem, nhà nước bỏ ra hàng trăm nghìn tỷ đồng làm đường nhưng có được hưởng chênh lệch địa tô đâu?”.
Thực tế kể từ sau khi đề xuất của ông Đào Văn Bầu, nguyên Phó Giám đốc Sở Địa chính Nhà đất không được chấp thuận đến nay hàng trăm tuyến đường mở ra đều phát sinh hàng trăm trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo. Tình trạng nhà dân tự xây bám kinh doanh mặt đường nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch sắp xếp đã tạo ra nhiều hệ luỵ xấu về quản lý đô thị.
Năm 2012 Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô. Tại Khoản 3, Điều 9 của Luật này quy định: “Khi triển khai dự án phát triển đường giao thông theo quy hoạch đã được phê duyệt, cơ quan có thẩm quyền của thành phố Hà Nội đồng thời tổ chức thu hồi đất hai bên đường để sử dụng theo quy hoạch. Việc thu hồi đất trong trường hợp này được áp dụng như trường hợp thu hồi đất trong cùng dự án. Trong trường hợp quy hoạch có xây dựng nhà ở tái định cư tại chỗ hoặc thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh thì ưu tiên cho người có đất bị thu hồi được tái định cư hoặc tham gia dự án sản xuất, kinh doanh đó”.
Luật Thủ đô có hiệu lực đến nay đã hơn 5 năm và UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai chủ trương quan trọng này. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có một tuyến phố nào được xây dựng theo phương thức làm đường đi kèm xây dựng tuyến phố và bộ mặt đô thị thì ngày càng thêm nhếch nhác. Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TNMT khẳng định, chủ trương nhà nước đứng ra thu nguồn lợi địa tô sau khi đầu tư hạ tầng là việc hết sức cần thiết. Tuy nhiên hiện nay có tình trạng thiếu quyết liệt trong triển khai thực hiện.
Theo Minh Tuấn/Tienphong.vn