Thứ sáu 19/04/2024 12:54 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Giang khánh thành công trình bơm nước sinh hoạt không dùng điện

19:28 | 16/11/2019

Dự án KaWaTech là một công nghệ không dùng năng lượng điện hỗ trợ để bơm một nhịp lên gần 600m, cấp nước cho hàng nghìn hộ dân với hơn 10.000 người dân được hưởng lợi.

Hà Giang khánh thành công trình bơm nước sinh hoạt không dùng điện
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và các đại biểu cắt băng khánh thành Trạm bơm nước Séo Hồ không dùng điện ở xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Minh Tâm/TTXVN)

Ngày 16/11, tại xã Thài Phìn Tủng (huyện Đồng Văn), Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức lễ khánh thành công trình Trạm bơm nước Séo Hồ không dùng điện (PAT) thuộc dự án Nghiên cứu triển khai công nghệ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước ở các vùng núi đá vôi Việt Nam - KaWaTech.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang, Dự án KaWaTech được triển khai từ tháng 1/2013 đến nay, do Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản Việt Nam và Viện quản lý nước và lưu vực sông - Quản lý tài nguyên nước và kỹ thuật môi trường (KIT) Cộng hòa Liên bang Đức thực hiện bao gồm vốn của Bộ Giáo dục và nghiên cứu Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ, vốn hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ và vốn đối ứng của tỉnh Hà Giang.

Dự án khởi động từ tháng 2/2014 với tổng kinh phí trên 110 tỷ đồng; trong đó vốn đối ứng của tỉnh Hà Giang gần 70 tỷ đồng, ngoài ra còn có vốn hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ và đối tác Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng các bên tham gia Dự án đã hết sức nỗ lực tổ chức thi công các dự án, đến nay Trạm Bơm nước Séo Hồ đã bơm thành công nước lên bể chứa trên đỉnh Ma Ú với lưu lượng 1.600 m3/ngày đêm, độ chênh cao gần 600m, cấp đủ nước cho toàn bộ thị trấn Đồng Văn.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cảm ơn Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Cộng hòa Liên Bang Đức đã đồng hành cùng Bộ Khoa học và Công nghệ và Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản và các chuyên gia của Việt Nam, đặc biệt là giáo sư-tiến sỹ Franz Nestmann và nhiều giáo sư của Việt Nam đã có nhiều tâm huyết, đầu tư nhiều thời gian, công sức đưa kết quả nghiên cứu khoa học ứng dụng thành công vào điều kiện thực tiễn góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Hà Giang.

Thứ trưởng Lê Xuân Định cho rằng dự án Nghiên cứu triển khai công nghệ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước ở các vùng núi đá vôi Việt Nam, áp dụng thử nghiệm ở một số khu vực thuộc Công viên Địa Chất toàn cầu Cao Nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang - KaWaTech.

Hà Giang khánh thành công trình bơm nước sinh hoạt không dùng điện
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và các đại biểu tham quan công trình Trạm bơm nước Séo Hồ không dùng điện vừa khánh thành ở xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Minh Tâm/TTXVN)

Dự án đã ứng dụng công nghệ cao, vận hành tự động, thiết kế đơn giản có tính khả thi đã và đang đem lại một giải pháp cung cấp nước bền vững cho đồng bào vùng cao của Hà Giang và có tiềm năng nhân rộng ra các vùng khác.

Dự án KaWaTech là một công nghệ không dùng năng lượng điện hỗ trợ để bơm một nhịp lên gần 600m, cấp nước cho hàng nghìn hộ dân với hơn 10.000 người dân được hưởng lợi.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Cộng hòa Liên Bang Đức, các Bộ, ngành Trung ương, các nhà khoa học trong việc tìm kiếm các giải pháp về cấp nước sinh hoạt cũng như các giải pháp sinh kế phát triển kinh tế, xã hội bền vững cho đồng bào vùng Cao nguyên đá Đồng Văn.

Giáo sư-tiến sỹ Franz Nestmann, Viện Quản lý nước và lưu vực sông (IWG) Cộng hòa Liên bang Đức, cho biết để có được sự thành công của dự án bơm nước không điện, phải nói đến sự nỗ lực trong mối quan hệ hợp tác quốc tế của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là mối quan hệ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức ngày càng được sâu, rộng.

Thông qua mối quan hệ hợp tác, Đảng và nhà nước đã quan tâm tạo điều kiện cho các địa phương nghèo như Hà Giang được tham gia Chương trình hợp tác theo Nghị định thư. Đồng thời, mong muốn tỉnh Hà Giang nói chung và huyện Đồng Văn nói riêng sẽ phát huy hiệu quả dự án để ngày càng có nhiều đồng bào các dân tộc ở Cao nguyên đá Đồng Văn - nơi đặc biệt khó khăn nhất của Việt Nam được sử dụng nước sinh hoạt.

Theo Minh Tâm (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load