(Xây dựng) - Năm 2017, TP Hà Nội có thêm 2 huyện đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) là Thanh Trì và Hoài Đức, đưa tổng số lên thành 4 huyện đạt chuẩn NTM. Đến nay, Hà Nội đã có 4 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM với 255/386 xã đạt chuẩn. Trong số 92 xã còn lại, cũng không có xã nào đạt dưới 10 tiêu chí.
Để đạt được những con số trên, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU đến hết năm 2017 đạt trên 17.110 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố chiếm hơn 7.570 tỷ, chiếm 44,2%, ngân sách huyện hơn 7.400 tỷ… Vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước đạt 726,5 tỷ đồng, chiếm 8,1%, chủ yếu là vốn đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp, xã hội hoá…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Văn phòng điều phối NTM còn nhận thấy một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.
Cụ thể, thứ nhất, thành phố chưa ban hành được hướng dẫn công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để tạo điều kiện cho các địa phương có căn cứ tổ chức thực hiện.
Thứ hai, các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, mô hình chuỗi liên kết sản phẩm nông nghiệp của Thành ủy đã có nhưng còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của thành phố.
Thứ ba, kết quả thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy ở các địa phương chưa thực sự đồng đều. Các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp chưa đủ mạnh, chưa tạo cơ chế thông thoáng cho các nhà đầu tư.
Văn phòng điều phối NTM sẽ thực hiện tuyên truyền NTM bằng nhiều hình thức, nâng cao nhận thức cán bộ đảng viên và nhân dân, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động; nhấn mạnh chú trọng nhân rộng các mô hình, điển hình, làm tốt công tác giảm nghèo; chủ động lồng ghép Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững với các Chương trình mục tiêu Quốc gia khác, nhất là mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM…
Minh Thu
Theo