Thứ năm 18/04/2024 22:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Giang, nơi tôi đến...

15:00 | 26/01/2020

(Xây dựng) - Hình ảnh đẹp nhất đọng lại trong chuyến hành trình tình nguyện “Đông ấm vùng cao” của Chi đoàn Báo Xây dựng là ánh mắt và nụ cười ngây thơ, trong sáng của những em nhỏ vùng cao thiếu thốn đủ bề, nhưng chưa bao giờ ngừng hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

ha giang noi toi den

Chương trình tình nguyện “Đông ấm vùng cao” được Chi đoàn thanh niên Báo Xây dựng thực hiện vào cuối năm 2019 để trao tặng hơn 400 suất quà cho học sinh các trường tiểu học ở xã Kim Linh (huyện Vị Xuyên) và xã Lũng Thầu, Hố Quáng Phìn (huyện Đồng Văn). Quà tặng bao gồm áo khoác, ủng cao su, khăn quàng và bánh kẹo, tổng giá trị 120 triệu đồng. Chương trình có nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của UBND các phường ở Hà Nội, Hải Phòng và các đơn vị đồng hành như trang trại Trường Thành Farm, khách sạn Rex Hanoi...

Hà Giang không chỉ có vẻ đẹp hùng vĩ của non nước mà thiên nhiên ban tặng, nơi đây còn có những ánh mắt trong veo và nụ cười thơ ngây của các em nhỏ người dân tộc thiểu số thiếu thốn đủ bề, nhưng chưa bao giờ đánh mất niềm tin vào cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn.

Một hình ảnh đáng nhớ khác diễn ra ở trường tiểu học của xã Kim Linh. Khi xuống thăm nhà bếp của trường, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy vài em học sinh đang phụ giúp các cô nấu cơm. Việc sinh hoạt trong môi trường tập thể từ nhỏ đã giúp các em trưởng thành sớm hơn, biết tự lập và giúp đỡ những người xung quanh.

Mảnh đất Hà Giang không chỉ có màu xanh của non nước mà còn có màu xanh của hy vọng về một cuộc sống ấm no hơn cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, đặc biệt là các em học sinh đang phải vượt lên nhiều khó khăn để gìn giữ giấc mơ con chữ. Điểm đến đầu tiên của Chi đoàn Báo Xây dựng trong hành trình tình nguyện ở Hà Giang là Trường Tiểu học Kim Linh, huyện Vị Xuyên. Chào đón chúng tôi là thầy cô và hơn 100 học sinh đang học bán trú tại trường. Đối với các em học sinh tại đây, những bộ quần áo mới để diện ngày Tết là một thứ gì đó rất xa xỉ. Chắc chắn không ai lại không động lòng khi nhìn thấy các em co ro trong những bộ quần áo mỏng manh, chân không đi tất. Hình ảnh của các em trái ngược hoàn toàn với những người lớn như chúng tôi vẫn phải mặc áo khoác để tránh cái rét ở vùng địa đầu Tổ quốc.

Cô Bế Thị Vân Anh - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Linh cho biết, trường có 98 em học sinh thuộc hộ nghèo, hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Em nào có nhà gần cũng phải 3 - 4 km, nhà xa thì đến 9 km, hầu hết đều xuống trường vào thứ 2 và chỉ về nhà vào hai ngày cuối tuần. Vì kế sinh nhai, hầu hết cha mẹ các em đều phải đi làm ăn xa, giao con cho ông bà trông nom. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến việc học tập của các em không được quan tâm đúng mức.

“Hiện nay trường có một khu bán trú cho 115 học sinh. Các em đến từ các hộ nghèo ở rất xa trường nên cuộc sống tại đây gần như phụ thuộc hoàn toàn vào các thầy cô. Có những em chỉ có duy nhất một bộ quần áo mặc suốt cả tuần. Các thầy cô cũng đã cố gắng quyên góp vật dụng cá nhân để giúp đỡ học sinh, nhưng cũng không thể khắc phục được hoàn toàn những khó khăn vật chất còn tồn tại”, cô Bế Thị Vân Anh chia sẻ.

Nhưng dù sao thì điều kiện ở trường Tiểu học Kim Linh vẫn còn tốt hơn 2 điểm trường tại huyện Đồng Văn. Nằm cheo leo trên vách núi, điểm trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Lũng Thầu chỉ có vỏn vẹn 18 em từ lứa tuổi mẫu giáo đến lớp 1. Trường thuộc xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Đồng Văn, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, học sinh đều là người Mông. Khi chúng tôi đến thăm, cô trò tại đây đang phải học trong tình trạng thiếu sáng vì đèn điện bị hỏng. Tài liệu học tập rất ít, chủ yếu đến từ việc quyên góp. Cô giáo cũng không dám cho học sinh mang sách vở về nhà vì sợ các em làm thất lạc, và dù không làm mất thì các em cũng không có thời gian để tự ôn tập.

Thầy hiệu trưởng Nguyễn Đình Xuân cho biết: “Số lượng các hộ nghèo ở xã Lũng Thầu vẫn còn rất nhiều, nên không ít khó khăn cho hoạt động giáo dục. Cơ sở vật chất của nhà trường chỉ cơ bản đáp ứng điều kiện tối thiểu để các cháu đến trường. Chính quyền xã cũng muốn giúp đỡ, nhưng cũng chỉ có thể hỗ trợ về tinh thần. Còn về mặt vật chất thì nhà trường đều mua sắm tập trung theo gói của huyện, tỉnh và Sở GD&ĐT dựa trên nhu cầu thực tế”.

Hoàn cảnh của học sinh tại điểm trường của xã Hố Quáng Phìn thậm chí còn khó khăn hơn nữa. Là xã nghèo nhất của huyện Đồng Văn, người dân ở đây chủ yếu làm nông trên vùng đồi núi khô cằn chỉ toàn đá là đá, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng vào mùa khô. Họ ăn không đủ no, lo không đủ ấm thì sao dám nghĩ đến chuyện học hành tử tế cho con cái.

Điểm trường chúng tôi đến thăm thuộc một trong những thôn nghèo và xa nhất của xã Hố Quáng Phìn. Gọi là lớp học cho oai chứ nơi các em nhỏ ngồi học chỉ là một gian phòng nhỏ rộng vài chục mét vuông, không có đèn điện, không có bàn học, chỉ có những chiếc ghế nhỏ cho hơn 20 em học sinh ngồi nghe cô giáo giảng bài.

Trò chuyện, các thầy cô mong các cấp, ngành, đoàn thể quan tâm hơn nữa đến những điểm trường khó khăn, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị học tập và quan trọng hơn là thay đổi suy nghĩ của thế hệ trẻ vùng cao về con đường học tập để thoát nghèo.

Anh Lầu Mĩ Mua - Bí thư Đoàn xã Hố Quáng Phìn cho biết, học sinh tại đây đều đến từ các hộ nghèo, nhà xa, thiếu thốn vật chất và thường phải đi bộ khoảng 2 - 3 km để tới trường. Các em chưa nói rành tiếng phổ thông nên hiểu biết và khả năng giao tiếp còn hạn chế. “Chúng tôi rất mong các đoàn hảo tâm, các Mạnh Thường Quân sẽ chia sẻ để học sinh ở đây hiểu rõ thiệt thòi của việc không được đi học. Như vậy thì các em sẽ cố gắng học tập để thoát nghèo. Thực tế là phần lớn học sinh ở đây đều nghỉ học sau khi kết thúc chương trình lớp 9 vì nhiều lý do khác nhau. Điều này dẫn đến tình trạng không có hiểu biết, không có trình độ lại tái diễn, nghèo thì vẫn hoàn nghèo, từ đời này sang đời khác”, anh Lầu Mĩ Mua nói khi chia tay đoàn.

Hữu Mạnh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load