Bộ Xây dựng và TP Hà Nội vừa có cuộc làm việc triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) và thực hiện Thông tư 02/2013/TT-BXD về chuyển đổi nhà ở thương mại sang NƠXH.
Chung cư thu nhập thấp Kiến Hưng-Hà Đông
Phải khởi công được các dự án
Chủ trì cuộc làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, các DN xây dựng và đầu tư BĐS đang phải chịu nhiều khó khăn, Bộ Xây dựng cũng đã kiểm tra, rà soát tại 11 tỉnh, thành để phối hợp tháo gỡ khó khăn. Hiện Bộ đã trình Chính phủ đề xuất tiêu chí các dự án nào tạm dừng, sau khi có ý kiến sẽ đi vào triển khai. Bên cạnh đó Ngân hàng Nhà nước cũng có Thông tư cho vay đối với NƠXH, sẽ sớm được triển khai… TP Hà Nội đã có chương trình hành động thực hiện Nghị Quyết 02, TP đã cho phép điều chỉnh 3 dự án nhà ở thương mại sang NƠXH. Tuy nhiên, hiện các dự án mang tính giải pháp Nghị quyết 02 như tiếp tục chuyển đổi, mở thêm dự án nhà xã hội… vẫn chưa nhiều. Chính phủ cũng đang chỉ đạo đến kỳ họp Quốc hội tháng 5 tới phải báo cáo số lượng các dự án NƠXH đã triển khai, nhất là các dự án điều chỉnh cơ cấu diện tích căn hộ quy mô lớn… Chính vì vậy từ nay đến tháng 5 phải đẩy mạnh triển khai các dự án. Mục tiêu từ nay đến hết tháng 4 phải khởi công được 10 dự án gồm xây dựng mới NƠXH, chuyển đổi nhà thương mại sang NƠXH, cơ cấu căn hộ…
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS cũng cho biết, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương tổng hợp nhu cầu nhà ở, trong đó làm rõ đối tượng mua, thuê mua, thuê. Trước mắt đã có 16/40 đơn vị, bộ, ngành đăng ký và theo số liệu ban đầu nhu cầu mua NƠXH đã lên đến 21 nghìn căn... Đó cũng mới chỉ là cơ quan Trung ương, số lượng sẽ còn lớn hơn rất nhiều nếu tính tất cả các đối tượng thuộc diện được mua NƠXH. Bộ Xây dựng đang phối hợp với TP Hà Nội tổng hợp đề xuất của các chủ đầu tư đồng thời đôn đốc các TCty đẩy mạnh triển khai dự án. Tại một số dự án có quỹ đất 20% nhưng chưa triển khai, Bộ và TP sẽ làm rõ chủ đầu tư, thời gian khởi công…
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, đã có 6 nhà đầu tư đăng ký đầu tư xây dựng NƠXH tại 7 địa điểm trên địa bàn TP. Trong thời gian tới TP sẽ tổ chức họp với các nhà đầu tư trên địa bàn để xem xét tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án mới và các dự án xin chuyển đổi .
Tháo gỡ cơ chế và thủ tục
Tại cuộc họp, nhiều DN đã kiến nghị về cơ chế, đồng thời tỏ ý lo lắng về thủ tục hành chính chưa sát với thực tế. Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT GP Invest cho rằng, chính sách có nhưng triển khai trên thực tế không dễ dàng. Để thực hiện được Nghị quyết của Chính phủ thì phải giải quyết được thủ tục. Chủ trương rất tích cực, đúng đắn nhưng không phải phù hợp với tất cả các dự án. Làm sao giúp DN đánh đúng vào thị hiếu người mua. Cụ thể, GP Invesst có một dự án ở Trương Định, xin điều chỉnh 2 căn to ghép thành 3 căn nhỏ. Cả TP, các sở, ngành, Bộ Xây dựng đều ủng hộ nhưng thủ tục 6 tháng chưa xong.
Ông Ngô Quang Trung - Phó giám đốc Quỹ đầu tư phát triển TP Hà Nội phản ánh: Chính sách thì đã có ưu đãi cho chủ đầu tư nhưng tốc độ phê duyệt ảnh hưởng nhiều đến các dự án. Hiện Quỹ đầu tư “phải” áp dụng lãi suất 12% do quy định không được phép thấp hơn lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước. Lãi suất cho vay không hấp dẫn các nhà đầu tư nên nguồn vốn của quỹ có 2.000 tỷ đồng, mới cho các chủ đầu tư vay được 1.400 tỷ. Cần Bộ và TP đề xuất Chính phủ cho phép cơ chế lãi suất mềm để tháo gỡ khó khăn cho các DN...
Trước các kiến nghị về thủ tục hành chính của nhiều chủ đầu tư, ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó giám đốc Sở Xây dựng cho biết, có Thông tư 02 của Bộ Xây dựng, những trường hợp như của GP Invest hay một số dự án khác đang phải chờ thủ tục sẽ nhanh chóng được giải quyết.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khẳng định: Cơ chế chính sách đã có, hướng dẫn cũng đã có, nguồn vốn thì giữa tháng 4, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông qua, còn lại là hành động của chính quyền các cấp và các DN, cần đề xuất để đưa các dự án vào thực tiễn, giải quyết nhanh thủ tục hành chính… Theo đề nghị của Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam và Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, Sở Xây dựng sẽ hoàn tất danh sách của các thành viên tổ công tác liên ngành thực hiện Thông tư 02, trong đó Bộ Xây dựng cử Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS tham gia. Về phía Hà Nội, ông Khôi cũng chỉ đạo lãnh đạo của các sở phải trực tiếp tham gia vào tổ công tác.
“Các dự án có nhu cầu chuyển đổi, điều chỉnh đã được nêu cụ thể. Nhiệm vụ số một hiện nay là rà soát các thủ tục theo tinh thần Thông tư 02, ưu tiên các dự án điều chỉnh cơ cấu căn hộ, chuyển đổi dự án thương mại sang nhà xã hội. TP cần đẩy mạnh việc kiểm tra thực hiện, thu hồi quỹ đất 20% bởi thực tế tỷ lệ thực hiện quỹ đất này theo quy định của TP rất thấp. TP cần dành nguồn lực cho kết nối hạ tầng các KĐT bởi thực tế có những KĐT chưa có điện, nước, giao thông kết nối”, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh.
Phó chủ tịch Nguyễn Văn Khôi cũng khẳng định TP sẽ tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các dự án, đối với các dự án xin chuyển đổi sẽ thực hiện đơn giản thủ tục hành chính như quy hoạch điều chỉnh, giấy phép xây dựng điều chỉnh. Những dự án mới đề xuất, các nhà đầu tư chủ động nộp hồ sơ, sớm trình TP. Các dự án nếu có chủ trương chấp thuận đầu tư nên khởi công sớm
Đến nay,UBND TP Hà Nội đã cho phép chuyển đổi 3 dự án nhà ở thương mại trên địa bàn sang làm nhà ở cho người thu nhập thấp là:Dự án xây dựng khu nhà ở Trung Văn mở rộng, huyện Từ Liêm; Dự án giai đoạn 1 khu nhà ở cao tầng đô thị Sông Đà tại 143 Trần Phú,Q.Hà Đông;Dự án tổ hợp chung cư AZ Thăng Long,huyện Hoài Đức. |
Quý Anh
Theo baoxaydung.com.vn