Sáng 4/10, tại Hà Nội, đã diễn ra toạ đàm “Góp ý hoàn thiện các vấn đề về nông nghiệp trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện chính sách và chiến lược phát triển nông thôn tổ chức.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban pháp chế (VCCI) cho biết, sau gần 8 năm thi hành Luật Đất đai 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, khả thi cho việc khai thác nguồn lực, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai... Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất còn tồn tại, hạn chế.
“Việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ít vốn, nhiều doanh nghiệp phải sử dụng đất của mình để phục vụ sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, thủ tục đất đai là hạn chế lớn đối với doanh nghiệp, hàng năm chúng tôi điều tra doanh nghiệp thì thủ tục đất đai là vướng mắc lớn nhất, tạo ra chi phí, rủi ro với doanh nghiệp, chưa thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh…”, ông Đậu Anh Tuấn cho hay.
Đại diện VCCI mong muốn, sửa đổi Luật Đất đai 2013 sẽ tháo gỡ được những vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, đại diện cho Ban soạn thảo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chia sẻ tại tọa đàm. |
Ở góc độ quản lý, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, đại diện cho Ban soạn thảo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho biết, dự thảo Luật Đất đai 2013 được xây dựng nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách pháp luật có liên quan đến đất đai. Đồng thời, giải quyết các vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn quản lý, sử dụng đất, đảm bảo hài hoà quyền lợi và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư…
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều, sửa đổi, bổ sung 184 điều, bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều.
Liên quan đến đất nông nghiệp, theo bà Mỹ, đây là nội dung chiếm thời lượng lớn nhất trong dự thảo Luật Đất đai 2013 sửa đổi. Theo đó, dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định mới về thời hạn sử dụng đất, mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Đồng thời, mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, dự thảo Luật đã bỏ quy định khung giá đất, theo đó, bảng giá đất sẽ được xây dựng căn cứ vào giá đất phổ biến trên thị trường và biến động giá đất, thay vì căn cứ vào khung giá đất của Chính phủ như hiện nay. Ngoài ra, dự thảo có quy định mới về ngân hàng đất nông nghiệp, quy định về các hình thức tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp…
PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, thực tiễn thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng bao gồm hai trường hợp là thu hồi đất vì mục đích công cộng không tạo ra sự chênh lệch về địa tô khi thay đổi mục đích sử dụng đất như xây dựng cầu, đường giao thông, công viên, trường học… Trường hợp thứ 2 là thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc, công cộng như thu hồi đất nông nghiệp xây dựng khu đô thị mới, dân cư nông thôn mới… trường hợp này tạo sự chênh lệch về địa tô do sự thay đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất ở hoặc phi nông nghiệp.
“Trong trường hợp thứ 2, sự thay đổi mục đích sử dụng đất thường phát sinh khiếu kiện, tranh chấp về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư kéo dài do người bị thu hồi đất không đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Họ cho rằng giá bồi thường thấp hơn giá đất thực tế trên thị trường. Mặt khác, việc thu hồi đất trong trường hợp này tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm do doanh nghiệp, chủ đầu tư muốn được nhận đất để thực hiện các dự án nhằm hưởng sự chênh lệch về địa tô do việc thay đổi mục đích từ đất nông nghiệp sang sử dụng đất vào các mục đích khác”, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, trong dự thảo Luật cần có giải thích rõ khái niệm “thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”, nếu không thống nhất về khái niệm này giữa các địa phương hoặc giữa các cán bộ làm nhiệm vụ quản lý đất đai, sẽ dẫn đến áp dụng tuỳ tiện, chưa thống nhất, tiềm ẩn tiêu cực, thiếu minh bạch.
Góp ý hoàn thiện các vấn đề về nông nghiệp trong Dự thảo luật, ông Trương Quốc Cần, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA) cho rằng, quy định về hệ thống và tiếp cận thông tin đất đai, công khai thông tin đất đai còn chưa đồng bộ giữa các phần. Cùng với đó, quyền giám sát của công dân đã được quy định về mặt nguyên tắc nhưng chưa được thể hiện đầy đủ trong các tiến trình liên quan đến quản lý sử dụng đất đai. Theo ông Cần, các quy định về quyền giám sát của công dân và cơ chế để đảm bảo sự giám sát của công dân cần được lồng ghép xuyên suốt và cụ thể hơn trong các tiến trình liên quan đên quản lý, sử dụng đất đai.
“Cần có quy định tăng thành phần các cơ quan chuyên môn, tổ chức xã hội, nghề nghiệp không thuộc hệ thống chính quyền và đặc biệt là vai trò giám sát, thẩm định của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp cần được thể hiện rõ hơn trong tiến trình này”, ông Cần đề xuất.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Seed mong muốn, sửa đổi Luật Đất đai 2013 làm sao đảm bảo quyền lợi và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như người dân. Đồng thời, thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp hướng tới nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất quy mô lớn, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo Thu Trang – Trung Nguyên/Báo Tin tức
Link gốc: https://baotintuc.vn/kinh-te/gop-y-hoan-thien-du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-20221004114410662.htm