Thứ năm 28/03/2024 23:35 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Nam: Không được xét tuyển đặc cách, giáo viên hợp đồng nguy cơ “thất nghiệp”

22:52 | 12/01/2020

(Xây dựng) – Mặc dù đã nhiều năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người, các cô giáo Mầm non tại huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam sắp phải rơi vào tình cảnh “thất nghiệp” vì không đủ điều kiện xét tuyển đặc cách. Dư luận đang quan tâm những điều kiện xét tuyển đặc cách đang được áp dụng tại huyện Thanh Liêm liệu có đúng với tinh thần công văn mà Bộ Nội vụ ban hành, việc này đang ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp của hàng trăm giáo viên Mầm non.

ha nam khong duoc xet tuyen dac cach giao vien hop dong nguy co that nghiep
Lãnh đạo huyện Thanh Liêm làm việc với phóng viên Báo điện tử Xây dựng.

Nhiều năm cống hiến không được ghi nhận

Báo điện tử Xây dựng nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của một số giáo viên mầm non trên địa bàn huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam như: Cô Trần Thị Hoa, trú tại xã Thanh Hải là giáo viên Mầm non Thanh Hải; cô Lê Thị Mai, trú tại xã Thanh Hải, là giáo viên Mầm non Liêm Sơn; cô Vũ Thị Mận, trú tại xã Liêm Sơn, là giáo viên Mầm non Thanh Hương; cô Nguyễn Thị Minh, trú tại xã Thanh Hải là giáo viên Mầm non Thanh Hải; cô Lương Thị Lý, trú tại xã Thanh Hải là giáo viên Mầm non Thanh Hải; cô Nguyễn Thị Anh Quyên, trú tại xã Liêm Cần là giáo viên Mầm non Thanh Nguyên; cô Trần Thị Tuyến, trú tại xã Thanh Thủy là giáo viên Mầm non Kiện Khê; cô Lê Thị Thủy, trú tại xã Liêm Thuận là giáo viên Mầm non Thanh Hải phản ánh về việc không được xét đặc cách tuyển dụng giáo viên, mặc dù có đủ điều kiện theo quy định của Bộ Nội vụ.

Tìm hiểu được biết, ngày 05/11/2019, Bộ Nội vụ có Công văn số 5378/BNV-CCVC về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước. Theo công văn quy định, ưu tiên tuyển dụng đặc cách cho những người cống hiến lâu năm, có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội trước 31/12/2015. Chính vì vậy, những giáo viên Mầm non trên địa bàn huyện Thanh Liêm càng thêm hy vọng có cơ hội được công nhận là giáo viên khi được đặc cách tuyển dụng.

Ngày 29/11/2019, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Kế hoạch số 3598 về việc tổ chức tuyển dụng giáo viên THPT hạng III, giáo viên THCS hạng III, giáo viên Tiểu học hạng IV, giáo viên Mầm non hạng IV năm 2019 thuộc UBND các huyện, thành phố. Số lượng giáo viên xét tuyển theo trình tự của Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ = Tổng số giáo viên cần tuyển dụng - Số giáo viên được xét tuyển đặc cách. Đối tượng được xét tuyển đặc cách: Theo quy định tại điểm 2, Công văn số 5378/BNV-CCVC ngày 05/11/2019 của Bộ Nội vụ, đảm bảo yêu cầu sau: Phải trong chỉ tiêu biên chế được giao theo Quyết định của UBND tỉnh và Nghị Quyết HĐND tỉnh. Có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng. Hiện đang hợp đồng lao động theo vị trí việc làm giáo viên năm học 2019-2020 hoặc đã hợp đồng lao động trong năm học 2018-2019; có thời gian ký hợp đồng lao động làm việc giảng dạy phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển tại cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn các huyện, thành phố trước ngày 31/12/2015 (hợp đồng lao động do Chủ tịch UBND các huyện, thành phố ký hoặc do Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo ký theo ủy quyền, nhưng phải trong danh sách phê duyệt của Chủ tịch UBND huyện, thành phố. Thời gian hợp đồng lao động phải đảm bảo liên tục trong các năm học: 2015-2016, 2016-2017, 2017-2018, 2018-2019; trường hợp đơn vị ký hợp đồng lao động theo năm học (9 tháng) được tính liên tục theo năm học; không tính thời gian chấm dứt hợp đồng lao động xét tuyển giáo viên 2017 và thời gian giáo viên hợp đồng lao động nghỉ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội). Có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Ngày 20/12/2019, UBND tỉnh Hà Nam tiếp tục ban hành Văn bản số 3867/UBND-NC về việc tuyển dụng giáo viên năm học 2019-2020. Nội dung văn bản nêu rõ, về tuyển dụng đặc cách giáo viên: Do thực trạng đối tượng hợp đồng lao động làm giáo viên ở các huyện, thành phố có nhiều hình thức khác nhau nên trong quá trình triển khai, thực hiện ở các địa phương phát sinh những vướng mắc. UBND tỉnh Hà Nam có ý kiến chỉ đạo như sau: Về thẩm quyền ký hợp đồng giáo viên: Do Chủ tịch UBND huyện, thành phố ký theo phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Hà Nam (trường hợp hợp đồng giáo viên do Hiệu trưởng các nhà trường ký phải trong danh sách được Chủ tịch UBND huyện, thành phố phê duyệt). Như vậy một số tiêu chí để xét tuyển đặc cách của các giáo viên Mầm non đã bị “co lại”, những năm tháng cống hiến và gắn bó lâu năm với nghề dường như bị bỏ qua.

Theo phản ánh của một số giáo viên, cấp học Mầm non có đặc thù riêng, giáo viên giảng dạy và nhân viên nuôi dưỡng không có sự phân biệt rạch ròi như ở cấp học Tiểu học hay Trung học. Thực tế, ở cấp học Mầm non thì công việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em luôn được ưu tiên hàng đầu, vì vậy nhân viên nuôi dưỡng thực tế vừa phải làm nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và đôi khi kiêm nhiệm cả nhiệm vụ đứng lớp giảng dạy cho các bé. "Chúng tôi bị đối xử bất công, tách khỏi đối tượng xét tuyển dụng đặc cách".

Sau khi có kế hoạch rà soát, ngày 9/12/2019 UBND huyện Thanh Liêm đã ban hành Thông báo số 932/TB-UBND về việc tuyển dụng giáo viên THPT hạng III, giáo viên THCS hạng III, giáo viên tiểu học hạng IV, giáo viên Mầm non hạng IV năm 2019. Trong đó, không có trường hợp nào được xét tuyển đặc cách ở vị trí giáo viên Mầm non mà phải xét tuyển theo trình tự. Số lượng là 180 người.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Hoàng Mạnh Dũng - Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của tỉnh, chúng tôi vừa qua thành lập Hội đồng xét tuyển đặc cách gồm có Chủ tịch UBND huyện là Chủ tịch hội đồng, đồng chí Nguyễn Văn Điểu là Phó Chủ tịch Hội đồng, các thành viên là lãnh đạo hai phòng Nội vụ và Giáo dục và Đào tạo, trên cơ sở đó chúng tôi thông báo điều kiện, tiêu chuẩn đối với cô giáo thuộc diện đối tượng xét đặc cách, bên cạnh đó thành lập Tổ rà soát do đồng chí Phó phòng Nội vụ làm Tổ trưởng. Tổ rà soát tiếp nhận toàn bộ hồ sơ đề nghị của các thầy, cô thuộc đối tượng mà theo văn bản của Trung ương, của tỉnh thì Tổ rà soát tổng hợp các hồ sơ này và báo cáo Hội đồng xem xét các điều kiện khác theo đúng tiêu chuẩn và Hội đồng có văn bản báo cáo chính thức đề nghị UBND tỉnh công nhận”.

“Nhập nhèm” trong việc sử dụng lao động

Để khách quan thông tin, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Liêm. Bà Trần Thị Phương – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Liêm cho biết: “Năm 2012, có Quyết định của UBND tỉnh các trường Mầm non được công nhận là trường công lập. Các cơ quan quản lý Nhà nước rà soát điều kiện của các cô giáo để xét viên chức giáo viên Mầm non kể các các cô quản lý và huyện Thanh Liêm được hơn 100 cô vào biên chế viên chức xét theo điều kiện tiêu chuẩn của tỉnh và huyện quy định".

ha nam khong duoc xet tuyen dac cach giao vien hop dong nguy co that nghiep
Một số cô giáo Mầm non trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng.

Bà Trần Thị Phương cũng cho biết: Đến năm 2013, có đợt xét tuyển giáo viên hợp đồng theo Thông tư liên bộ số 09 giữa Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính thì huyện Thanh Liêm được hơn 300 cô thuộc diện này. Huyện Thanh Liêm đưa tất cả các cô vào danh sách đề nghị xét hợp đồng theo Thông tư 09. Trong danh sách đề nghị thì có 16 cô giáo không thuộc đối tượng như Thông tư 09 quy định vì các cô này không có bằng chuyên môn Sư phạm Mầm non. Không có một văn bản nào của các cơ quan chức năng nói cho các cô giáo này nợ bằng, chỉ biết rằng các cô giáo chưa có bằng Sư phạm Mầm non thì không được công nhận hợp đồng 09. Thời điểm đó, huyện Thanh Liêm chỉ có tồn tại một loại hình giáo viên Mầm non hợp đồng là 09 này thôi. Sau đó, huyện Thanh Liêm không hề có hợp đồng giáo viên Mầm non ngoài hợp đồng giáo viên Mầm non 09.

Bà Trần Thị Phương cũng phân trần: "Sau khi Ngành có thông báo thì một số cô giáo xin nghỉ, còn lại 4 cô (trong đó có cô giáo Trần Thị Tuyến, Vũ Thị Mận – PV) tâm huyết muốn ở lại ngành để mục đích xin vừa làm vừa học để có bằng Sư phạm Mầm non để gắn bó với Ngành, đợi được tuyển dụng vào vị trí việc làm là giáo viên hợp đồng hoặc biên chế như chủ trương bây giờ. Từ năm 2013-2017, các cô này có nguyện vọng làm ở Ngành thì Ngành giao cho các nhà trường phân công nhiệm vụ cho các cô giáo này như nhân viên hành chính, nấu ăn. Khi trường vào công lập rồi mà không có bằng thì không ai sử dụng làm nhiệm vụ giáo viên cả. Ngành vẫn cho ngân sách như của 4 cô này để trường chi trả cho việc làm lao động hợp đồng ở vị trí việc làm khác, không phải vị trí việc làm giáo viên".

Trao đổi với phóng viên, cô giáo Trần Thị Tuyến cho biết: "Tôi làm từ năm 2009 đến nay, trước đây vẫn được ký hợp đồng và nằm trong danh sách của huyện duyệt. Vì Mầm non không có quyết định riêng cho từng cá nhân. Sau khi thời điểm chuyển đổi loại hình, từ năm 2013 - 2017 chúng tôi không được ký một loại hợp đồng nào và cũng không nhận được bất kỳ một văn bản nào để chấm dứt hợp đồng để cho nghỉ việc. Mọi công việc tại trường vẫn diễn ra bình thường, nhà trường vẫn cho chúng tôi giảng dạy. Ví dụ như chị Mận tại Mầm non Thanh Hương được đánh giá là giáo viên, còn trường của tôi lại đánh giá tôi là nhân viên. Tiền lương và bảo hiểm theo ngân sách của huyện chi trả chứ không phải như các cô giáo hợp đồng do trường chi trả. Chúng tôi hưởng lương theo quyển sổ có 6 chữ ký, chỉ đến năm 2017 các cô không có lương, vì kho bạc lúc này không cho lấy lương mà không có Quyết định cho từng cô, nên lúc này huyện mới làm Quyết định hợp đồng giáo viên giảng dạy mầm non cho từng cô để hợp thức hóa. Nếu thời điểm đó huyện có văn bản chấm dứt ngay lúc đó thì bọn tôi không học để theo đuổi nghề làm gì".

Luật sư Vi Văn A - Trưởng Văn phòng Luật sư số 7 (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Theo các tài liệu và thông tin các giáo viên cung cấp, chúng tôi nhận định phân loại có 03 loại giáo viên Mầm non khi làm việc tại các trường Mầm non ở huyện Thanh Liêm và đều có ký hợp đồng lao động (ký trực tiếp với huyện, ký với phòng Giáo dục và Đào tạo, ký trực tiếp với trường) và có đóng bảo hiểm xã hội từ trước 31/12/2015 đều là đủ điều kiện được xét tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên giảng dạy tại cơ sở công lập theo quy định của Bộ Nội vụ tại Văn bản số 5378/BNV-CCVC ngày 05/11/2019. Đây là chủ trương của Trung ương Đảng và Chính Phủ đã nêu rõ tại văn bản của Bộ Nội vụ.

Theo quy định của pháp luật, Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 ngày 18/6/2012 của Quốc Hội quy định tại Điều 22 - Loại hợp đồng lao động:

“1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn;

Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.

Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

3. Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.”

Như vậy, việc ký người sử dụng và người lao động đã có ký hợp đồng lao động như các trường hợp của giáo viên Mầm non tại huyện Thanh Liêm nêu trên thì việc ký hợp đồng có thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Việc có ký thêm hay không không quan trọng bằng việc tiếp tục làm việc sau 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn mà không ký hợp đồng lao động mới thay thế hoặc có ký thêm chỉ được 01 lần.

Đây là chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, tránh việc lách luật và trốn tránh việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Chính vì vậy, Bộ Nội vụ thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng cũng như Chính phủ trong việc xét điều kiện đặc cách tuyển dụng giáo viên còn có điều kiện thứ hai là phải đóng bảo hiểm xã hội trước thời điểm ngày 31/12/2015 liên tục cho đến thời điểm xét tuyển.

Với cả hai điều kiện trên, chúng tôi thấy các trường hợp giáo viên Mầm non làm việc tại huyện Thanh Liêm nêu trên đều đủ điều kiện xét tuyển đặc cách theo quy định.

Vấn đề khác ở đây, UBND tỉnh Hà Nam ban hành quy định xét tuyển đặc cách phải là giáo viên có ký hợp đồng trực tiếp với huyện, phòng Giáo dục và Đào tạo, (có loại trừ việc trường ký trực tiếp) là không thỏa đáng, vì tại các tài liệu cho thấy danh sách giáo viên, định biên, việc các chính sách khác đều thể hiện việc Phòng Giáo dục và đào tạo của UBND huyện Thanh Liêm xác nhận tư cách giáo viên của những trường hợp nêu trên. Thậm chí có danh sách thể hiện đến 06 chữ ký và con dấu của các ban, ngành (UBND huyện Thanh Liêm, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Liêm, phòng Nội vụ huyện Thanh Liêm, phòng Tài chính – kế hoạch huyện Thanh Liêm, UBND thị trấn/xã và Hiệu trưởng trường Mầm non). Đến nay, những cơ quan này lại không đứng ra bảo vệ quyền lợi cho giáo viên là điều bất cập.

Đáng nói hơn, có đủ điều kiện xét tuyển đặc cách giáo viên, tại sao huyện Thanh Liêm lại phải đứng ra tổ chức thi tuyển, gây ra tốn kém công sức và chi phí cho Ngân sách Nhà nước. Điều này còn chưa kể đến các mặt tiêu cực xã hội trong thi tuyển đã từng xảy ra trong các cuộc tuyển chọn công chức nói riêng, thi cử nói chung đang và đã xảy ra ở nước ta hiện nay. Quan điểm của chúng tôi là bất luận chính sách gì của địa phương cũng phải hợp pháp, tuân thủ quy định chủ trương của Đảng và Chính phủ, mà không thể để tình trạng “phép vua thua lệ làng” diễn ra.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.

Thanh Thanh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load