Thứ bảy 05/10/2024 15:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Hà Nội chịu tác động khí thải của 20 nhà máy nhiệt điện than

16:59 | 06/06/2017

Tại buổi hội thảo về ô nhiễm không khí được tổ chức vào tối 5-6, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, ô nhiễm không khí tại Thủ đô Hà Nội đã ở mức báo động. Bên cạnh nhiều nguồn khí thải Thủ đô còn phải chịu tác động tiêu cực của khoảng 20 nhà máy nhiệt điện than ở phía Bắc.

Bà Nguyễn Thị Khanh – Giám đốc Trung tâm sáng tạo xanh (GreenID) cho biết, ô nhiễm không khí ở Hà Nội ngày càng gia tăng, đặc biệt vào giờ cao điểm. Chỉ trong năm 2016, Hà Nội đã có 8 đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Các chỉ số bụi PM10 và PM2,5 đều vượt ngưỡng trung bình năm. Tại trạm quan trắc không khí đặt tại Đại sứ quán Mỹ (Láng Hạ - Hà Nội), chỉ số chất lượng không khí (AQI) và chỉ số bụi PM2,5 đều ở mức rất cao. Trong quý 1-2017, chỉ số bụi PM2,5 là 54,6 µg/m3, số ngày vượt quá quy chuẩn Việt Nam là 37 ngày (nếu so với WHO là 78 ngày).

Lí giải về nguồn gây ô nhiễm, GS Nghiêm Trung Dũng (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, với một đô thị lớn như Hà Nội, khí thải từ giao thông phải được chú trọng hàng đầu, bên cạnh các yếu tố khác như hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng, đốt rơm rạ...

Cùng với quá trình đô thị hoá, lượng phương tiện cá nhân tăng lên rất nhanh, tạo ra lượng lớn khí thải. Điều này lí giải vì sao trong giờ cao điểm, nồng độ ô nhiễm lại tăng cao đột biến. Hiện Hà Nội có gần 6 triệu xe máy, trong đó 2,5 triệu xe đã hết hạn sử dụng từ năm 2000. Những chiếc xe máy này hàng ngày vẫn xả khí thải ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng.


Mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội cao gấp đôi TP Hồ Chí Minh

Bên cạnh các nguồn gây ô nhiễm nội tại, GS Dũng cũng lưu ý tới các nguồn xa, di chuyển về Hà Nội theo hướng gió. “Vào mùa đông, theo gió mùa đông bắc, bụi từ phía Bắc có thể di chuyển xuống Thủ đô làm gia tăng nồng độ ô nhiễm. Chưa kể, ở phía Bắc có tới gần 20 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động. Phần lớn các nhà máy này mới chỉ có thiết bị xử lí bụi, một số có khả năng xử lí SO2, chưa có nhà máy nào có thiết bị xử lí NOx" – GS Dũng nói thêm.

Đồng quan điểm, bà Khanh cho rằng, các nhà máy nhiệt điện than cũng góp phần làm gia tăng ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Mặc dù quy mô dân số, số lượng phương tiện giao thông của Thủ đô ít hơn TP Hồ Chí Minh nhưng ô nhiễm không khí tại đây lại cao gấp đôi.

"Dù các nhà máy nhiệt điện cách xa Hà Nội xong bụi mịn PM2,5 có khả năng phát tán rất xa. Theo World Bank, 60% nguồn gây ô nhiễm của New Delhi (Ấn Độ) đến từ bên ngoài. Hà Nội cũng không ngoại lệ. Chúng ta cần hành động khẩn cấp để giảm phát thải từ nhiệt điện than, hướng tới sử dụng năng lượng tái tạo" – bà Khanh nói.

Theo Khánh Vy/Cand.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load