Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, khóa XVI, lần thứ 8 được tổ chức ngày 7/4, ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, chủ trì hội nghị.
Ùn tắc giao thông trên phố Giảng Võ. (Ảnh: Tú Anh/TTXVN)
Qua thực tiễn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020” đã chứng minh và khẳng định Nghị quyết 11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo động lực mới, định hướng xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô.
Kinh tế tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số xã đạt nông thôn mới.
Chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh được cải thiện, hiệu quả đầu tư tăng lên; phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và các quy hoạch khung định hướng phát triển lâu dài cho Thủ đô. Công tác quản lý và phát triển đô thị có nhiều tiến bộ, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đạt kết quả tích cực; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường được tăng cường…
Đảng bộ thành phố luôn đoàn kết, thống nhất; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng cán bộ, đảng viên được củng cố và tăng cường; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng cán bộ đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên; vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội được phát huy.
Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, một số lĩnh vực phát huy được vai trò gương mẫu, đi đầu cả nước. Dân chủ trong Đảng và xã hội được mở rộng, tạo đồng thuận của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Liên quan đến những vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhất là lĩnh vực đô thị được đề cập trong báo cáo tại hội nghị, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi đề nghị, thành phố sớm có chỉ đạo trong việc cải tạo chung cư cũ.
Đối với khu phố cổ khi cải tạo buộc phải di dời dân nhưng chung cư ở khu phố cũ đề nghị thành phố thống nhất chủ trương tái định cư tại chỗ để phù hợp với nguyện vọng của người dân, đồng thời cũng thuận lợi hơn trong giải phóng mặt bằng.
Theo ông Hoàng Công Khôi, cần có cơ chế chính sách khuyến khích nhà đầu tư. Nếu chiều cao công trình khi cải tạo chỉ khống chế xây đến 9 tầng, khó có nhà đầu tư nào chịu bỏ vốn, ông Khôi nói.
Trong khi đó, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Huy Việt cho rằng, nội đô đang quá tải gây ùn tắc giao thông nên không thể tập trung nhiều nhà cao tầng. Thành phố cần cân nhắc khi tiếp tục cho xây nhà cao tầng trong nội đô. Các chung cư cũ nội đô khi cải tạo có thể sử dụng làm nhà văn hóa, trường học, bãi đỗ xe...
Theo Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng, việc quản lý thực hiện quy hoạch ở tầm vĩ mô của thành phố chưa thực sự hiệu quả, tốc độ phát triển còn chậm so với yêu cầu, những thủ tục còn rườm rà. Điều này cho thấy, Luật Thủ đô, Nghị quyết chưa thực sự đi vào cuộc sống. Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Trần Văn Khương kiến nghị, để Thủ đô phát triển xứng tầm, thành phố cần làm tốt hơn vấn đề quy hoạch và quản lý sau quy hoạch. Việc xử lý nước thải còn chậm, thành phố cần phải quyết liệt hơn nữa trong vấn đề xử lý nước thải của các dòng sông chảy qua huyện.
Kết luận hội nghị, Bí Thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 11, đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng; chính trị-xã hội luôn ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, môi trường bình yên, bảo đảm an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, các hoạt động đối ngoại quốc gia, các sự kiện chính trị lớn diễn ra trên địa bàn...
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng cho rằng, Hà Nội vẫn còn tình trạng gây khó dễ cho doanh nghiệp. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các sở ngành cần rà soát lại những khó khăn của doanh nghiệp để tháo gỡ, phải phấn đấu coi Hà Nội là điểm đến của các nhà đầu tư.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, cả hệ thống chính trị phải có sự đồng thuận, đổi mới về cơ chế chính sách mới kêu gọi đầu tư được. Khi đã có cơ chế chính sách, phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đối với vấn đề xây dựng quản lý trật tự đô thị, Bí thư Thành ủy yêu cầu các quận, huyện cần rà soát lại các trường hợp vi phạm để giảm dần số vụ việc tồn đọng, đặc biệt không để phát sinh trường hợp vi phạm mới.
Tại hội nghị, Hà Nội đặt ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Thủ đô đến năm 2020. Để Hà Nội hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 và thực hiện tốt vai trò là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thành phố Hà Nội đề xuất, kiến nghị với Bộ Chính trị, và cơ quan Trung ương 3 nhóm nội dung: cơ chế, chính sách đặc thù; đề xuất Trung ương quan tâm, hỗ trợ nguồn lực để hoàn thành các dự án lớn trên địa bàn và về một số nhiệm vụ đặc thù.
Theo TUYẾT MAI (TTXVN/VIETNAM+)