(Xây dựng) - Chiều 20/1, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, đại diện lãnh đạo các sở: Y tế, NN&PTNT, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) đã thông tin về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015 trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế, để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015, UBND TP Hà Nội và các sở, ngành liên quan đã ban hành 16 văn bản về công tác VSATTP.
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo VSATTP TP cùng các sở, ngành đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và thanh, kiểm tra. Đến nay, toàn TP đã triển khai 653 đoàn kiểm tra liên ngành từ Thành phố tới các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.
Các đoàn thanh kiểm tra liên ngành TP cũng đã làm việc với 2 quận, huyện có nhiều cơ sở lễ hội trên địa bàn là huyện Mỹ Đức và quận Tây Hồ. Riêng với huyện Mỹ Đức, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết: Huyện đã yêu cầu tất cả các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống trong khu vực chùa Hương sẽ không treo, bày bán thịt động vật ngoài cửa hàng trong mùa lễ hội năm 2015.
Đối với Sở Y tế, đơn vị đã kiểm tra 27 cơ sở, trong đó có 11 cơ sở dịch vụ ăn uống, 16 cơ sở sản xuất, xử phạt 5 cơ sở với số tiền phạt gần 39,5 triệu đồng. Lấy 27 mẫu kiểm nghiệm, gồm: 11 mẫu nước mắm, 3 mẫu rượu. Chi cục QLTT Thành phố (thuộc Sở Công Thương) đã kiểm tra xử lý 141 vụ vi phạm về đo lường chất lượng và ATTP, phạt hành chính hơn 695 triệu đồng. Công an TP Hà Nội kiểm tra khám phá 135 vụ vi phạm, xử lý 113 vụ trị giá hơn 521 triệu đồng. Tuyến quận, huyện, thị xã kiểm tra 11.679 cơ sở, phạt tiền 52 cơ sở với số tiền phạt là 177 triệu đồng.
Trả lời câu hỏi các loại thực phẩm được bán trên thị trường vào dịp Tết có đảm bảo an toàn hay không, ông Ngô Đại Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: “Những năm vừa rồi, quản lý an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp đã có những tiến bộ rất tốt, nhưng nếu để khẳng định đã tuyệt đối an toàn hay chưa thì chưa thể khẳng định được”.
Lý giải về điều này, ông Ngọc cho biết, những năm gần đây, Hà Nội hết sức tập trung quan tâm đến ATTP trong nông nghiệp thể hiện qua rất nhiều giải pháp, như quy hoạch đề án 10 vùng sản xuất tập trung để thuận lợi trong việc quản lý giống, đầu vào, phương pháp thâm canh và khâu tiêu thụ.
Ngoài ra, sau khi thực hiện Thông tư 14 của Bộ NN&PTNT, việc quản lý các cơ sở sản xuất nông nghiệp có đăng ký kinh doanh từ Thành phố đến xã, phường đang được tiến hành. Dự kiến khi hoàn thành sẽ góp phần quản lý được tỷ lệ lớn các cơ sở sản xuất kinh doanh hiện nay như thuốc trừ sâu, phân bón, thuốc thú y, thức ăn.
Ông Ngọc cho biết, ngành nông nghiệp thành phố đã cử 6 đoàn thanh tra liên ngành ATVSTP của thành phố. Qua đó, đã thanh kiểm tra được 247 cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản và lấy 115 mẫu thực phẩm các loại để kiểm tra, trong 65 mẫu đã có kết quả thì 5 mẫu có phát hiện dư lượng nhưng vẫn dưới ngưỡng.
Thanh tra, kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm 5 cơ sở: 4 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1 cơ sở với số tiền 19 triệu đồng đối với vi phạm về hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, buộc tiêu hủy 2kg nấm kim châm, 15,5 kg gà nguyên con đã qua sơ chế, 14kg tôm đông lạnh, xử phạt 1 cá nhân vận chuyển nội tạng động vật, buộc tiêu hủy hàng hóa trị giá hơn 1,5 triệu đồng; lĩnh vực thú y: tịch thu tiêu hủy 10 trường hợp gia cầm lông, thịt gia cầm, thịt lợn, 1.230 kg nội tạng lợn, thịt trâu, bò, thuốc kháng sinh; lĩnh vực thủy sản: kiểm tra 2 cơ sở sản xuất kinh doanh về điều kiện ATTP tại quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng…
Liên quan đến vụ sữa Ensure nước nhập lậu đang được dư luận rất quan tâm, đại diện của Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội cho biết, sau khi phát hiện nhiều loại sữa Ensure không rõ ràng trên, quản lý thị trường Hà Nội đã có văn bản gửi cho tất cả các đội quản lý thị trường trên địa bàn phải tổ chức kiểm tra, kiểm soát và xử lí nghiêm việc buôn bán sữa này.
“Hiện tại chúng tôi đang tạm giữ 3.792 lon sữa Ensure. Để hiệu quả hơn, chúng tôi đã gửi văn bản cho Tổng cục Hải quan để xin danh sách các doanh nghiệp nhập sữa, nội dung cũng như số lượng hàng để chúng tôi kiểm tra tiếp. Vụ việc này đang trong quá trình xử lí”, đại diện Chi cục Quản lý thị trường nói.
Đại diện của Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội cho biết thêm, đối với mặt hàng sữa, chi cục sẽ tổ chức giám định chất lượng, sau đó sẽ đối chiếu chứng từ hóa đơn, nếu không phù hợp sẽ tịch thu và tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
Cũng tại buổi giao ban, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đã báo cáo kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tổ chức kỷ niệm “60 năm ngành Y tế làm theo lời Bác”. Theo đó, các hoạt động diễn ra từ ngày 15/1/2015 đến ngày 27/2/2015. Lễ tổ chức trọng thể dự kiến vào ngày và tối 26/2/2015 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Nam.
Song song với các hoạt động văn hóa, thể thao, văn nghệ chào mừng ngày kỷ niệm, ngành Y tế còn đặc biệt tập trung vào việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn; triển lãm giới thiệu thành tựu 60 năm của ngành Y tế Thủ đô và các đơn vị trực thuộc;…
Bên cạnh đó, hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo sẽ được triển khai sâu, rộng tới từng địa bàn. Cụ thể, các y, bác sĩ sẽ khám, cấp thuốc miễn phí cho người cao tuổi, người nghèo, gia đình chính sách tại xã Thạch Đà, huyện Mê Linh; mổ sứt môi, hở hàm ếch cho trẻ em tại Bệnh viện đa khoa Ba Vì; mổ thay thủy tinh thể miễn phí cho người cao tuổi tại huyện Phúc Thọ;…
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết: “Kỷ niệm 60 năm ngành Y tế, chúng tôi tập trung vào việc khám chữa bệnh nhân đạo. Đến nay đã có gần 8.000 người đã được khám, 13 cháu được mổ sứt môi, hở hàm ếch và 30 trường hợp đã được thay thủy tinh thể…”.
Quốc Bình
Theo