Thứ sáu 29/03/2024 18:36 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Nội: GRDP tăng 1,28% trong 9 tháng đầu năm 2021

15:46 | 19/10/2021

(Xây dựng) – Tại Hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Thành phố Hà Nội ngày 19/10, ông Nguyễn Mạnh Quyền – Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết: Thành phố đã xây dựng và tập trung các nguồn lực triển khai một số nhiệm vụ trong thời gian tới để nhanh chóng đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, sớm phục hồi và phát triển kinh tế.

ha noi grdp tang 128 trong 9 thang dau nam 2021
Quang cảnh Hội nghị.

Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2021

Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, GRDP chỉ tăng được 1,28% so với cùng kỳ, một số nhóm ngành cơ bản vẫn duy trì được tăng trưởng dương như: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3%; Công nghiệp và xây dựng tăng 1,88%; Dịch vụ tăng 0,85%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 2,24%.

Về thu Ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt 177,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ, đảm bảo cân đối cho chi ngân sách, nhất là chi đầu tư phát triển, phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ ổn định an sinh xã hội.

Cung ứng hàng hóa gặp khó khăn nhất định do chuỗi cung ứng bị đứt gẫy, tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát ở mức 1,54%.

Hệ thống tín dụng, ngân hàng vẫn hoạt động ổn định và hiệu quả. Huy động vốn đạt 4,14 triệu tỷ đồng, tăng 7,42%; dư nợ hơn 2,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,38% so với cùng kỳ, đảm bảo nguồn vốn để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài, Hà Nội là một trong những địa phương đón nhận dự án đầu tư nước ngoài sớm nhất, với dự án đầu tiên từ năm 1989; đến nay, Thành phố là địa phương đứng thứ 3 toàn quốc về tổng vốn đầu tư nước ngoài. Tiếp theo đà thu hút FDI từ năm 2018 trở lại đây, vốn đầu tư nước ngoài tại Hà Nội từ đầu năm đến nay đạt 1,28 tỷ USD, trong đó: đăng ký mới 256 dự án với số vốn 144 triệu USD; tăng vốn 93 dự án thêm 686 triệu USD và 346 lượt nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần với số vốn 450 triệu USD. Đặc biệt, từ ngày 21/9/2021 đến nay, Thành phố đã cấp phép điều chỉnh cho một số dự án lớn với vốn tăng thêm 340 triệu USD.

Thu hút đầu tư trong nước 9 tháng đầu năm đạt 9.650 tỷ đồng, gồm: 12 dự án mới với tổng vốn 1.799 tỷ đồng và 59 dự án tăng vốn 7.852 tỷ đồng. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đạt 17.328 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 232,3 nghìn tỷ đồng; điều đáng mừng là có 8.310 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 77% so với cùng kỳ. Đến hết tháng 9/2021, trên địa bàn Thành phố có tổng cộng 318.789 doanh nghiệp.

Hoàn thiện kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Quyền – Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết: Thành phố đã ban hành kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI); phê duyệt chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hiện nay đang hoàn thiện Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế, tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn, tập trung vào các nhóm giải pháp.

Thực hiện cải cách thủ tục hành chính: 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh được thực hiện qua mạng, trong đó 31% đạt cấp độ 4. Thực hiện liên thông giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài, rút ngắn 8 ngày so với quy định. Đơn giản hóa 61 thủ tục hành chính đối với dự án đầu tư có sử dụng đất; rút ngắn thời gian thực hiện 26 thủ tục hành chính lĩnh vực công thương. 150 thủ tục hành chính về thuế được tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia; 100% thủ tục về bảo hiểm được tiếp nhận qua hệ thống một cửa điện tử, 99,8% đơn vị tham gia BHXH, BHYT thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử...

Thành phố đã ban hành và triển khai các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo với nhiều giải pháp hỗ trợ hiệu quả, gồm:

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố đã hỗ trợ cơ cấu thời hạn trả nợ cho hơn 57,7 nghìn khách hàng với số dư nợ trên 75.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 189.000 khách hàng với số dư nợ hơn 335 nghìn tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi tới 1,16 triệu tỷ đồng cho hơn 103 nghìn lượt khách hàng.

Hỗ trợ cho người lao động vay phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với số tiền 238 tỷ đồng theo Quyết định số 4026/QĐ-UBND ngày 26/8/2021 của UBND Thành phố.

Trong lĩnh vực thuế, đã hỗ trợ gia hạn thời gian nộp thuế đối với số thuế GTGT và gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất cho 29.700 doanh nghiệp và hộ kinh doanh với tổng số tiền trên 22.000 tỷ đồng. Không xử phạt đối với các trường hợp chậm nộp hồ sơ khai thuế nằm trong vùng cách ly...

Triển khai một số nhiệm vụ trong thời gian tới

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Quyền cũng cho biết: Thành phố đã xây dựng và tập trung các nguồn lực để triển khai một số nhiệm vụ trong thời gian tới, cụ thể như sau:

Tiếp tục thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 với phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả" theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP và hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 4800/QĐ-BYT về phân loại cấp độ dịch. Đẩy nhanh tiến độ tiêm phủ đầy đủ 02 mũi vắc-xin cho toàn bộ người dân Thủ đô khi được phân bổ.

Rà soát điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; sửa đổi Luật Thủ đô và các quy định liên quan, đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt các quy hoạch vùng huyện, quy hoạch phân khu trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu phát triển của Thành phố. Tập trung các nguồn lực để đẩy mạnh xây dựng các công trình dự án trọng điểm, hạ tầng kỹ thuật khung.

Ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của Thành phố; Kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, trong các khu, cụm công nghiệp và các địa phương.

Tạo chuyển biến căn bản về xây dựng Chính phủ điện tử để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; hướng tới cơ bản các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp được tinh gọn và thực hiện trực tuyến, như: đăng ký thành lập doanh nghiệp, kê khai và nộp thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đăng ký quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng...

Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội gắn với nâng cao chất lượng an sinh xã hội tạo môi trường lành mạnh cho phát triển bền vững. Thúc đẩy và khuyến khích đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề, kỹ năng, trình độ và ý thức cao, đáp ứng tốt nhu cầu tuyển dụng.

Duy trì hiệu quả công tác đối ngoại; tăng cường quảng bá, giới thiệu về Thủ đô với hình ảnh thân thiện, an toàn, có trách nhiệm gắn với các kết quả tích cực trong phòng, chống dịch Covid-19. Thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; chuẩn bị tốt các điều kiện để đón làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư trên thế giới và trong khu vực trong giai đoạn hậu Covid-19.

Thảo Phương

Theo

Cùng chuyên mục
  • GDP quý I năm 2024 tăng trưởng 5,66%

    (Xây dựng) - Sáng 29/3, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I/2024.

  • Nhà thầu phụ có được thuê lại nhân công của chủ đầu tư?

    (Xây dựng) - Bà Hoàng Thị Hóa (Quảng Bình) đang công tác tại đơn vị sự nghiệp, tự bảo đảm chi thường xuyên. Đơn vị có 250 viên chức và người lao động thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chính do UBND thành phố giao.

  • Bắc Ninh đứng thứ 2 cả nước về hút FDI trong quý I/2024

    (Xây dựng) – Với nhiều chính sách phù hợp trong thu hút đầu tư, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, cùng quan điểm chỉ đạo nhất quán trong điều hành, điều chỉnh chính sách thu hút FDI của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh thời gian qua đã giúp tỉnh này đứng thứ 2 cả nước, về hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong quý I/2024.

  • Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục hợp tác với 5 tỉnh Tây Nguyên để phát triển kinh tế - xã hội

    (Xây dựng) – Trong 2 ngày 3 - 4/4, tại khách sạn Rex, Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh Tây Nguyên (Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông) sẽ tổ chức Hội nghị sơ kết thoả thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Đồng thời triển khai kế hoạch hợp tác năm 2024 và Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên.

  • Hà Tĩnh: Chỉ số sản xuất ngành Công nghiệp quý I/2024 ước tăng 4,27%

    (Xây dựng) - Quý I/2024, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nỗ lực ổn định hoạt động sản xuất; tích cực đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ… Chỉ số sản xuất ngành Công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh quý I tăng 4,27% so với cùng kỳ năm 2023

  • Tây Ninh: Nhiều điểm sáng trong quý I/2024

    (Xây dựng) - Kết thúc quý I/2024, tỉnh Tây Ninh đạt được kết quả nhiều khởi sắc so với cùng kỳ năm 2023, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục được phục hồi, GRDP tăng 8%, cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ. Tây Ninh đặt kế hoạch đạt 50% giải ngân vốn đầu tư công của năm trong quý II/2024.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load