Thứ sáu 29/03/2024 16:06 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Nội: Người dân kêu cứu vì trạm biến áp xây dựng gây mất an toàn cho cư dân

11:27 | 25/10/2019

(Xây dựng) - Mới đây, tòa soạn Báo điện tử Xây dựng nhận được đơn kêu cứu của bà Đoàn Thị Ninh, sinh năm 1958, thường trú tại số 5A Quốc Tử Giám (phường Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội), phản ánh về việc có dấu hiệu khuất tất trong quá trình lắp đặt 2 trạm biến áp của Ban Quản lý đường sắt đô thị (QLĐSĐT)  Hà Nội, gây ảnh hưởng đến sự an toàn và cuộc sống hàng ngày của nhiều hộ dân.


Nhà số 5A (phía bên trái cột biến áp) có mặt tiền chỉ hơn 2m sẽ bị che khuất mặt tiền nếu trạm biến áp đặt tại đây.

Cụ thể, ngày 07/9/2019, 4 hộ gia đình là chủ các nhà số 5, 5A, 7, 7A Quốc Tử Giám nhận được giấy mời của UBND phường Văn Chương với nội dung họp thông báo về việc di chuyển đường dây điện trung hạ thế và lắp đặt trạm biến áp để phục vụ thi công nhà ga S11. Tại đây, các hộ được thông báo sẽ có 2 trạm biến áp hạ thế được lắp đặt ở vỉa hè ngay trước cửa nhà. Trước đó, tất cả các hộ gia đình này không hề nhận được bất cứ thông báo hay hỏi ý kiến về việc lắp đặt trạm biến áp. Ngay cả Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố cũng không hề được hỏi ý kiến hay nhận được thông tin về việc này.

Tại cuộc họp, đại diện chủ đầu tư là Ban QLĐSĐT Hà Nội giải thích việc đặt trạm biến áp trước cửa những ngôi nhà này là do nếu đặt ở vị trí khác hợp lý và an toàn hơn cho cư dân sống xung quanh, tuy nhiên đường cáp điện phải kéo dài thêm mấy chục mét. Căn cứ và yếu tố kỹ thuật, yếu tố kinh tế thì việc đặt 2 trạm biến áp tại vị trí giáp ranh giữa nhà số 5 và 5A, giữa nhà số 7 và 7A là tối ưu.

Tuy nhiên, với lý do việc triển khai lắp đặt trạm biến áp chưa được thực hiện dân chủ, công khai, chưa nhận được sự đồng thuận của các hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng; các trạm biến áp không chỉ gây mất an toàn về điện và phòng chống cháy nổ, mà còn che khuất mặt tiền, gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh ổn định, lâu dài của các hộ dân, đặc biệt là ngôi nhà số 5A có chiều rộng chỉ hơn 2m, các hộ dân vẫn kiên quyết phản đối và yêu cầu kiểm tra, xem xét lại hiện trạng.

Chia sẻ với Báo điện tử Xây dựng, bà Đoàn Thị Ninh cho biết: “Gần 2 năm nay, chúng tôi đã chịu ảnh hưởng rất lớn vì dự án phá dỡ giải phóng mặt bằng xây dựng ga S11 phố Quốc Tử Giám, đời sống sinh hoạt và việc kinh doanh của chúng tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng vì lợi ích chung, chúng tôi vẫn cố gắng chịu đựng và khắc phục. Bây giờ lại đặt tiếp 2 trạm biến áp trước cửa nhà, đẩy chúng tôi vào tình cảnh khó khăn hơn rất nhiều.

Gia đình chúng tôi đều có trẻ con đi lại hàng ngày nên việc đặt 2 trạm này không đảm bảo an toàn; cơ sở kinh doanh đang thuê mặt bằng thì đòi chấm dứt hợp đồng, yêu cầu chúng tôi phải bồi thường vì không đảm bảo điều kiện cho thuê như ban đầu. Quan trọng hơn, giấy phép đào hè, đường do UBND quận Đống Đa cấp cho chủ đầu tư ghi là di chuyển tạm thời nhưng không hề có thông tin khi nào thì phải di chuyển về vị trí cũ.

Toàn bộ các giấy tờ, bản vẽ chúng tôi được cung cấp cho thấy đây là một công trình được xây dựng vĩnh viễn chứ không có tính chất tạm thời. Điều này cho thấy đơn vị chủ đầu tư đã không minh bạch thông tin khi xin giấy phép. UBND quận Đống Đa chưa quan tâm đến ý kiến người dân, chưa thực hiện nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

Tại trang 3 của giấy phép nêu trên có ghi đơn vị được cấp phép “phải đảm bảo an toàn cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện có, hệ thống cây xanh, nghiêm cấm việc chặt rễ cây, làm hư hại đến hệ thống cây xanh”. Với quy định này thì việc đặt 2 trạm biến áp không được phép thực hiện vì tại vị trí theo thiết kế hiện nay là các cây xanh đã được trồng trên vỉa hè”.

“Riêng nhà tôi là số 5A mặt tiền chỉ hơn 2m, đã có sẵn 1 cột điện và 1 cây xanh giáp ranh. Nếu đặt trạm biến áp vào thì không còn đường đi, khi xảy ra cháy nổ có thể bao trùm toàn bộ mặt tiền không còn chỗ thoát hiểm. Hàng loạt những bất lợi và nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn tính mạng, đời sống cả vật chất và tinh thần của chúng tôi.

Chúng tôi khẩn thiết đề nghị các cấp chính quyền, các cơ quan liên quan vào cuộc xem xét, thẩm định lại để có phương án giải quyết thấu đáo nhất, đảm bảo lợi ích chung nhưng cũng phải đảm bảo công bằng, khách quan, thấu tình đạt lý, để người dân chúng tôi yên tâm làm ăn sinh sống”, bà Đoàn Thị Ninh bức xúc.


Hình ảnh mô phỏng trạm biến áp mà chủ đầu tư cho người dân xem trước không có tủ điện hạ thế nhưng lại đang được chuẩn bị lắp đặt.

Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có buổi làm việc trực tiếp với chủ đầu tư là Ban QLĐSĐT Hà Nội. Đại diện chủ đầu tư, ông Nguyễn Trung Hưng – chuyên viên văn phòng và ông Tạ Văn Lương – cán bộ phòng thực hiện Dự án 1, những người trực tiếp tham gia dự án này xác nhận: Quá trình triển khai lắp đặt trạm biến áp tại phố Quốc Tử Giám đang gặp vướng mắc do các hộ dân có nhà tại vị trí lắp đặt vẫn chưa đồng tình, tạo điều kiện ủng hộ dự án. Ban đã tổ chức đối thoại với 4 hộ có đơn kiến nghị là chủ nhà số 5, 5A, 7, 7A để cung cấp thông tin đầy đủ, phân tích rõ lý do đặt trạm tại vị trí này là phương án tối ưu, đảm bảo cả về yếu tố kỹ thuật và kinh tế.

Khi các hộ gia đình này đề nghị tổ chức khảo sát lại hiện trạng, chúng tôi cũng đã tổ chức đào thăm trước sự chứng kiến của người dân để đảm bảo tính khách quan.

Trên cơ sở giấy phép đào hè của UBND quận Đống Đa đã cấp và kết quả khảo sát thực địa, đồng thời để đảm bảo về mặt kỹ thuật vận hành của 2 trạm biến áp, chúng tôi vẫn quyết định vị trí tại số nhà 5, 5A và 7, 7A là tối ưu cho công tác di chuyển trạm. Về tủ điện hạ thế, trạm biến áp nào cũng có 1 tủ điện hạ thế đi kèm, điều này đã được thể hiện trên bản vẽ thiết kế.

Mặc dù rất hiểu và chia sẻ với những bất tiện mà người dân sẽ gặp phải, nhưng vì lợi ích chung của cả dự án, chúng tôi chỉ có thể điều chỉnh về mặt thiết kế trong phạm vi có thể để hạn chế tối đa những ảnh hưởng có thể phát sinh. Việc đặt 2 trạm biến áp ở đây chỉ là tạm thời, chúng tôi cũng cam kết sẽ chỉ đạo nhà thầu tổ chức di chuyển về vị trí cũ trong thời gian sớm nhất (dự kiến sau 22 tháng).

Theo thông tin mới nhất mà người dân cung cấp, mặc dù người dân vẫn kiên quyết phản đối, Ban QLĐSĐT Hà Nội đã tiến hành đào đặt móng và xây trạm. Đáng nói, ngoài hạng mục trạm biến áp mà phía chủ đầu tư đã cho người dân xem bản vẽ mô phỏng, Ban QLĐSĐT Hà Nội đang tiếp tục xây thêm một tủ điện có kích thước lớn đặt liền kề với trạm. Điều này hoàn toàn không đúng với cam kết trước đó của chủ đầu tư với họ.

Bà Đoàn Thị Ninh – chủ nhà số 5A bức xúc bày tỏ: “Khi khảo sát và thương lượng với chúng tôi, họ chỉ nói sẽ xây trạm tại vị trí chính giữa nhà tôi và nhà số 5. Tuy nhiên khi thi công, họ đẩy toàn bộ phần trạm sang phía nhà số 5 và khẳng định chỉ thi công đến đấy. Nhưng đến giờ, họ lại tiếp tục xây thêm 1 tủ điện trên vỉa hè nằm hoàn toàn phía nhà tôi. Việc làm này là cố tình đẩy nhà tôi vào tình thế bất lợi, trong khi diện tích chiều ngang nhà tôi nhỏ nhất trong dãy nhà này. Không thể có chuyện khảo sát một nơi, đo đạc, đánh dấu một nơi rồi lại tiến hành xây dựng ở một vị trí hoàn toàn khác. Chúng tôi hoàn toàn có quyền nghi ngờ về sự khuất tất trong quá trình triển khai thực hiện dự án này”.


Đại diện Ban QLĐSĐT Hà Nội cung cấp thông tin cho Báo điện tử Xây dựng.

Như vậy, cho đến thời điểm này, những hộ dân có nhà tại vị trí đặt 2 trạm biến áp trên phố Quốc Tử Giám vẫn chưa đồng tình và nhất trí với phương án xác định vị trí lắp đặt của chủ đầu tư. Việc Ban QLĐSĐT Hà Nội là chủ đầu tư và nhà thầu tự làm hồ sơ thiết kế, thi công; tổ chức khảo sát, xác định vị trí rồi thay đổi so với dự kiến ban đầu mà chưa thỏa thuận được với người dân chính là nguyên nhân khiến người dân nghi ngờ về tính công khai, minh bạch của quá trình triển khai thực hiện dự án. Để đảm bảo yếu tố khách quan, tránh dư luận không tốt đối với một dự án được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách của TP Hà Nội, chủ đầu tư cần trả lời và giải quyết thỏa đáng mọi vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện. Nếu cần thiết, có thể mời một đơn vị chuyên môn khác tham gia kiểm tra, khảo sát, đánh giá lại để đảm bảo tính khách quan.

Đề nghị các cấp chính quyền, ngành chức năng của TP Hà Nội có câu trả lời thỏa đáng cho những thắc mắc, kiến nghị của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án này.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Mai Thu

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load