Để đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là giấy chứng nhận) cho người mua nhà ở tại các dự án phát triển nhà ở, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho biết từ kết quả kiểm tra tại hơn 60 dự án trên địa bàn và tổng hợp các dạng xử lý vi phạm của chủ đầu tư, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có những chỉ đạo cụ thể.
Đối với các trường hợp vi phạm (đặc biệt các trường hợp tự chuyển mục đích sử dụng đất, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, xây dựng sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng, chuyển nhượng dự án trái pháp luật), Sở Tài nguyên và Môi trường (đại diện cho Tổ công tác liên ngành thành phố) phải khẩn trương kết luận, đề xuất thành phố xử lý, khắc phục vi phạm đối với từng dự án cụ thể theo đúng quy định của pháp luật.
Đáng lưu ý, theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh, trong thời gian chủ đầu tư, các cơ quan chức năng xử lý, khắc phục vi phạm, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét cấp giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân đã hoàn thành nghĩa vụ với chủ đầu tư theo quy định tại Quyết định số 24/2014/QĐ-Ủy ban Nhân dân mà không đợi kết quả xử lý tồn tại, vi phạm theo chỉ đạo trước đây của thành phố.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng yêu cầu trên cơ sở kết luận thanh tra đã xác định cụ thể các hành vi, mức độ vi phạm pháp luật của chủ đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đề xuất các biện pháp hành chính, kinh tế để xử lý, khắc phục vi phạm.
Đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự đề nghị chuyển cơ quan Công an xử lý.
Theo ông Nghĩa, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục những tồn tại trong quá trình triển khai các dự án nhà ở, Sở đang kiến nghị thành phố xử lý đối với từng trường hợp.
Cụ thể, đối với chủ đầu tư mới được chấp thuận chủ trương thực hiện dự án, đã được phê duyệt quy hoạch nhưng chưa hoàn thành thủ tục pháp lý về đất đai (chưa làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, chưa có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan có thẩm quyền) và tự ý chuyển nhượng dự án cho chủ đầu tư khác, nay bên nhận chuyển nhượng đã bán nhà cho người mua nhà thì cho phép công nhận việc chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư và việc chuyển nhượng dự án giữa các công ty.
Tuy nhiên, chủ đầu tư phải có trách nhiệm kê khai nộp các khoản nghĩa vụ tài chính khi thực hiện chuyển nhượng và nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước.
Đối với chủ đầu tư cấp 1 được Nhà nước giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, đã tự chuyển nhượng dự án cho đơn vị thứ cấp (xây dựng dự án thành phần), nhưng không làm thủ tục chuyển quyền theo quy định của pháp luật đất đai, nay chủ đầu tư thứ cấp đứng tên bán nhà cho người mua nhà thì cho phép chủ đầu tư lập hồ sơ trình Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định công nhận việc chuyển quyền giữa các chủ đầu tư.
Chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo chính sách tại thời điểm chuyển nhượng dự án.
Đối với trường hợp nợ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, tiền phạt chậm nộp hoặc nợ tiền sử dụng đất hoặc phải nộp nghĩa vụ tài chính bổ sung do điều chỉnh quy hoạch hoặc chuyển đổi công năng, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị thành phố giao Sở chủ trì cùng Cục Thuế Hà Nội thông báo yêu cầu chủ đầu tư nộp ngay.
Các trường hợp có sai phạm điều chỉnh diện tích, mật độ xây dựng, tăng số tầng, chuyển đổi công năng các tầng kỹ thuật thành nhà ở thì Sở chủ trì cùng các ngành rà soát, tính toán thu bổ sung nghĩa vụ tài chính.
Đối với trường hợp đã hoàn thành thủ tục pháp lý về đất đai, nhưng diện tích nhà ở đã xây có sai phạm như vượt số tầng, vượt diện tích xây dựng theo thiết kế hoặc giấy phép xây dựng được cấp, sử dụng sai công năng một số tầng trong tòa nhà thì buộc các chủ đầu tư liên hệ với các ngành chức năng để hoàn thiện các thủ tục.
Trường hợp xây dựng không có giấy phép, chủ đầu tư báo cáo Sở Xây dựng để được hướng dẫn xử lý các sai phạm và xem xét công nhận công trình theo hiện trạng.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng kiến nghị trường hợp công ty mẹ được giao đất thực hiện các dự án phát triển nhà ở nhưng đã có văn bản ủy quyền hoặc giao nhiệm vụ cho công ty con thực hiện đầu tư và đứng tên ký kết hợp đồng bán nhà ở; cho phép công nhận hồ sơ bán nhà do công ty con thực hiện đầu tư, xây dựng và đứng tên ký kết hợp đồng bán nhà ở.
Trường hợp có chuyển nhượng dự án giữa công ty mẹ và công ty con, cho phép chủ đầu tư lập hồ sơ trình thành phố quyết định công nhận việc chuyển nhượng dự án. Chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ tài chính tại thời điểm chuyển nhượng.
Đề cập đến các chế tài xử lý vi phạm, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, Sở đề xuất trường hợp chủ đầu tư không khắc phục các vi phạm trên sẽ kiên quyết áp dụng các biện pháp mạnh như thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật và đề xuất phong tỏa tài khoản tại ngân hàng đối với chủ đầu tư; thu hồi đất hoặc thu hồi quỹ nhà chưa bán, tương ứng với nghĩa vụ tài chính chủ đầu tư chưa nộp vào ngân sách tại dự án để tạo quỹ nhà cho thành phố.
Ngoài ra, Sở cũng kiến nghị kiên quyết không giao đất để thực hiện dự án trên địa bàn thành phố; đồng thời thông báo trên phạm vi cả nước không giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
Thời gian qua, cùng với việc chủ động phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại các dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã yêu cầu tất cả các chủ đầu tư sau khi hoàn thành xây dựng, bàn giao nhà ở cho người mua phải có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện và nộp hồ sơ đăng ký, cấp giấy chứng nhận thay cho người mua hoặc cung cấp hồ sơ cho người mua tự đăng ký cấp giấy theo quy định tại Điều 72 của Nghị định số 43/NĐ-CP, kể cả trường hợp đang có vi phạm pháp luật đất đai, pháp luật xây dựng.
Thành phố đã quyết định giao cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (trực thuộc Sở) thực hiện việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà ở dự án để khắc phục tình trạng tồn đọng hồ sơ, chậm trễ tại các quận, huyện.
Kết quả, chỉ tính riêng năm 2014, toàn thành phố đã cấp được 40.500 giấy chứng nhận trên tổng số gần 70.000 căn hộ, nhà biệt thự, liền kề tại các dự án chưa được cấp giấy chứng nhận tại thời điểm đó.
Sáu tháng đầu năm 2015, thực hiện theo Luật Đất đai 2013, cấp giấy chứng nhận theo nhu cầu của người dân, thành phố đã cấp được 16.000 giấy chứng nhận cho các đối tượng này.
Theo MINH NGHĨA (TTXVN/VIETNAM+)