Với những tính toán dự trên số liệu từ dự thảo Quy hoạch Điện VIII, Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cho biết, từ năm 2030 trở đi, Việt Nam sẽ phải chi ít nhất từ 10-15 tỉ USD/năm, để phục vụ việc nhập khẩu than, khí làm nhiên liệu cho sản xuất điện.
Cần bao nhiêu tiền để nhập khẩu than
Theo số liệu tại tờ trình Quy hoạch Điện VIII, với phương án cơ sở, than nhập khẩu sẽ tăng từ 53,8 triệu tấn vào năm 2030 lên 75,3 triệu tấn vào năm 2045; với phương án cao, than nhập khẩu tăng từ 56,3 triệu tấn vào năm 2030 lên 80,3 triệu tấn vào năm 2045.
Cũng theo tờ trình Quy hoạch Điện VIII, nhiên liệu LNG nhập khẩu cũng tăng cao trong giai đoạn 2030-2045. Trong đó, trong năm 2030, dự kiến sẽ nhập khẩu 10,4 triệu tấn khí, năm 2045 tăng lên 31,7 triệu tấn.
Đánh giá về phương án nhiên liệu sử dụng cho phát điện giai đoạn tới năm 2045, Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cho biết, từ năm 2030 trở đi, Việt Nam sẽ phải chi ít nhất từ 10-15 tỉ USD/năm, để phục vụ việc nhập khẩu than, khí làm nhiên liệu cho sản xuất điện.
Tính toán này được GWEC dựa trên cơ sở dự kiến công suất huy động từ các nguồn điện sử dụng nhiên liệu nhập khẩu, thông số kỹ thuật và giá nhiên liệu dự kiến trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII.
Điện than vẫn chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu nguồn điện. Ảnh minh hoạ, nguồn EVN |
"Với tỉ lệ nguyên liệu nhập khẩu ngày càng lớn, đặc biệt là nguồn khí nhập khẩu, nền năng lượng Việt Nam sẽ phụ thuộc với thị trường nhiên liệu thế giới vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến động.
Các kịch bản về giá khí đốt đang được xem xét trong Quy hoạch điện VIII, nếu không được đánh giá kĩ lưỡng, nhiều khả năng sẽ đưa Việt Nam vào thế bị động phải tiếp tục huy động nguồn điện sử dụng nhiên liệu hết sức đắt đỏ", GWEC nhận định, đồng thời cho biết, dự kiến 60% chi phí vòng đời một dự án điện khí là chi phí nhiên liệu, và phần đầu tư này sẽ hoàn toàn phục vụ cho hoạt động nhập khẩu và không đóng góp nhiều cho kinh tế nội địa”, GWEC nhận định.
Tăng rủi ro và nguy cơ thiếu điện
Theo GWEC, việc phụ thuộc vào nguồn nguyên nhiên liệu nhập khẩu sẽ làm tăng rủi ro và nguy cơ thiếu điện. Bởi, hiện có đến 70% dự án nhiệt điện than chậm tiến độ.
Theo đó, danh mục dự án ưu tiên của dự thảo Quy hoạch Điện VIII liệt kê 21 dự án điện than. Qua rà soát cho thấy, khoảng 70% dự án chậm tiến độ, trong đó, có những dự án đã được đưa vào từ Quy hoạch Điện VI (2006-2010) và tiếp tục điều chỉnh tiến độ ở Quy hoạch Điện VII (2011-2020), nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào vận hành.
Bên cạnh đó, một số dự án nhiệt điện đã được địa phương yêu cầu loại khỏi quy hoạch,dự án chậm muộn và đang khó khăn trong huy động vốn nhưng vẫn tiếp tục được đưa vào danh mục dự án ưu tiên.
Một số ví dụ tiêu biểu đã được nêu trong Quy hoạch điện 8 có thể kể đến dự án Điện than Long Phú I với quy mô 1.200 MW và ngày dự kiến phát điện là 2019. Tuy nhiên, do nhà thầu Nga bị cấm vận, dự án đã treo từ năm 2018 đến nay, với khối lượng công việc hoàn thành ước đạt khoảng 78%.
Tương tự, dự án nhiệt điện than Công Thanh với tổng quy mô 660 MW đã bị treo hơn 11 năm, và gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn. Ngày dự kiến hoạt động của dự án đã bị lùi nhiều lần và gần đây nhất là từ 2019 đến 2026.
Theo GWEC, trong bối cảnh sức ép quốc tế đối với việc giảm phát thải carbon và xu hướng không cho vay đối với điện than ngày càng lớn, Quy hoạch Điện VIII cần rà soát lại danh mục các dự án điện than ưu tiên để đánh giá tính khả thi về mặt huy động vốn, tránh tình trạng dự án liên tục trễ hạn đã xảy ra trong thời gian dài trở lại đây.
Giải pháp nào để đảm bảo đủ điện Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình cung ứng điện trước bối cảnh thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng nhiên liệu. Theo đó, để đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ Công Thương cho rằng, việc Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch phát triển điện quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch Điện VIII) là giải pháp quan trọng góp phần giảm nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế đất nước, hậu COVID-19. Ngoài ra, Bộ này cũng rà soát các dự án điện đang xây dựng và đưa vào vận hành trong giai đoạn 2021-2025, đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo tiến độ đã đề ra, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng và vận hành các công trình nguồn và lưới điện. |
Theo Cường Ngô/Laodong.vn