(Xây dựng) - Đến Hà Nội thì ăn mặc như thế nào? Câu hỏi ấy hình như không tồn tại. Mỗi người vẫn mặc những thứ mình quen thuộc hàng ngày mà đến cho đúng với tinh thần tự do trang phục.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Phải nói ngay rằng “thời trang” của người Hà Nội luôn là thời trang tứ chiếng. Nhà văn Nguyễn Công Hoan giải thích chữ “tứ chiếng” không như cách hiểu hiện thời chỉ bàn dân thiên hạ sống ngoài Hà Nội. Hoặc như cách hiểu thời Tự lực văn đoàn chỉ những anh giai từng trải bốn phương có phần hơi lêu lổng. “Trai tứ chiếng, gái giang hồ”. Ông Nguyễn Công Hoan bảo “tứ chiếng” là cách đọc trại đi của “Tứ trấn” trong “Thăng Long Tứ trấn”. Bao gồm bốn công trình kiến trúc quanh Hà Nội. Đền Bạch Mã phía đông, Đền Voi Phục phía tây, Đền Quán Thánh phía bắc và Đền Kim Liên phía nam. Bên ngoài Tứ trấn ấy ngày nay đương nhiên được hiểu là toàn cầu. Trang phục của người Hà Nội có ít nhất nghìn năm hội nhập cũng phong phú đến mức không còn gì riêng biệt nữa.
Cũng dễ hiểu vì sao người Hà Nội trước Pháp thuộc không có thời trang đặc trưng cho vùng đất mình sinh sống. Chế độ phong kiến có những qui định hà khắc với trang phục. Dân ra dân, quan ra quan và vua thì hoàn toàn riêng biệt. Mặc nhầm đẳng cấp là phạm tội hình sự. Vẫn có những châm chước cho ngành sân khấu nhưng trang phục cũng không bao giờ được giống hoàn toàn như thật. Ngạc nhiên thay, lễ lạt hội hè bây giờ dù chẳng ai cấm đoán thì vẫn là những trang phục sân khấu mà thôi…
Hà Nội thời Pháp thuộc đã hình thành ra một phong cách ăn mặc mới lạ. Nam công chức áo vét nhạt màu, quần ka ki lơ vê gấu là thẳng tắp. Mùa hè mặc quần soóc đi giày bata dùng phấn trắng để xóa các vết bẩn. Những bà vợ hoặc tiểu thư khuê các con nhà buôn bán lớn mặc áo dài lụa cổ cao kín đáo. Dĩ nhiên người lao động chân tay và tiểu thương lam lũ vẫn là quần ống xéo vải thảm hoặc nâu đỏng với áo cánh cùng màu. Nhưng ao ước của họ luôn là ăn trắng mặc trơn như đẳng cấp công chức quan lại.
Sau hòa bình lập lại 1954, Hà Nội có thêm mốt mới do cán bộ, bộ đội mang từ chiến khu về. Áo đại cán bốn túi hoặc đồng phục công nhân. Phụ nữ bắt đầu mặc áo sơ mi may kiểu Tây nhiều màu sắc. Tuy nhiên để thay thế được chiếc quần lụa đen thì phải đợi đến hơn hai chục năm sau. Chiếc quần lụa đen được mặc định trong phiếu vải cho phụ nữ. Có hẳn Quyết định số 60CP của Chính phủ ban hành ngày 22/9/1969 qui định về việc này. Quần lụa đen là thứ y phục dễ chế tạo nhất trên đời, mua hai mét lụa về tự cắt và khâu tay. Người vụng nhất ngày cũng khâu được hai chiếc.
Người Hà Nội những ngày bao cấp tự hình thành cách ăn mặc của mình. Nhìn chung là kín đáo khiêm nhường và lịch sự. Com lê áo dài chỉ những dịp lễ tết. Ngày thường hòa lẫn vào xanh xám bạc màu toàn thể công chức cán bộ và tiểu thương trong thành phố. Ngày ấy chỉ một chiếc quần ống hẹp như chị Nhung trong phim là có chuyện. Hình như chỉ mỗi mình Ái Vân được phép mặc nó mà không bị ì xèo.
Hà Nội giờ đây đã không còn những qui định ẩm ương về chuyện ăn mặc nữa. Đàn ông có thể mặc may ô phóng xe bạt mạng ngoài đường. Phụ nữ tha hồ áo váy hai dây hở lưng hở sườn và những chiếc quần trễ сạр chắc chắn chật hơn quần chị Nhung gấp bội. Thế nhưng người Hà Nội cũng có cách gọi tên những trang phục ấy. Dù chẳng có qui định nào cả thì người Hà Nội vẫn phân biệt được thứ hạng qua cách ăn mặc. Giời nóng như thiêu mà vẫn com lê ca vát đích thị là các giám đốc tư nhân đi thương thảo hợp đồng. Áo bỏ trong quần tất bật phóng xe thì là thầy giáo muộn giờ lên lớp. Treo hai chiếc mũ bảo hiểm trên xe máy thì là xe ôm. Đúng với những người như tôi đi đón bạn và cũng đúng với xe ôm chân chính. Sồn sồn sáng sáng quần soóc áo ba lỗ phóng xe Dylan rất khí thế là quí bà hạng vừa và nhỏ đi tập thể dục về. Chỉ còn mỗi Dylan là trẻ trung mà thôi. Váy hơi ngắn sẫm màu kèm theo tạp dề trùm kín chân và áo chống nắng thì là nữ nhân viên văn phòng ăn cơm hộp.
Chẳng biết tiếp viên trong các quán karaoke đèn mờ thì ăn mặc như thế nào? Đọc các qui định của ngành văn hóa thì thấy mô tả cũng giống như chúng ta vậy. Thế thì vào đấy làm gì?
Đỗ Phấn
Theo