Thứ bảy 20/04/2024 22:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Nội: Doanh nghiệp phố cổ gặp khó khăn khi vắng khách nước ngoài

19:26 | 28/10/2020

(Xây dựng) - Trong những ngày này, khi Việt Nam đã đẩy lùi được dịch bệnh Covid-19, mọi hoạt động gần như đã trở lại bình thường. Từ 19h ngày 23/10, không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và khu vực phụ cận gồm tuyến phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân… bắt đầu hoạt động. Nhưng trên phố đi bộ hầu như vắng bóng khách du lịch người nước ngoài. Điều đó đã gây ra không ít sự khó khăn cho việc kinh doanh dịch vụ của người dân trên phố cổ.

ha noi doanh nghiep pho co gap kho khan khi vang khach nuoc ngoai
Phố đi bộ vẫn tấp nập nhưng vắng bóng khách du lịch nước ngoài.

Đại dịch Covid-19 đã khiến hoạt động du lịch toàn cầu đóng băng. Hoạt động đi lại, vận chuyển hàng không trên toàn thế giới trở nên rất khó khăn, hầu hết các đường bay quốc tế đã đóng. Ngành Du lịch Việt Nam ngừng trệ hoàn toàn khi Chính phủ triển khai các biện pháp mạnh để ứng phó với đại dịch như: ngừng nhập cảnh toàn bộ người nước ngoài từ ngày 22/3; dừng mọi hoạt động hội họp, tập trung trên 20 người; các thành phố lớn đóng cửa toàn bộ các cơ sở dịch vụ từ 28/3 (trừ cung cấp thực phẩm, dược phẩm, khám chữa bệnh); ngừng hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế, hạn chế giao thông công cộng.

Chính vì điều đó, phố đi bộ của Hà Nội cũng chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, người ta thường thấy nườm nượp khách Tây đi bộ, vui chơi tại các khu phố cổ của Hà Nội, bởi nơi đây tập trung các di tích lịch sử, khu ẩm thực, những quán bar, cà phê và dịch vụ dành cho khách nước ngoài.

Những ngày thông thường, đây được coi là địa điểm thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa, giải trí lớn của Thủ đô thu hút từ 20.000 đến 25.000 lượt khách một ngày.

Chợ đêm phố cổ Hà Nội là điểm đến nổi tiếng của khách du lịch trong và ngoài nước, chợ được mở trên phố Hàng Đào vào tối thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần trong đó khách du lịch người nước ngoài chiếm một số lượng đáng kể. Thì đến nay, phố cổ hầu như vắng bóng khách nước ngoài, điều đó khiến cho các tiểu thương trên phố cổ gặp không ít khó khăn bởi khách du lịch nước ngoài là nguồn thu nhập chính của những tiểu thương ở chợ đêm. Thiếu đi nhóm khách này, thu nhập của các cửa hàng đã giảm tới 50 - 60%.

Chị Thanh (Chủ một cơ sở kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ trên phố cổ) cho biết: “Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, không còn khách nước ngoài đến Hà Nội du lịch, nên cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ của tôi giảm đến 80% doanh số. Tôi đang tính phải trả lại cửa hàng để chuyển sang làm việc khác vì tiền thuê cửa hàng trên phố cổ rất đắt”.

Cùng tình trạng như chị Thanh, ông Hưng (Chủ một cửa hàng kinh doanh trong chợ đêm) chia sẻ: “Cửa hàng quần áo của tôi thường hay bán cho khách du lịch người nước ngoài, nhất là khách “Tây ba lô”, nhưng từ khi có dịch bệnh là vắng luôn khách Tây, chính vì vậy mà doanh thu của cửa hàng bây giờ chỉ còn lại 50%”.

Khó khăn chồng chất khó khăn, khi nhiều các homestay trên phố cổ hầu như không có khách, nhiều homestay phải đóng cửa vì không còn khách Tây, đặc biệt là phân khúc khách hàng “Tây ba lô”.

Chị Hương (Chủ chuỗi homestay trên phố cổ) cho biết: “Tôi có 5 homestay cho Tây thuê ở phân khúc khách hàng tầm trung, nên rất dễ cho thuê, ngày này năm ngoái, khách đặt kín ngày trong tháng, vậy mà từ khi dịch bệnh, hầu như không có khách, tôi đã phải thu gọn lại chỉ còn 2 cái, nhưng cũng chỉ có 3 khách thuê trong tháng này”.

Bên cạnh đó, nhiều khách sạn trên phố cổ cũng đang gặp phải tình trạng khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, bởi lẽ, du lịch Hà Nội lâu nay mang tính chất đặc thù, chủ yếu đón khách nước ngoài với loại hình du lịch tìm hiểu văn hóa.

Thời điểm trước đại dịch Covid-19, công suất đặt phòng của chuỗi khách sạn luôn đạt mức 70 - 80%. Vào giai đoạn cao điểm du lịch, công suất có thể đạt hơn 90%. Thế nhưng, khi dịch bệnh bùng phát, công suất đặt phòng của chuỗi khách sạn này giảm từng ngày. Nhiều khách sạn sống lay lắt và vẫn tiếp tục chịu lỗ chờ ngày đón được khách Tây. Thậm chí nhiều khách sạn sẵn sàng giảm giá tất cả các dịch vụ đến 50%, nhưng mỗi ngày không có nổi 10 khách, bởi những khách sạn này, khách nước ngoài chiếm đến 90% lượng khách đặt phòng.

Theo khảo sát của Công ty Savills Việt Nam, thời gian qua, hơn 50% khách thuê cửa hàng kinh doanh khu vực phố cổ Hà Nội đã trả lại mặt bằng do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, tính đến ngày 31/8, Hà Nội có khoảng 950 cơ sở lưu trú tạm dừng hoạt động, gần 16.000 lao động tạm thời thất nghiệp. Phân khúc khách sạn cao cấp 3 - 5 sao khủng hoảng trầm trọng do lượng khách quốc tế giảm mạnh.

Việt Nam được cho là quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt, chỉ cần có vắc xin thì lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam sau những ngày dài bị hạn chế sẽ nhiều. Chính vì vậy, lúc này, doanh nghiệp nên tự quảng bá dịch vụ chất lượng, sự an toàn của chính mình. Ngành Du lịch cần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh một Việt Nam an toàn, hiếu khách ra thế giới. Bên cạnh đó, các cơ quan, ban, ngành, lĩnh vực liên quan cần tìm giải pháp để vừa đảm bảo an toàn, vừa giảm phiền hà cho du khách nước ngoài về thủ tục vừa tăng sức hấp dẫn để bứt phá sau Covid-19.

Đồng thời, các cơ sở kinh doanh vẫn phải thực hiện tốt công tác kiểm soát dịch bệnh, không được lơ là. Phải yêu cầu nhân viên thực hiện nghiêm túc quy định như: trang bị cồn rửa tay, khẩu trang và phải nhắc nhở khách thực hiện đúng quy định theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Có như vậy thì Việt Nam mới chiến thắng được đại dịch bệnh Covid-19 và trở thành điểm đến an toàn cho du khách.

Hạ Ly

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load