(Xây dựng) – Tòa nhà “bỏ hoang” nhiều năm là những cụm từ mô tả tình trạng hiện nay của nhiều dự án tại Hà Nội. Mặc dù TP Hà Nội đã có nhiều chỉ đạo trong việc rà soát, kiểm tra và xử lý những công trình, nhưng dự án “đắp chiếu”, nhưng công trình số 1- 1A Yên Phụ chưa hề động đến, Giám đốc Sở Công an Hà Nội có lẽ cũng chưa một lần báo cáo HĐND thành phố về việc này. Không lẽ vì đây là một công trình của một cơ quan có thẩm quyền lớn, nên không ai động đến? Hơn 100 tỷ đồng ngân sách Nhà nước đang lãng phí, thất thoát cần phải xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc này.
Ngay giữa Thủ đô, hơn 8000m2 sàn xây dựng đang bị bỏ hoang gần 10 năm.
Theo khảo sát của phóng viên, đã từ nhiều năm nay dự án đã không có công nhân xây dựng. Cả công trường với nhiều hạng mục đã phủ rêu, nhiều bộ phận công trình đã xuống cấp nghiêm trọng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong mùa mưa bão, ảnh hưởng đến tính mạng của những người dân ở quanh đó và những người tham gia giao thông trong khu vực.
Nhiều người dân e ngại, nhiều bộ phận công trình đã hỏng hóc, dù có hoàn thiện cũng không an tâm về mặt chất lượng, an toàn trong quá trình sử dụng. Một số người dân sống ở gần đó cho biết, đã lâu tại công trình này đã trở thành điểm đổ rác, phế thải xây dựng nên môi trường xung quanh bị ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của cư dân quanh khu vực.
Tìm hiểu được biết, ngày 4/01/2010 Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 27/QĐ-BCA-H11về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà công vụ thuộc Công an TP Hà Nội. Theo đó, chủ đầu tư của dự án này là Giám đốc Công an TP Hà Nội, địa điểm tại số 1-1A Yên Phụ (quận Tây Hồ, TP Hà Nội).
Theo đó, mục tiêu đầu tư của dự án nhằm đảm bảo nơi đón tiếp, phục vụ nghỉ ngơi cho cán bộ cảnh sát, Công an các huyện ngoại thành và Công an các địa phương về Hà Nội công tác, tập huấn, dự hội nghị, hội thảo. Tổ chức hội nghị, hội thảo, học tập, tập huấn tập trung cán bộ cảnh sát Công an TP Hà Nội và Bộ Công an.
Quy mô đầu tư xây dựng Nhà công vụ 150 giường, công trình có diện tích sàn 8.506 m2. Kiến trúc Nhà cấp II, gồm 16 tầng nổi, 3 tầng hầm, 01 tầng kỹ thuật và tầng mái, chiều cao công trình là 57,4 m (chưa tính buồng kỹ thuật thang máy cao 2,7 m). Dự án có tổng mức đầu tư trên 105 tỷ đồng; trong đó Ngân sách Nhà nước cấp qua Bộ Công an (30%): 31,5 tỷ đồng; nguồn lệ phí đăng ký quản lý xe được để lại Công an TP Hà Nội là 50 tỷ đồng, UBND thành phố Hà Nội hỗ trợ 24 tỷ đồng và được khởi công xây dựng năm 2010.
Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, công trình trình được khởi công xây dựng vào tháng 11/2010 và hiện này công trình đã xây dựng với quy mô 16 tầng nổi, 3 tầng hầm. Tuy nhiên, từ đó đến nay công trình đã dừng xây dựng và dẫn đến tình trạng “bỏ hoang” và xuống cấp như hiện nay.
Qua nghiên cứu Quyết định phê duyệt dự án của Bộ Công an đối với dự án này, chúng tôi thấy đã phân rõ từng nguồn vốn để đầu tư xây dựng công trình này, thực tế để thực hiện như hiện nay thì lượng kinh phí đã bỏ ra cũng phải khoảng trên 50-70% tổng số kinh phí đầu tư công trình. Như vậy để hoàn thiện công trình này theo dự án được duyệt thì số kinh phí còn lại không nhiều, vậy nguyên nhân dẫn đến công trình “bỏ hoang” nhiều năm nay là gì? Câu hỏi này Giám đốc Công an thành phố Hà Nội các thời kỳ phải có trách nhiệm trả lời trước nhân dân.
Trao đổi về thông tin liên quan đến dự án, ông Hoàng Xuân Sáng – Chủ tịch UBND phường Yên Phụ cho biết, cách đây không lâu phường có làm việc với Phòng Hậu cần Công an TP Hà Nội. Theo nguồn tin chưa chính thức, khoảng 2 tháng nữa dự án sẽ được tái khởi động. Tuy nhiên, về vấn đề khởi động như thế nào thì UBND phường chưa nắm rõ.
Ông Hoàng Xuân Sáng – Chủ tịch UBND phường Yên Phụ cũng cho biết: Nhiều năm qua, UBND phường Yên Phụ đã có văn bản báo cáo về quận và thành phố về việc mất an toàn tại công trình. Cụ thể, hệ thống giàn giáo đã hoen gỉ nhiều năm, gây nguy hiểm cho người dân, Hà Nội chuẩn bị vào mùa mưa bão nên vấn đề an toàn sinh mạng cần được quan tâm. Ngoài ra, phường thường xuyên phối hợp với Cty Minh Quân để thu dọn phế thải và không để tồn tại những “điểm đen” ô nhiễm. Mặt khác phường đã tổ chức kiểm tra hàng tuần và xử lý rác thải tại công trình, tốn kém công sức và tiền của.
Về các giải pháp xử lý đối với các công trình xây dựng vi phạm trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, chiều 9/7, HĐND TP Hà Nội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề về công tác bảo đảm an toàn PCCC. Được biết, tại buổi chất vấn, Giám đốc Công an TP Hà Nội Đoàn Duy Khương cho biết, hiện Công an thành phố đã chuyển 5 công trình vi phạm sang Viện kiểm sát đánh giá chứng cứ, cân nhắc khởi tố vụ án. Cụ thể là các tòa chung cư CT4, CT5A, CT5B, CT6, CT1 Khu đô thị Văn Khê (phường La Khê, quận Hà Đông); chung cư CT3A Khu đô thị Mễ Trì Thượng (quận Nam Từ Liêm), nhiều hộ gia đình tại 76 Cự Lộc (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) và dự án 89 Phùng Hưng (quận Hà Đông).
Đáng nói, dù mạnh tay quyết liệt trong việc xử lý các công trình vi phạm PCCC, nhưng dự án nhà công vụ số 1- 1A Yên Phụ mà chủ đầu tư chính là Giám đốc Công An TP Hà Nội lại “bỏ hoang” gần 10 năm nay. Nguyên nhân ở đây là gì thì cũng cần phải làm rõ và có phương án giải quyết, không lẽ công trình cứ mãi “bỏ hoang” như hiện nay?
Nhiều người đặt câu hỏi, với dự án đầu tư được phê duyệt hơn 105 tỷ đồng, với lượng công việc đã hoàn thành như hiện nay, thì nguồn vốn để hoàn thành phần còn lại của công trình không phải là nhiều. Nếu như nguyên nhân vì thiếu vốn, thì cần làm rõ là nguồn nào trong cơ cấu vốn mà dự án đầu tư đã quy định; hoặc có những điều “khuất tất” trong việc xây dựng công trình này, để dẫn tới tình trạng công trình lãng phí thất thoát như hiện nay. Câu hỏi này, cần sự trả lời của Giám đốc Công an thành phố Hà Nội từng thời kỳ. Bộ Công an và các ngành chức năng cần sớm vào cuộc để làm rõ.
Ánh Dương
Theo