(Xây dựng) – Bộ Xây dựng vừa có văn bản góp ý dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Dự án “Tổng điều tra, đánh giá, phân loại các nguồn thải trên phạm vi cả nước, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải” của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiệm vụ Tổng điều tra, đánh giá, phân loại các nguồn thải trên phạm vi cả nước, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải, hoàn thành trong năm 2018.
Việc xây dựng hệ thống thông quốc gia về nguồn thải sẽ có nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội (ảnh minh họa)
Mục tiêu của nhằm xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải để quản lý, theo dõi đồng bộ hiện trạng, diễn biến phát sinh chất thải theo nguồn thải từ Trung ương đến địa phương; thời gian thực hiện là 3 năm từ 2017 - 2019. Trong đó, sẽ tập trung vào việc tổng điều tra, thống kê dữ liệu đồng bộ về tất cả các nguồn thải trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo phục vụ công tác theo dõi và thống nhất quản lý nguồn phát sinh chất thải. Đồng thời, xây dựng hệ thống thông tin quốc gia về nguồn thải; các cơ chế, chính sách để quản lý, duy trì hoạt động của hệ thống thông tin quốc gia về nguồn thải.
Qua đó, việc xây dựng hệ thống thông quốc gia về nguồn thải sẽ có nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội giúp đồng bộ hóa dữ liệu, giảm thời gian, chi phí phân tích, báo cáo các cấp; khả năng cảnh báo ô nhiễm giúp các nhà quản lý kiểm soát chặt chẽ hơn các nguồn thải, tránh để xảy ra các sự cố môi trường nghiêm trọng, từ đó giảm chi phí cho việc khắc phục hậu quả môi trường. Là nơi trao đổi, tiếp nhận thông tin về nguồn thải và công tác quản lý để người dân có thể trực tiếp phản ánh đến các cấp quản lý, đảm bảo cuộc sống trong lành cho toàn xã hội.
Về phía Bộ Xây dựng hoàn toàn nhất trí với chủ chương xây dựng dự án “Tổng điều tra, đánh giá, phân loại các nguồn thải trên phạm vi cả nước, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải”. Để hoàn thiện dự án, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu xem xét bổ sung một số nội dung như:
Nâng cao năng lực quản lý, lưu trữ và giám sát cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành liên quan từ trung ương tới địa phương”; Tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin, lưu trữ thông tin, phân cấp phân quyền quản lý của các Bộ, ngành liên quan từ trung ương tới địa phương.
Về tổ chức thực hiện, tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các Bộ, ngành, địa phương rà soát, kiểm kê, đánh giá các nguồn thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Do đó, cần có sự tham gia của các Bộ, ngành trong Dự án. Đối với tổ chức điều tra nguồn thải, theo thuyết minh dự án, nguồn nhân lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường và quản lý môi trường ở địa phương có hạn, vì vậy, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng biểu mẫu điều tra, ngoài tập huấn cho các địa phương, cần tập huấn cho các Bộ, ngành liên quan để tổ chức thực hiện điều tra các cơ sở trực thuộc Bộ, ngành quản lý và báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đối với việc xây dựng và quản lý phần mềm, khi xây dựng phần mềm cần tham khảo các Bộ, ngành liên quan, vì hiện nay có nhiều Bộ, ngành và địa phương đã xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu nguồn thải. Về mô hình kiến trúc hệ thống, thiếu sự tham gia quản lý của các Bộ, ngành.
Khi tiến hành tập huấn chuyển giao phần mềm, dự án mới chỉ tập trung tập huấn tại 8 địa điểm là chưa phù hợp. Phần mềm cần thực hiện theo hướng chủ nguồn thải tự cập nhập số liệu; các Bộ, ngành và địa phương sẽ được phân cấp phân quyền quản lý, đôn đốc và giám sát việc cập nhật cơ sở dữ liệu.
Do đó, dự án cần tập huấn đến từng chủ nguồn thải. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đào tạo cho các địa phương và Bộ, ngành. Tiếp đó, các Bộ, ngành và địa phương sẽ triển khai tập huấn tới từng chủ nguồn thải trực thuộc. Về phần kinh phí thực hiện, Bộ Xây dựng xét thấy còn thiếu phần kinh phí cho các Bộ, ngành để thực hiện, vấn đề này cần được bổ sung.
Tuyết Hạnh
Theo