Thứ sáu 29/03/2024 15:14 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Giang triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả mưa lũ

18:57 | 30/07/2020

(Xây dựng) - Từ đêm ngày 19 - 21/7 tại tỉnh Hà Giang đã xảy ra mưa lớn, gây lũ ống, sạt lở đất, ngập lụt nghiêm trọng, thiệt hại nặng nề về người, nhà cửa của nhân dân, công trình hạ tầng, ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là tại các huyện Hoàng Su Phì, Bắc Mê, thành phố Hà Giang. Tỉnh Hà Giang đã khẩn trương huy động phương tiện, nhân lực giúp người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.

ha giang trien khai cac bien phap cap bach khac phuc hau qua mua lu
UBND tỉnh Hà Giang cử lực lượng chức năng hỗ trợ người dân từ vùng ngập úng đến nơi an toàn.

Liên quan đến đợt mưa lớn tại thành phố Hà Giang gây thiệt hại nghiêm trọng, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định lượng mưa từ 19h ngày 20/7 đến 19h ngày 21/7 đạt 347mm. Đây là lượng mưa trong vòng 24 giờ lớn nhất theo số liệu quan trắc từ năm 1961 đến nay.

Mưa to đến rất to, gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân tại các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Bắc Mê và thành phố Hà Giang. Cụ thể: Tính đến chiều 22/7 trên địa bàn toàn tỉnh đã có 5 người chết và 2 người bị thương. Có 2 nhà bị vùi lấp và cuốn trôi; 64 nhà bị sạt đổ; 2.800 nhà dân bị ngập úng nước tràn vào nhà; hơn 446 ha lúa mới cấy và hoa màu bị ngập úng; hơn 16 ha cây lâm nghiệp và cây chè bị thiệt hại; hơn 57 ha ao cá truyền thống bị thiệt hại; nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị sạt lở nghiêm trọng... Tổng thiệt hại về nhà, hạ tầng và sản xuất nông nghiệp ước đến thời điểm cuối ngày 22/7 là trên 125 tỷ đồng; ước giá trị thiệt hai của hai Nhà máy thủy điện Thái An là 350 tỷ đồng, nhà máy thủy điện Thuận Hòa là 20 tỷ đồng...

Để kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Công điện số 2275/CĐ-CTUBND ngày 21/7/2020 và Công văn số 2277/UBND-KTTH ngày 21/7/2020 chỉ đạo, giao cho các cơ quan, đơn vị và các địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ như: Giao cho UBND thành phố Hà Giang và các huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Bắc Mê tiếp tục tuyên truyền, động viện và ổn định tư tưởng cho người dân vùng bị thiệt hại, hạn chế việc di chuyển (trừ trường hợp cần thiết) trong thời điểm tiếp tục có mưa to.

Cử lực lượng Công an, quân sự, dân quân, thanh niên, đội xung kích xã, phường hỗ trợ việc di dời tạm thời người và tài sản đối với các hộ đã bị ngập đến nơi khô ráo, an toàn để đề phòng nước tiếp tục dâng cao.

Chuẩn bị sẵn các lực lượng Công an, quân sự, dân quân, thanh niên, môi trường và cộng đồng dân cư hỗ trợ người dân khu vực bị thiệt hại triển khai các biện pháp khắc phục ngay sau khi nước rút (khơi thông cống rãnh, rửa dọn nhà và đường phố, khu vực dân cư).

Đối với diện tích lúa, hoa mầu và cây trồng bị ngập úng, chỉ đạo bộ phận chuyên chuyên môn tổ chức kiểm tra, đánh giá cụ thể ngay sau khi nước rút và hướng dẫn người dân khôi phục lại sản xuất theo hướng dẫn của Tổ công tác chuyên môn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với huyện, xã triển khai.

Giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập ngay 01 Tổ công (yêu cầu lựa chọn những người tham gia phải có kỹ thuật và kinh nghiệm thực tiễn) để phối hợp với các địa phương để xác định mức độ thiệt hại, thống nhất và đưa ra giải pháp khắc phục phù hợp (cụ thể loại cây trồng thay thế, nguồn giống cung cấp).

Giao cho Sở Công thương tiếp tục kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện quy trình vận hành đón, xả lũ các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là trên hệ thống sông Miện, sông Lô.

Giao cho Sở Y tế chỉ đạo lực lượng chuyên môn nắm bắt thực tế tình hình tại thành phố Hà Giang và các huyện; kịp thời có giải pháp để vệ sinh môi trường, nguồn nước sinh hoạt, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra dịch bệnh.

Giao cho Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiếp tục duy trì lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tham gia hỗ trợ cho thành phố Hà Giang và các huyện triển khai nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.

Hà Giang là địa phương nằm trong vùng thường xuyên phải gánh chịu những hậu quả trực tiếp từ thiên tai như bão, lũ. Vì vậy, trong thời gian tới UBND tỉnh Hà Giang đề nghị các đơn vị có liên quan tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, để thực hiện tốt công tác phòng ngừa ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Tập trung cho công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất của nhân dân theo chỉ đạo của của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT tại Công văn số 90/TWPCTT, ngày 21/7/2020 và theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Văn bản số 2277/UBND-KTTH, ngày 21/7/2020.

Công tác khắc phục, hỗ trợ vùng bị thiệt hại đảm bảo công khai, đúng đối tượng, đúng chế độ chính sách, góp phần ổn định đời sống nhân dân.

Thành Luân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load