Thời gian qua hệ thống biển, bảng hiệu quảng cáo vẫn "mạnh ai nấy làm", to nhỏ tùy hứng. Biển quảng cáo tấm lớn, băng rôn, pano… sai quy định trên nhiều tuyến phố ngang nhiên tồn tại. Trong khi đó, không ít bất cập, rắc rối nảy sinh trong việc quản lý, cấp phép…
Biển quảng cáo với đủ các kích cỡ khác nhau (chụp tại ngã tư Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển).
Mạnh ai nấy làm!
Đây là thực trạng diễn ra tại nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội. Đi dọc các tuyến phố, dễ dàng nhận thấy cảnh tượng hễ có nhà mặt tiền là có bảng hiệu quảng cáo. Bất chấp Luật Quảng cáo và những quy định của UBND TP Hà Nội, các chủ hiệu làm biển bảng tùy hứng, cái to, cái nhỏ; nội dung thoải mái, miễn là gây được ấn tượng với người đi đường. Một bảng hiệu đúng quy định theo Luật Quảng cáo phải có những nội dung sau: Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có), tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, địa chỉ và điện thoại. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy, các biển, bảng hiệu này đang ở trong tình trạng hỗn loạn.
Trong khi đó, với các bảng quảng cáo tấm lớn, theo quy định, phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép (duyệt cả về nội dung, diện tích, địa điểm, thời hạn…), song trên thực tế tình trạng vi phạm vẫn diễn ra phổ biến. Theo thống kê của Sở VH-TT&DL Hà Nội, Thủ đô có tổng cộng 366 biển quảng cáo tấm lớn, trong đó có 285 biển có giấy phép và văn bản chấp thuận, 81 biển không có giấy phép. Trong số này, có 39 vụ tồn đọng từ năm 2007 đến nay chưa xử lý được, 42 vụ phát sinh mới từ năm 2010. Với các biển quảng cáo có diện tích từ 20m2 đến 40m2 có khung kết cấu gắn với công trình xây dựng cũng phải có giấy phép, song có đến 80-90% các biển bảng này làm sai nội dung cấp phép, vi phạm chủ yếu là vượt kích thước được cấp.
Bà Vũ Thùy Anh - Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở VH-TT&DL Hà Nội cho biết: Hầu hết các vi phạm này tồn tại trước đây. Sau khi Luật Quảng cáo có hiệu lực, Bộ VH-TT&DL có văn bản hướng dẫn các sở VH-TT&DL tiếp tục giải quyết, nếu các DN thực hiện đúng nội dung cấp phép trước đây sẽ vẫn tiếp tục được tái cấp phép. Tuy nhiên, do phần lớn là vi phạm nên sở đang yêu cầu các quận, huyện thống kê, xử lý vi phạm, buộc tháo dỡ toàn bộ khung kết cấu cũ rồi mới được xem xét cấp phép lại.
Bao giờ mới quy củ?
Quá trình tìm hiểu, ngoài nguyên nhân nhiều người dân không nắm rõ Luật Quảng cáo, quy định trong việc làm, treo biển bảng hiệu; hay cố tình vi phạm, miễn sao đạt được mục đích: Ấn tượng, thu hút, "đập" ngay vào mắt người đi đường, thì việc "loạn" biển, bảng quảng cáo còn do một số điểm "vênh" trong các quy định của các văn bản luật, thông tư. Theo Điều 29 và Điều 31 Luật Quảng cáo, thì việc xây dựng màn hình quảng cáo, biển hiệu, bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích từ 20m2 đến 40m2 trở lên phải có giấy phép xây dựng (GPXD). Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 64/2012/NĐ-CP về cấp GPXD và Thông tư 10/2012/ TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn chi tiết một số nội dung của Nghị định số 64/2012/ NĐ-CP thì phải có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa mới được xét cấp GPXD. Văn bản "đá nhau" giữa các văn bản quy định đã đẩy doanh nghiệp ở vào thế… khó.
Ngoài ra, quy định về việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất xây dựng biển quảng cáo của Sở TN-MT cũng đang gây khó cho các doanh nghiệp quảng cáo. Theo đó, đối với công trình quảng cáo (đã được phê duyệt quy hoạch) nằm trên đất nông nghiệp chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với việc chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch... Với những quy định chưa có sự thống nhất liên ngành này không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp quảng cáo mà còn khó cho cơ quan quản lý trong việc giải quyết cấp phép dẫn đến tình trạng một số biển quảng cáo đã hết thời hạn thuê đất, nay chưa đủ thủ tục cấp phép trở lại đã phải để không, rất lãng phí. Ngoài ra, các quy định này còn là một trong những nguyên nhân khiến hệ thống biển quảng cáo tấm lớn sai phép tồn tại nhiều năm chưa được giải quyết.
Rõ ràng, trước thực trạng trên, việc đi vào quy củ một sớm, một chiều là không dễ. Tuy nhiên, theo bà Vũ Thùy Anh, trước đây việc xử lý vi phạm vẫn chỉ nặng về hình thức tuyên truyền vận động chủ đầu tư, chủ công trình tự giác sửa chữa, khắc phục vi phạm bởi chưa có chế tài trong việc xử phạt. Nhưng đến cuối năm 2013, Nghị định 158/ 2013/NĐ-CP Quy định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo được ban hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014 là căn cứ để cơ quan quản lý và chính quyền các cấp áp dụng khi kiểm tra, xử phạt công trình quảng cáo. Với chế tài mạnh, tính răn đe cao hơn nên chắc chắn người dân, doanh nghiệp quảng cáo sẽ phải thực hiện nghiêm quy định. Ngoài ra, đối với hoạt động quảng cáo biển tấm lớn trên địa bàn Hà Nội, ngay từ đầu năm 2014, UBND thành phố đã có Văn bản số 377/VP-VX yêu cầu Sở VH-TT&DL cùng các quận, huyện, thị xã kiểm tra, giải quyết theo các quy định của pháp luật, bảo đảm trật tự văn minh đô thị.
Theo Ngân Khánh (HNM)
Theo