(Xây dựng) - Tờ Business Insider đã xếp hạng Hà Nội là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Đánh giá này dựa theo thống kê của Airbnb căn cứ trên số lượng đặt phòng qua website tăng tới 261% trong một năm trở lại đây. Đây là vinh dự nhưng cũng là sức ép cho các nhà quản lý trong bảo tồn, khai thác và phát triển những giá trị linh hồn của Hà Nội.
Hà Nội - bản sắc “siêu thị cổ”
Theo đánh giá này, Hà Nội đứng vị trí thứ 6/10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới sau La Ciotat (Pháp), Salou (Tây Ban Nha), Đài Nam (Đài Loan), Levanto (Ý)…
Phố cổ Hà Nội là một di tích sống, với dân số trên 10 vạn người, lại là nơi có hoạt động kinh doanh sôi động nhất Thủ đô nên khu vực này không chỉ phát triển hoạt động du lịch mà còn phát triển cả về thương mại. Nói như GS Hoàng Đạo Kính thì phố cổ có sức hấp dẫn mạnh mẽ với bạn bè quốc tế bởi đây là một siêu thị kiểu cổ; xưởng sản xuất kiểu cổ và đại siêu thị ẩm thực. Nó sẽ còn tồn tại ngay cả sau thời kỳ hậu công nghiệp.
Nhiều di tích, điểm mua sắm trong khu phố cổ như: Nhà cổ 87 Mã Mây, đình Kim Ngân, đền Quán Đế, chợ Đồng Xuân… là điểm dừng chân lý tưởng của du khách. Hơn nữa, khu vực này tập trung nhiều khách sạn nhỏ, được khách nước ngoài chọn để lưu trú, thuận lợi trong việc tham quan, trải nghiệm phố cổ. Nhiều du khách nước ngoài rất thích thuê khách sạn mini ở khu trung tâm, khu phố cổ giữa lòng Hà Nội mặc dù ở đó giá phòng cao hơn và tiện nghi không sang trọng bằng ở nơi khác nhưng họ có cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu văn hóa, tính cách của người Hà Nội.
Theo Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam -KTS Ngô Doãn Đức, "Nếu như Venice (Italy) trật tự đến bài bản, thì phố cổ Hà Nội có cái ồn ào nhất định, có nét hấp dẫn riêng. Mua bán, trao đổi ngay vỉa hè, từ ban công xuống, lạ, gần gũi và ấm áp".
Có thể nói, phố cổ Hà Nội chính là điển hình của nền kiến trúc dân gian Việt Nam. Sự kết hợp hài hòa, sinh động của tổng thể kiến trúc và sự tiện lợi trong cuộc sống hàng ngày đã thực sự là một bất ngờ và cũng mang đến nhiều ngạc nhiên thú vị cho du khách.
Hiện nay khu phố cổ “36 phố phường” nằm ở phía Đông thành Hà Nội. Về cơ bản, khu phố cổ nằm trọn trong địa bàn Q.Hoàn Kiếm.
Cho đến ngày nay, đa số nhà ở khu phố cổ vẫn là một tầng hoặc hai tầng, có mặt đứng giản dị được lợp bởi những viên ngói nhỏ xinh xắn gợi vẻ rêu phong và cổ kính. Hai bên tường bên vượt cao lên khỏi mái có khi tới 1,5 - 2m, xây giật cấp như những bậc thang và đầu nóc là hai trụ ngộ nghĩnh với mục đích làm kiến trúc khỏi đơn điệu và có thể thêm mục đích bảo vệ cho mái ngói trong những trận bão, lốc thường xảy ra ở Bắc Kỳ. Đây cũng là bức tường để phân cách không gian giữa hai nhà liền nhau.
Nếu đường phố trở thành một không gian gắn liền với cuộc sống trong khu phố cổ thì ngõ phố là mối liên kết không gian đó, là các huyết mạch của khu phố cổ. Ngõ ở phố cổ Hà Nội có đặc điểm là nhỏ hẹp, thường rộng khoảng 1,8 - 2,5m nhưng chiều sâu đến 100m và thường thông được sang các ngõ, phố khác. Hiện ở Hà Nội vẫn còn khá nhiều các ngõ như vậy như ngõ Hàng Hành ở phố Bảo Khánh, ngõ Tạm Thương ở phố Hàng Bông, ngõ Phất Lộc ở phố Mã Mây…
Khai thác phố cổ: Mạnh ai nấy làm
Vấn đề đặt ra là chúng ta cần có những biện pháp gì để khôi phục, bảo tồn và thậm chí phát huy được hết những giá trị kiến trúc phố cổ Hà Nội bởi đây chính là bài toán nan giải giữa bảo tồn và phát triển. Điều này chắc chắn phải có sự góp mặt và phối hợp đồng bộ của các ngành khác nhau như kiến trúc, văn hóa, du lịch…
Theo TS Vũ Anh Tú thì việc xây dựng một quy hoạch phù hợp với đặc thù các giá trị văn hóa và kiến trúc riêng có của phố cổ Hà Nội để tạo thành một điểm đến hấp dẫn và độc đáo là cần thiết. Hình thành nên những tuyến phố du lịch điển hình nhưng vẫn đảm bảo được tính nguyên dạng của nhà cổ, phố cổ Hà Nội. Đối với những con phố tiêu biểu, nên chọn những vị trí trang trọng đặt một số bảng hiệu giới thiệu ngắn gọn lịch sử lâu đời của nó nhằm cung cấp các thông tin, hiểu biết cơ bản cho người dân và du khách thì mới tôn vinh được giá trị văn hóa của đường phố ấy. Học tập kinh nghiệm một số phố cổ ở các nước: làm một số bảo tàng lộ thiên trên một đoạn nhỏ lòng đất được khai quật, thể hiện các tầng văn hóa và trưng bày các hiện vật khảo cổ học, phía trên chắn kính trong, du khách vừa tham quan vừa đi lại bình thường, không ảnh hưởng đến quỹ đất của khu phố, lại tạo cảm giác sống động về bề dày lịch sử và để lại ấn tượng khác lạ cho du khách…
Cần nghiên cứu, khôi phục phố nghề ở khu phố cổ Hà Nội như một nét văn hóa riêng. Ở mỗi phường nghề, phố nghề chỉ cần khôi phục một cơ sở sản xuất các sản phẩm cổ truyền của phố nghề cùng với việc bán hàng tại chỗ để quảng bá các sản phẩm đó. Ví dụ như ở Hàng Bạc là cơ sở sản xuất và bán các mặt hàng vàng bạc, Hàng Đào là cơ sở sản xuất, nhuộm màu và bán các mặt hàng vải lụa, quần áo, và cũng như thế thì Hàng Trống với nghề thêu, Hàng Hòm với nghề sơn ta, Hàng Bông với nghề bật bông làm chăn, đệm, Hàng Gai với nghề in…
Với kinh nghiệm thực tiễn trong việc phục vụ du khách tham quan khu phố cổ, ông Lương Duy Ngân - Giám đốc Cty Du lịch New Star Tours đánh giá: Trong khu phố cổ chưa có một trung tâm thương mại, khu mua sắm nào đảm bảo uy tín và phục vụ được những nhu cầu của du khách. Hiện mới chỉ dừng ở các cơ sở kinh doanh tự phát, mà như vậy rất khó quản lý về mặt giá cả, chất lượng và có thể dẫn đến việc trà trộn hàng giả, nhái, không đảm bảo chất lượng.
“Gần 100% khách du lịch trong nước, quốc tế đến Hà Nội theo các “tua” của trung tâm lữ hành có nhu cầu tham quan khu phố cổ. Song chủ yếu đi… cho biết, chứ không có nhu cầu tìm hiểu giá trị lịch sử, văn hóa và không mua sắm. Bởi cơ bản hàng hóa sơ sài, manh mún, chưa đặc trưng, nhất là quy trình làm ra nó vẫn trong “bí mật” một DN du lịch chia sẻ.
Đầu tư “ăn theo” di sản
Nghị quyết đại hội Đảng bộ Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội, nhiệm kỳ 2015 - 2020 cũng xác định phát triển mạnh du lịch, ưu tiên đầu tư cải tạo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ phát triển du lịch dịch vụ hoàn chỉnh, chất lượng cao khu vực phố cổ Hà Nội và hồ Hoàn Kiếm là một trong các khâu đột phá. Giá trị lịch sử văn hóa khu phố cổ tiếp tục được bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị, đồng thời quận phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch gắn liền với quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị khu phố cổ.
Khu phố cổ Hà Nội - hồ Hoàn Kiếm không chỉ đơn thuần là một di sản văn hóa vật thể. Cái hồn của phố cổ chính là nét văn hóa phi vật thể trong lòng mỗi người dân Hà Nội. Các hoạt động kinh tế, văn hóa, dịch vụ du lịch ở đây rất sôi động cả ban ngày và ban đêm.
Đã có không ít đề xuất cho việc quản lý, bảo tồn khu phố cổ Hà Nội. Chẳng hạn, theo chuyên gia người Nhật Furukawwa thì, “mặt ngoài các ngôi nhà sẽ được giữ nguyên còn bên trong thì cải tạo để nâng chất lượng sống”. Khi còn sống, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc từng đề nghị “chỉ nên chọn vài khúc phố, tuyến phố nhất định để dồn sức tôn tạo, trùng tu”… KTS Hoàng Thúc Hào thì cho rằng, "nếu đặt phố cổ ở tầm quốc gia, chứ không phải chỉ ở thành phố để đầu tư xứng đáng, ta sẽ xác định được chiến lược và quy mô đầu tư". Nhưng theo nhận định của GS Hoàng Đạo Kính, ta chưa xác lập được trong luật pháp nội dung về di sản đô thị, nên chỉ có thể đặt phố cổ ở mức cao nhất là di tích quốc gia". Như vậy, những vấn đề ứng xử đi kèm liên quan tới đầu tư tất sẽ phải "ăn theo" di tích. Mà phố cổ thì đâu chỉ đầu tư bảo tồn, còn điều tiết dân cư và giữ gìn, khôi phục không gian văn hóa…
"Giá trị lớn lao nhất cần duy trì là giá trị cuộc sống đã kết tinh và còn hiện diện, biến động nơi phố cổ". Vì vậy, cứ tìm trong cuộc sống tất có trả lời. Trong đó, chuyện bảo tồn di sản của các nước trên thế giới là một tham khảo có ích” - GS Hoàng Đạo Kính bày tỏ.
Nguyên Minh
Theo