(Xây dựng) - Di sản - Kỳ quan thế giới Vịnh Hạ Long có hàng ngàn đảo lớn, nhỏ. Các đảo trên Vịnh Hạ Long có những hình thù riêng, không đảo nào giống đảo nào. Có chỗ đảo quần tụ lại nhìn xa ngỡ chồng chất lên nhau, nhưng cũng có chỗ đảo đứng dọc ngang xen kẽ nhau, tạo thành tuyến chạy dài hàng chục kilômét như một bức tường thành. Tên các đảo trên Vịnh Hạ Long được đặt căn cứ vào hình dáng, theo sự tích dân gian hoặc căn cứ vào các đặc sản có trên đảo hay vùng biển quanh đảo.
Từ hàng trăm năm trước, Vịnh Hạ Long (tính cả vùng Vịnh Bái Tử Long) có một số đảo có tên loài gà. Ngày 23-7-1968, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà Ung Văn Khiêm đã ký Quyết định số 372-NV sửa đổi và thống nhất tên gọi các hòn, đảo, cồn, đỉnh, núi, cửa, bến, vịnh, vũng... của miền Bắc. Trong đó, các tên đảo liên quan đến gà được đổi từ tiếng Pháp hay tiếng Hoa sang tiếng Việt, như đảo La Poule đổi thành hòn Gà Mái, Le Coq thành hòn Gà Trống, Le Escalier thành hòn Gà Chọi (thuộc địa phận Cẩm Phả), La Poussin thành hòn Đôi Gà (thuộc địa phận Hòn Gai, nay là TP Hạ Long). Trong số này, nổi tiếng nhất là hòn Đôi Gà - hay hòn Trống Mái. Trên các bản đồ Vịnh Hạ Long phát hành đến nay đều định danh là đảo Đôi Gà.
Hòn Trống Mái - điểm đến của du khách khi tới Hạ Long.
Đôi Gà thực chất ban đầu là một đảo đá nhỏ nằm gần hòn Đỉnh Hương ở phía tây nam của Vịnh Hạ Long (hòn Đỉnh Hương hiện là đảo duy nhất được chọn in trên tiền đồng Việt Nam, tờ 200.000 đồng - PV). Trải qua hàng ngàn năm phong hoá của đá vôi, sự ăn mòn của nước biển và tác động của gió, đảo đá tách làm hai, có hình thù giống như một đôi gà, một trống một mái. Trên lưng mỗi “chú gà” có một số loài thực vật xanh tươi, bám vào các hốc đá khiến cho đảo có sức sống chứ không phải khối đá chết, vô tri vô giác. Giống như hòn Đỉnh Hương, hòn Bút, những khi thuỷ triều xuống thấp nhất, hòn Trống Mái với mỗi “chú gà” có chiều cao khoảng hơn 10m, chân thót lại ở tư thế rất chênh vênh gợi cho người xem cảm giác khối đá khổng lồ có thể gãy bất cứ lúc nào. Có lẽ chính vì thế mà hòn Trống Mái trở nên hấp dẫn du khách hơn.
Hòn Trống Mái được coi là biểu tượng trên logo của Vịnh Hạ Long, của du lịch Quảng Ninh nói riêng và cũng là biểu tượng trong sách hướng dẫn du lịch Việt Nam nói chung. |
Nằm giữa trung tâm vùng bảo vệ tuyệt đối của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, hoà quyện hữu tình giữa đá - nước và bầu trời, chẳng lạ khi từ lâu, hòn Trống Mái đã đi vào thi ca, nhiếp ảnh, hội hoạ của nhiều nghệ sĩ, du khách. Có thể kể như: “Đây hòn Trống Mái, nọ Lư Hương/ Biển hiện dần lên, phẳng lặng gương/ Chưa đến Thiên Cung, còn Sửng Sốt/ Hạ Long mờ ảo hiện trong sương” (bài Vịnh Hạ Long của Phan Duy Kha), “Trống Mái đôi ta ôm sóng biển/ Hạ Long ngàn kiếp chẳng buông lơi/ Còn non còn nước còn chung sống/ Muôn thuở còn đây sống trọn đời” (bài Hòn Trống Mái của Phạm Đình Nhân)...
Chẳng biết tự bao giờ, hòn Trống Mái được coi là biểu tượng trên logo của Vịnh Hạ Long, của du lịch Quảng Ninh nói riêng và cũng là biểu tượng trong sách hướng dẫn du lịch Việt Nam nói chung. Ngoài ra, hòn Trống Mái được chọn là logo của nhãn hiệu bia Hạ Long, phối trong nhiều logo của các doanh nghiệp du lịch v.v..
Với vẻ đẹp tự nhiên và sự nổi tiếng từ lâu, hòn Trống Mái đã và đang là một trong các địa điểm du khách không thể bỏ qua khi đến với Hạ Long.
PV
Theo